Về phía bắc, nên nhớ nam Trung Quốc xưa kia thuộc địa bàn Việt tộc. Di vật phát hiện được cho thấy tổ tiên ta đã giao lưu mạnh mẽ với anh em Việt tộc sống trên vùng đất ấy.

Về phía tây, đây cũng là đất Việt tộc và giao lưu cũng đã xảy ra, tuy không mạnh bằng trên.

Về phía nam, cũng vẫn là đất Việt tộc, nhưng văn hóa Đông Sơn chảy xuống mạnh hơn hẳn văn hóa phương nam chảy ngược lên. Do hiện tượng này và do khung thời gian liên hệ, có lẽ đa số dân Đông Sơn xuôi nam không phải đi để trao đổi hàng hóa, mà là chạy giặc Tàu!

Tình hình qua lại giữa Đông Sơn và Trung Nguyên thế nào?

Trước Triệu Đà, một số sản phẩm Trung Nguyên đã xuống tới Cổ Việt, sản phẩm Cổ Việt cũng có mặt ở Trung Nguyên tuy ít hơn hẳn. Điều quan trọng là văn vật Đông Sơn khác hẳn văn vật Trung Nguyên. Nó chứng tỏ văn hóa Đông Sơn có bản sắc hết sức mạnh mẽ và đó là lý do khiến sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc, nước Đại Việt ra đời!
(Thu Tứ)



Trịnh Sinh, “Giao lưu văn hóa Đông Sơn...”




Văn hoá Đông Sơn đã được các nhà khảo cổ học Việt Nam và quốc tế xác định rõ niên đại và phạm vi phân bố. Đó là thời gian khoảng thế kỷ VII trước Công Nguyên cho đến khoảng thế kỷ I-II sau Công Nguyên. Văn hoá Đông Sơn phân bố chủ yếu ở miền bắc Việt Nam, có thể từ vùng núi phía bắc Việt Nam đến tận đèo Ngang (...)

Văn hoá Đông Sơn phát triển rực rỡ, trong phạm vi bài này, chúng tôi (...) chỉ đi vào một khía cạnh: người Đông Sơn với biển, đặt trong nền cảnh của sự giao lưu văn hoá của nó với các nền văn hoá khác ở vùng ven biển và hải đảo.

1. Bằng chứng khảo cổ học về sự giao lưu văn hoá trên vùng đất liền

Văn hoá Đông Sơn có những mối giao lưu văn hoá rộng rãi với những nền văn hoá đồng thời ở các khu vực xung quanh. Có thể sự giao lưu văn hoá này thể hiện ở những vùng đất liền kề như với Lào, Thái Lan qua những cao nguyên và vùng núi phía tây hoặc với một số vùng núi của tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông phía bắc. Những trống đồng tìm được ở các vùng đất này là trống Đông Sơn đã cho chúng ta thấy rõ sự lan toả của văn hoá Đông Sơn. Một vài ví dụ:

- Một số trống đồng Đông Sơn tìm thấy ở sâu trong địa phận Lào như trống Đon Đét, phát hiện năm 1924 trong khi làm đường từ Pắc Xế đi U Bon. Trống Phôn Xa Vẳn, tìm được ở Xa vẳn Na Khệt. Trống Huổi Hủa Xang I và II cũng tìm được ở gần trống Phôn Xa Vẳn, cách Xa Vẳn Na Khệt khoảng 40 km về phía bắc. Trống Viêng Xay ở vùng mường Viêng Xay của tỉnh Sầm Nưa (Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh 1987).

