Buồn là sở trường của ca Huế, tiếc không vừa tai mấy khách Đàng Ngoài chỉ ưa nhạc vui.

Muốn vui, chừ cho nghe Lý Ngựa Ô.

“Giọng vui nghe ít vui nhiều”, ngon... tai rồi, mời khách lên bờ, cho em đi ca buồn cho khách khác nghe.

(Thu Tứ)



Nguyễn Tr. Thuật, “Nghe hát trên sông Hương”




Sông Hương là một thắng cảnh giữa kinh đô Huế. Sông Hương lại có một cái thú dạ ca ở dưới đò là một cái quà tặng khách du lịch xưa nay. Bấy nay vẫn nghe tiếng, bây giờ đã tới nơi cũng muốn trải qua cho biết phong tục và âm nhạc của nhân dân ở kinh thành ra sao. May lại gặp ông Nguyễn Công Thành người Bắc vốn chỗ cựu thức, nay ông mới vô buôn bán trong ni. Cửa hàng của ông ở gần cửa Thượng Tứ, trông xuống sông Hương. Gặp nhau mừng rỡ chuyện trò rồi cùng hẹn nhau tối hôm đó cùng đi thưởng một cuộc hát. Tám giờ tối, chúng tôi trở lại nhà ông thì ông đã cho gọi đò và con hát chờ sẵn dưới bờ sông trước cửa hàng rồi, bèn cùng nhau các ông Đông Châu, Cát Thành, Đông Mỹ, Công Thành và tôi xuống đò cho nhổ sào.

(...) chiều mát mà bơi thuyền chơi trên sông Hương thì thú thực (...) Một dải tràng giang phân đôi thành thị. Hai bên bờ san sát thành quách, lâu đài, phố xá, chợ búa, hoa cỏ in xuống mặt nước long lanh. Một cái cầu sắt bắc ngang, ngựa xe hành khách đi lại vùn vụt. Quá cầu xuống hạ lưu một tí, cái phù châu gần làng Vĩ Dạ phân dòng sông ra làm đôi ngã, thôn trang tịch mịch, cây cối um tùm. Mặt trời khuất bóng, gió lành lạnh, nước xanh mây trắng, hơi khói mơ màng, thật là thu cả thành thị cổ kim yên ba tuyền thạch vào làm một bức họa. Tối đến đèn điện bật lên, ánh đèn bóng nước nhấp nhánh như sao. Những khi thời tiết lành, giữa cảnh vật này, khách văn nhân đứng trên mui hóng mát, ngoảnh trông bốn mặt, cảm với vũ trụ, với nước non, với kim tích, thắng thưởng mà bồi hồi, tưởng không thơ nào tả hết, tranh nào vẽ nên.

(...) Con hát có một ca nương, hai anh kép. Một anh còn trẻ gẩy cái nguyệt, một anh đã có tuổi kéo cái nhị, đều ngồi ngoài mũi thuyền. Khách ngả nghiêng trong mui, ca nương ngồi cửa mui. Cô này hỏi thì tuổi mới mười chín, vốn sinh trưởng ở kinh kỳ đây, mặc áo cẩm châu đỏ, quần cẩm châu trắng, đầu vấn tóc trần, rẽ ngôi lệch, cài lược đồi mồi, cổ đeo cái kiềng bằng vàng, phủ ngoài một cái áo ba-đờ-xuy dạ thâm, chân đi guốc quai thêu cườm. Bộ người nhỏ nhắn, má đánh phấn môi tô son, thấp thoáng dưới bóng đèn cũng dễ coi. Mỗi tay cầm một miếng gỗ khi hát thì gõ vào nhau, tiếng gióng một làm dịp. “Quan viên”, cô đầu, chú kép dùng nước, thuốc lá xong, khúc nhạc bắt đầu cất lên. Thuyền lênh đênh giữa dòng, trên thuyền cô đào miệng ca tay gõ nhịp hòa với tiếng đàn tiếng nhị, hết lên bổng lại xuống trầm. Chúng tôi mới vô Huế lần này là một, nghe giọng Huế không quen, nhiều câu không hiểu. Mà sao giọng chi khúc chi mà như khóc như than, ai oán quá đỗi làm vầy. Hỏi thì cô thưa: “Đó là nam ai... đó là nam bình” (...) chúng tôi không ưa những thanh âm bi ai ấy. Bèn bảo cô tìm khúc nào cho vui vẻ phấn chấn thì hơn (...)

