Vòng ống tay, bao chân, lục lạc... Rõ ràng trong số cư dân của Làng Vạc có những anh em đến từ phía tây.

Có hiện vật Đông Sơn điển hình, hiện vật “Đông Sơn tây”, mà không có hiện vật Hán. Tuy căn cứ vào niên đại C14 thì bấy giờ xâm lược Hán đã chiếm xong Cổ Việt rồi...

Có phải Làng Vạc là một điểm hẹn ngẫu nhiên giữa một số dân Âu Lạc và một số người Việt tộc ở phía tây cùng bỏ quê hương vì không chịu sống chung với giặc Tàu?

(Làng Vạc cách biên giới phía bắc của văn hóa Sa Huỳnh không xa. Hiện vật Sa Huỳnh ở Làng Vạc chắc do trao đổi hàng hóa bình thường.)
(Thu Tứ)



“Văn hóa Đông Sơn” (5)

Nguyễn Duy Hinh




Làng Vạc là tên một xóm nhỏ nằm dưới chân một quả núi trong vùng đồi núi rừng rậm thị trấn Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, cách sông Hiếu 500m về phía đông. Năm 1972 công trường thủy lợi phát hiện nhiều di vật đồng thau trong đó có trống đồng lớn. Năm 1973, 1980 Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật 1136 mét vuông. Tìm thấy 246 ngôi mộ, gồm 3 loại.

Loại thứ nhất là mộ phủ đá, chiếm 28,4%. Người xưa lấy đá phủ lên nấm mộ. Có những mộ mái được lợp như mái nhà. Những mộ này khá lớn, nấm được phủ kín bằng đá tảng và đá phiến cỡ lớn hoặc bằng đá cuội, một số mộ có biên huyệt được kè mảnh gốm và đáy huyệt lát gốm. Đa số có nhiều đồ đồng quý giá, hiển nhiên là mộ của người giàu. Có thể hình dung cách chôn như sau: đặt người chết cùng đồ tùy táng bằng đồng vào huyệt hình chữ nhật dài hơn 2m, rộng hơn 1m, sâu cách đá lợp mộ 1m, lát đáy và kè xung quanh bằng gốm vỡ, sau đó lấp đất dày khoảng 0,40-0,50m, đặt đồ gốm thành hàng dọc ở giữa, xong lấp đất tiếp và cuối cùng là lợp đá.

Loại thứ hai là mộ đất, chiếm 42,4%. Đây là loại mộ thấy nhiều nhất ở Làng Vạc. Huyệt hình chữ nhật dài 1,60m đến hơn 2m, rộng 0,60-0,90m, sâu 0,80m đến gần 2m. Một số ít cũng được lát đáy hoặc kè biên bằng mảnh gốm, đặc biệt có một mộ người chết hầu như được bó trong một lớp áo gốm. Những mộ đất có mảnh gốm thường là mộ người giàu. Nhiều hơn cả là những ngôi mộ đất không có mảnh gốm. Có những ngôi chỉ có vài món đồ gốm, nhưng cũng có ngôi chứa đến hàng chục đồ tùy táng bằng đồng.

Loại thứ ba là mộ vò, chiếm 28%. Mộ vò vừa nằm chung một khu với mộ phủ đá và mộ đất, vừa có cả một khu riêng ở xóm Đình. Có mộ chứa hai nồi úp miệng vào nhau, hoặc một nồi một vò úp miệng vào nhau. Có mộ lại chứa ba nồi vò, chiếc ở giữa được đục thủng đáy. Những quan tài gốm này được chôn nằm ngang, đa số có độ dài 1,20m-1,30m, sâu 0,60m. Mộ vò có lẽ chôn trẻ em.

Hiện vật thu được trong khu mộ táng Làng Vạc rất phong phú và đặc sắc. Đồ đồng có 510 món.