- Một số trống đồng Đông Sơn tìm được ở vùng cao nguyên đông bắc Thái Lan cũng cho phép chúng ta nghĩ về mối giao lưu phía tây của văn hoá Đông Sơn, mà chủ yếu là bằng đường bộ và những dòng sông nhỏ. Trong số 22 chiếc trống đồng Đông Sơn tìm được ở Thái Lan (Trịnh Sinh 1988: 93-102), có thể có những chiếc nằm sâu trong nội địa nước này cũng được đưa đến từ những từ vùng miền Bắc nước ta, mang những đặc trưng của trống Đông Sơn. Đó là những trống đồng tìm được trong hang Ongbah giống với trống đồng Quảng Xương, Hữu Chung (P. Sorensen 1979), trống đồng tìm thấy ở hang Thung Yang, trống có tên Khorat (tức trống Bangkok V) (R.B. Smith 1979). Đáng lưu ý, những trống Đông Sơn tìm được ở Thái Lan cũng có mang tỷ lệ hợp kim tương tự như những trống tìm thấy ở miền bắc Việt Nam. Đó là trống gồm 3 thành phần: đồng-chì-thiếc, trong đó tỷ lệ chì chiếm khá cao, lên đến gần 20% (U.Gueler 1944) mà tỷ lệ chì cao là một trong những đặc trưng của đồ đồng Đông Sơn muộn (Trịnh Sinh 1989: 43-50). Vì vậy, khả năng trống Đông Sơn theo những con đường mòn và sông suối nhỏ để đến được vùng cao nguyên Lào và Thái Lan. Các nhà khảo cổ cũng có thấy một sự giao lưu ảnh hưởng của văn hoá thời đại Kim Khí ở đây đối với văn hóa Đông Sơn, tuy không rõ nét lắm, nhưng cũng có thể thấy được ở một số dạng vòng ống bằng đồng, một số dạng công cụ sắt.

- Con đường giao lưu trên đất liền mạnh hơn thể hiện ở các mối quan hệ với các văn hóa cùng thời ở Hoa Nam, Trung Quốc. Giao lưu mạnh mẽ nhất là giữa Đông Sơn và Điền dọc theo sông Hồng. Đây là tuyến hành lang tự nhiên, chắc khi đó, thuyền bè xuôi ngược tấp nập giữa đồng bằng Bắc bộ và vùng hồ Điền của Vân Nam, Trung Quốc, nơi có nền văn hoá thời đại Kim Khí nổi tiếng mà địa điểm được biết nhiều nhất là Thạch Trại Sơn. Dấu tích của sự giao lưu nổi nét vẫn là trống Đông Sơn được chôn theo như một dạng quan tài hay đồ đựng tại đây. Bên cạnh đó còn có những chiếc vỏ sò - một loại tiền được gọi là “bối tiền” - sản phẩm của biển Đông nước ta cũng được chôn trong mộ của khu Thạch Trại Sơn. Có thể, văn hoá Điền cũng ảnh hưởng tới Đông Sơn ở một số khía cạnh như một số loại đồ đồng như lưỡi cày, lưỡi liềm, một số sản phẩm nghệ thuật mang yếu tố đồng cỏ như tượng tròn. Một số trống Đông Sơn còn tìm được trong mộ táng của những khu vực khác của tỉnh Quảng Tây như trống Điền Đông, trống La Bạc Loan, trống Phổ Đà… đều có thể được đem đến từ miền bắc Việt Nam theo những con đường trên bộ hoặc đường sông suối. (Trịnh Sinh 1997: 55-65)

Một loạt các dẫn chứng khảo cổ học vừa kể trên đã chứng minh con đường giao lưu văn hoá về phía tây và phía bắc (trong phạm vi đất liền) của Đông Sơn rất đáng chú ý. Tuy nhiên, con đường giao lưu dọc bờ biển của văn hoá Đông Sơn ở cả phía bắc và phía nam mới là con đường giao lưu có tầm vươn xa rộng hơn.

2. Con đường giao lưu trên biển

Ở vào một khu vực địa lý khá thuận lợi cho việc giao lưu văn hoá ven biển, khi một cạnh phía đông của đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng bắc Trung bộ, nơi phân bố chủ yếu của văn hoá Đông Sơn là Biển Đông. Vì thế, sự hình thành con đường ngược xuôi bắc nam ven biển là điều tất yếu.

Sự hình thành “con đường nước” quan trọng ven biển Đông thực ra đã có từ trước thời Đông Sơn. Các bằng chứng khảo cổ học cho thấy ngay từ thời hậu kỳ Đồ Đá, người cổ ven Biển Đông đã có giao lưu với người thời đại Đá Mới ven biển nam Trung Quốc. Trước nữa, vào thời sơ kỳ thời đại Đá Mới, người văn hoá Hoà Bình đã có mặt trên diện rộng ở khắp cả vùng Đông Nam Á lục địa lẫn hải đảo.