Cô bèn ngồi xếp chân lại, hút hết điếu thuốc “trà”, rồi chỉnh áo ra xênh, cất tiếng hát. Hát luôn hai ba bài. Có một bài nghe ra vui vẻ hơn cả. Chúng tôi cười ồ lên để thưởng. Lại bắt cô đọc lại từng câu cho rõ từng tiếng để chúng tôi nhận nghĩa đã, rồi sẽ hát lại. Thì ra (...) là một khúc hát ở về thời chúa Nguyễn chống với chúa Trịnh, tả một viên quan võ ở ải đèo Ngang trở về dinh Vương phủ mà gặp gỡ hai cô gái. Trước tả cảnh đèo Ngang rồi đến những bộ phong vận lịch sự của hai cô gái và của viên quan võ, cùng cái tình gặp gỡ và tiễn tống nhau. Hát hết bài lần sau cùng, tôi bèn biên lấy để kỷ niệm. Bài như sau:

Đèo Ngang sơn thủy hữu tình,
Cỏ cây man lục (1), con chim trúc mỏ,
con cá bơi nước, con ngựa mang kiệu;
Tình tang tang tính, tính tang tang tình,
Thiếp đưa chàng, dinh lại về dinh.(2)
Ngựa ô yên thắm, kiệu vàng, yên tra khớp bạc,
Lục lạc đồng đen, bộ dựng nhuốm sen (3);
Tình tang tang tính, tính tang tang tình,
Thiếp đưa chàng, dinh lại về dinh.
Lên dinh dạo phố chơi bời, ối bạn tình ôi,
Tình tang tang tính, tính tang tang tình,
Thiếp đưa chàng, dinh lại về dinh.
Thấy hai cô gái, đường tóc rẽ ngang,
Bộ lông mày vòng nguyệt, mặt miệt tốt tươi;
Miệng cười cũng thú;
Tình tang tang tính, tính tang tang tình,
Thiếp đưa chàng, dinh lại về dinh.
Thấy hai người, thương lạ lùng thương,
Áo cố y tinh hảo,
Khăn nhiễu thảo tam giang,
Quần lụa áo hàng (4), dây lưng nguyệt bạch;
Tình tang tang tính, tính tang tang tình,
Thiếp đưa chàng, dinh lại về dinh.
Quạt long phủ phất, nệm gấm chiếu hoa,
Chén ngọc đũa ngà, mâm thau bát bít;
Dù cánh dơi mỏ vịt, ống điếu trắc bịt vàng...
Tình tang tang tính, tính tang tang tình,
Thiếp đưa chàng, dinh lại về dinh.


“Miếng ngon ăn ít ngon nhiều”, được một bài giọng điệu khá vui vẻ mà có ý nghĩa thiết thực như thế cũng đủ bù cho “khán quan” khỏi những sự thất vọng lúc nẫy (...)


(Trích Nguyễn Trọng Thuật, “Nam du đến Ngũ Hành Sơn”, đăng trên
Nam Phong số 184 và 185, tháng 5 và 6-1933, in lại trong Du ký Việt Nam, nhiều tác giả, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, nxb. Trẻ, VN, 2007. Nhan đề phần trích tạm đặt.)






__________
(1) Man lục: rậm biếc.
(2) Bốn câu này, cứ mỗi đoạn dưới lại đệm vào. Đó là để làm dịp cho khúc hát, cũng như những bài hát quan họ, chứ không phải là lời vợ tiễn chồng về dinh mà chồng gặp gỡ hai cô gái.
(3) Bộ dựng nhuốm sen: Bành nhuộm mùi cánh sen.
(4) Hàng tơ lụa.