Cái thuyết “cho rằng từ hồi Trịnh Nguyễn giao tranh, các chúa Nguyễn bắt đầu cải tục cho khác với ngoài Bắc” không còn là thuyết, mà là sự thực đã được các nhà nghiên cứu từ lâu xác nhận.

Văn hóa dân tộc không cần phải giữ cho giống hệt nhau từ bắc chí nam. Nên để cho các địa phương tự do sửa đổi cho hợp với điều kiện tự nhiên của vùng mình.

Nhân dân sửa theo nhu cầu là một chuyện. Còn người cai trị địa phương chủ động bắt dân sửa phong tục chỉ để phân biệt với địa phương thuộc quyền cai trị của đối thủ của mình thì hoàn toàn chuyện khác. Đó là hành động chia rẽ dân tộc!

Các chúa Nguyễn bắt dân Đàng Trong ăn mặc giống người Tàu!!! Rồi các vua Nguyễn bắt dân Đàng Ngoài ăn mặc giống Đàng Trong!

Tưởng tượng chủ trương Hoa hóa đã thành công!!! Văn hóa mà đã hóa thì nước chỉ là cái tên trống!

Nhưng dĩ nhiên sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc mà không hóa, làm gì có chuyện văn hóa Việt Nam chịu hóa dưới áp lực tương đối rất ngắn ngủi và không liên tục của một triều đình Việt Nam (tính từ năm 1744 đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đến năm 1841 cuối đời vua Minh Mạng, trừ đi khoảng thời gian từ 1775 đến 1802).

Y phục phụ nữ Bình Trị Thiên mà Nguyễn Trọng Thuật mắt thấy trong cuộc nam du hồi năm 1933, đó không phải “lối nhà Hán, nhà Minh” như ý muốn của vua Minh Mạng (nêu rõ trong chiếu viết năm 1837), mà là một sắc thái địa phương độc đáo góp phần làm đa dạng thêm nền văn hóa Việt Nam thống nhất.

(Thu Tứ)

(1) Để biết chi tiết, xin đọc chẳng hạn bài Mặc Váy, Mặc Quần của Đào Đức Nhuận.



Nguyễn Trọng Thuật, “Qua Bình Trị Thiên…”




Xe đi đến ga Bố Trạch (...) Từ vùng đèo Ngang này trở về bắc là bờ cõi nước Cổ Việt, từ vùng đèo Ngang này trở về nam là bờ cõi nước Cổ Chiêm (...)

Vùng Nghệ Tĩnh tuy núi non lẩn quất với đồng điền, nhưng đồng đất rộng rãi mầu mỡ, dân làng đông đúc. Sang đến vùng Quảng Bình, qua ga Bố Trạch đến ga Phúc Tú từ đó trở đi cho đến Ải Vân, một dải chạy dài là một cái bãi cát. Suốt từ Quảng Bình đến phía bắc tỉnh lỵ Quảng Trị là cát vàng, suốt từ miền nam tỉnh lỵ Quảng Trị (...) đến Ải Vân là cát trắng (...)

Từ ga Phúc Tú trông xuống bể xa xa thấy những cái cồn cát vàng, rồi cứ theo ven bể mà vào đến Quảng Trị, một sắc vàng vàng anh ánh, ngùn ngụt như núi như thành, đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao (...) đẹp mà (...) buồn (...)

“Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia” (...)

Lại nói về cái bãi cát dài lê thê này, chiều ngang của nó hẹp lắm, trên là núi dưới là bể, trông thấy nhau (...) Chất đất của nó thì chỗ nào có sông ngòi (...) thì mới thành đồng điền mà có dân cư. Có hai khu lớn, đồng đất rộng rãi phẳng phiu và mầu tốt, dân làng ở đông. Một là huyện Đăng Xương (thuộc Quảng Trị dinh, tức tỉnh Quảng Trị nay) trên triền sông Quảng Trị. Một là huyện Hương Trà (thuộc Quảng Đức dinh, tức phủ Thừa Thiên nay) trên triền sông Hương (...)

Từ Hà Tĩnh trở ra bắc, dân làng ở đông, làng đều trồng tre bao ngoài, kiểu đình miếu, nhà ở cùng cách phục sức của đàn ông đàn bà đều một lối như ngoài bắc. Còn từ Quảng Bình trở về nam thì khác cả.

Làng mạc trừ vùng Thừa Thiên gần kinh thành ra, thì ít có chỗ trồng tre. Kiểu đình miếu thì bốn góc mái đều cộc, chứ không (...) cong vút lên (...) như ngoài bắc. Nhà tranh thì che phên nứa phên cỏ, chứ không đắp tường đất hoặc trát vách đất như ngoài bắc. Nhiều thôn trang, nhà ở đều bé nhỏ mà trơ trọi, không có tường, hàng rào, hoặc cổng ngõ (...) gì cả. Chỗ ga Đông Hà dân ở đông, có nhiều nhà ngói mà cũng không thấy có tường rào cổng ngõ (...) Đến Thừa Thiên thì nhà ở có vườn tược tre pheo rào giậu cẩn nghiêm cũng như ngoài bắc.

Có nhiều chỗ, nuôi trâu bò không làm chuồng có mái, mà chỉ đóng dóng ở ngoài vườn xa, hoặc bỏ không hoặc phủ vài tàu lá ngang lên trên dóng mà thôi. Phục sức thì đàn bà ăn mặc giống đàn ông lắm: búi tóc, quần trắng, áo chùng cài cúc, đội nón chóp, nhất là hồi đàn ông chưa húi tóc thì càng dễ lẫn. Có thuyết cho rằng từ hồi Trịnh Nguyễn giao tranh, các chúa Nguyễn bắt đầu cải tục cho khác với ngoài bắc (...) Quảng Trị trở vào thì đàn bà thường chít cái khăn mùi lục (...)


(Trích Nguyễn Trọng Thuật, “Nam du đến Ngũ Hành Sơn”, đăng trên
Nam Phong số 184 và 185, tháng 5 và 6-1933, in lại trong Du ký Việt Nam, nhiều tác giả, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, nxb. Trẻ, 2007. Nhan đề phần trích tạm đặt.)