Trong nhóm công cụ sản xuất, rìu chiếm đa số. Rìu lưỡi cân có nhiều kiểu, bên cạnh những rìu mang đặc trưng chung của văn hóa Đông Sơn như rìu gần hình thang mặt cắt họng hình tứ giác hay lục giác, lưỡi hình cánh cung, còn có những rìu chỉ mới thấy ở Làng Vạc như loại rìu lưỡi xòe rộng gần hình bán nguyệt, họng lõm, hoặc loại trên thân có trang trí giống như đuôi cá. Những chiếc rìu lưỡi xéo có mũi cong vút, họng xẻ, hai bên họng có mấu. Những loại thuổng và xẻng ở Làng Vạc hầu như chưa tìm thấy ở các di tích Đông Sơn khác.

Nhóm thố, thạp, âu, khay, muôi v.v.: không như ở những khu mộ Đông Sơn khác, ở Làng Vạc toàn là đồ thực dụng, không có đồ minh khí. Một số món trước khi chôn đã bị đập bẹp, đâm thủng đáy.

Trong nhóm vũ khí, dao găm nhiều bất ngờ: đến 80 chiếc. Có dao găm cán tượng người đàn ông và cán tượng người đàn bà, cán tượng động vật như rắn ngậm chân voi, hổ ngậm chân voi. Lao, giáo rất ít.

Nhóm đồ trang sức gồm nhiều vòng ống tay, vòng tay, bao chân hơn hẳn ở bất cứ di tích Đông Sơn nào khác. Được đúc rất mỏng, có những đường trang trí văn nổi tinh vi, lại được đeo những lục lạc đủ các cỡ. Ngoài ra còn có khóa thắt lưng, xà tích.

Nhóm nhạc khí có chuông và trống. Tìm thấy năm chiếc trống lớn trong đó một chiếc chỉ còn mặt, ba mảnh của trống lớn đã vỡ, tám trống nhỏ thuộc loại minh khí trong đó có một chiếc trang trí cảnh chó đuổi cáo.

Nhóm tượng tròn có tượng voi, voi cõng chim, rùa, có lẽ là những khối tượng vốn gắn vào những hiện vật khác.

Đồ đá có 77 món, gồm rìu, bàn nghiền, hòn ghè, bàn mài, đáng lưu ý nhất là khuôn đúc rìu và khuôn đúc dao găm. Đồ trang sức có khuyên tai, vòng, hạt chuỗi, bùa đeo hình răng nanh.

Đồ thủy tinh khá nhiều: 108 món, gồm khuyên tai, vòng tay, hạt chuỗi. Nhóm hiện vật này có nhiều mối quan hệ với văn hóa Sa Huỳnh, điển hình nhất là đã tìm thấy mấu của khuyên tai thủy tinh ba mấu đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh.

Đồ gốm gồm nhiều nồi, bình, vò đã vỡ nát. Ngoài ra có hơn 100 dọi xe sợi, sáu chạc gốm, một hiện vật tạm gọi là quả cân, và tám chõ.

Sự phân hóa tài sản trong khu mộ rất rõ ràng. Có những ngôi mộ chứa tới 15, 16 hiện vật trong đó có trống lớn, thạp, âu, dao găm. Có những mộ người chết được đeo hơn chục chiếc vòng tay, bao chân vô cùng quý giá. Có những mộ chôn theo vũ khí đặc biệt như bộ lẫy nỏ hoặc đến ba dao găm. Trong khi nhiều mộ nghèo chỉ có một vài món đồ gốm như dọi xe sợi. (tr. 230-234)

(...) Làng Vạc có một niên đại C14 là 1990 +/- 85 năm trước ngày nay (...) có thể có những mộ sớm hơn (...)

Trống Làng Vạc I (...) đường kính mặt 37,7cm, chiều cao 27,8cm. Mặt trống có hình sao 12 cánh và hình bốn chim bay ngược chiều kim đồng hồ. Tang trống có bốn hình thuyền, mỗi thuyền có bốn hình người. Thân trống chia thành tám ô, cứ một ô có hình bò u đực thì ô tiếp theo có hình bò u cái (...)


(Nguyễn Duy Hinh,
Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 2004. Những số trang trong ngoặc đơn là dẫn sách Khảo cổ học Việt Nam – Thời đại kim khí Việt Nam. Nhan đề phần trích tạm đặt.)