Ðọc Phạm Thế Ngũ dưới đây, hiểu bài từ làm là để hát. Không phải hát ngao tùy hứng đâu, mà hát theo những điệu nhất định của người Tàu như Bồ tát man, Tây giang nguyệt, Ức Tần Nga v.v.

Trách nào nhà thơ Việt Nam đa số không... từ! Vì mấy ai biết hát những điệu Tàu nọ. Mà thứ lời viết để hát mà lại không hát thì thưởng thức làm sao?!

Hơn nữa, làm thơ để hát, ta lạ gì! Bao nhiêu bài lục bát được hát lên thành vô số làn điệu dân ca kia thôi! Bao nhiêu bài hát nói được các cô đầu hát tưng bừng suốt thế kỷ 19 kia thôi!

Thơ để hát, người Việt có lối thơ riêng của mình, cho nên chẳng mấy ai hoài công đi bắt chước Tàu.

(Thu Tứ)



Phạm Thế Ngũ, “Từ: làm là để hát”




Phạm Thái và Quỳnh Như (...) lưu lại mươi bài Từ (...)

Trong văn học Trung Hoa, Từ là một thể thơ với những câu dài ngắn không đều và xuất hiện sau Thi (...) nhà thơ Trung Hoa muốn phá vỡ những quy tắc khắt khe của bài Ðường luật để đem lại cho điệu thơ nhiều biến đổi, cũng để thích ứng lời thơ cho việc phổ nhạc. Bài Từ khởi lên ngay từ đời Ðường (...) qua đời Tống thì rất thịnh hành. Bài Từ không có một khuôn khổ duy nhất. Các thi gia, nhạc gia chế ra nhiều điệu, đặt cho mỗi điệu một tên (...) có cả trăm điệu, kể mươi điệu quen (...): Bồ tát man, Ức Tần Nga, Mộng Giang Nam, Ðiệp luyến hoa, Tây giang nguyệt, Trường tương tư, Tố ai tình (...) Mỗi điệu có một số câu với số chữ và cách gieo vần nhất định.

Trong văn học ta (...) có lẽ (...) bắt gặp lần đầu dưới ngòi bút của Phạm Thái và Quỳnh Như (...) bởi Từ (...) nặng màu tình cảm, thường mượn tiết tấu uyển chuyển, lời lẽ nùng diễm (...) để đạo đạt những u tình, kiển ngộ, nhất là rất xứng hợp để bọn tài tử giai nhân khơi tả nỗi sầu tư luyến tưởng (...) nên ta không lấy làm ngạc nhiên thấy xuất hiện dưới bút của đôi công tử tiểu thư Lê mạt này trong câu chuyện tình duyên của họ (...)

(...) Từ (...) không thấy nẩy nở về sau, trừ có ngành ca Huế (...) lợi dụng nó rộng rãi, còn không thấy dưới ngòi bút các thi gia. Có lẽ phần vì nó lả lướt, phóng túng (...) không hợp với óc qui củ của nho gia ta (...) phần nữa vì nếu chỉ cần cho âm điệu biến đổi, tiết tấu phong phú, thì ta đã có sẵn những lối song thất, hát nói, giàu nhạc tính hơn nhiều.


(Phạm Thế Ngũ,
Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, nxb. Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn, 1961-1965, tập II. Nhan đề phần trích tạm đặt.)