Vào thời văn hoá Đông Sơn, “con đường nước” đã đưa người Đông Sơn đi xa hơn thời đại đồ đá hay thời kỳ văn hoá Tiền Đông Sơn trước đó.

- Chứng cớ xa nhất về phía bắc cho đến nay được biết và chúng tôi đã công bố là chiếc trống đồng “đặc sản” của Đông Sơn đã có mặt ở Triết Giang, Trung Quốc (Trịnh Sinh 1997). Khi các nhà khảo cổ Trung Quốc khai quật khu mộ Thượng Mã Sơn, huyện An Cát, đã tìm thấy một hiện vật “lạ” so với đồ tuỳ táng ở đây. Đó chính là chiếc trống đồng minh khí của văn hoá Đông Sơn. Một loại hình mà cho đến nay chỉ văn hoá Đông Sơn mới có. Chính các nhà khảo cổ Trung Quốc khai quật nơi đây cũng phải ngạc nhiên và công nhận đây không phải là hiện vật quen thuộc của vùng này. Ngôi mộ có trống minh khí là ngôi mộ số 10, được xác định vào thời Tây Hán, tức trùng vào thời Đông Sơn muộn. Trống đồng này có đường kính mặt 7,0 cm chiều cao 5,0 cm, có ngôi sao 12 cánh, hoa văn gạch ngắn song song. Trống có hai quai ở hai bên tang và một quai ở chính giữa mặt trống. Trống này khá giống với các trống minh khí đã phát hiện ở ta như trống Lãng Ngâm, trống Trung Mầu… Việc một sản phẩm độc đáo của người Đông Sơn có mặt mãi tận hạ lưu sông Trường Giang như vừa nói đã cho thấy một bằng chứng chắc chắn của sự giao lưu qua đường Biển Đông ngược lên phía bắc. Dọc ven biển từ miền Bắc nước ta đến vùng Triết Giang là một quãng đường dài. Có thể dấu tích Đông Sơn còn lưu lại một số nơi khác mà những chiếc thạp đồng - cũng là sản vật độc đáo của văn hóa Đông Sơn - được tìm thấy trong ngôi mộ của Nam Việt Vương là một chứng cứ khác. Ngôi mộ này cũng có niên đại tương đương với thời Đông Sơn muộn. Thạp Đông Sơn trong mộ được coi là hiện vật quý giá và các nhà khảo cổ Trung Quốc cũng coi là sản vật từ phương nam mang lên. Địa điểm mộ Nam Việt Vương cũng thuộc vùng ven biển, thuộc thành phố Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc, nơi có con sông Châu Giang đổ ra biển.

- Biển cũng tạo điều kiện cho người Đông Sơn giao lưu văn hoá với tộc người anh em phía nam trong thời đó, người Sa Huỳnh. Nhiều cuộc khai quật dải đất miền Trung nước ta gần đây cũng cho thấy một loạt làng cổ, khu mộ cổ có sự đan xen văn hoá giữa Đông Sơn và Sa Huỳnh thể hiện ở táng tục chôn cất và bộ sưu tập hiện vật. Nhiều vùng cửa sông đổ ra biển có những di tích mộ vò của người Sa Huỳnh với những hiện vật truyền thống của nền văn hóa bản địa, song lại có được những đồ vật đặc trưng cho nền văn hoá Đông Sơn ngoài Bắc đem vào. Điển hình trong số di tích đó là Gò Quê, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có con sông Trà Bồng chảy đổ ra vịnh biển Dung Quất. Những đồ vật như dao găm, rìu đồng, lưỡi câu đồng, mảnh hộ tâm phiến, giáo đồng… là hiện vật giao lưu với Đông Sơn mới có thể có mặt nơi đây. Các di tích ở Quảng Nam, vùng lưu vực sông Thu Bồn cũng vậy, trên một nền Sa Huỳnh bản địa có dấu ấn giao lưu văn hoá của Đông Sơn. Văn hoá Đông Sơn lưu dấu ấn trên một dải đất ven biển miền Trung và miền nam nước ta còn thể hiện ở một loạt trống đồng tìm thấy ở ven biển như ở Nha Trang, Vũng Tầu. Một số trống đồng còn ngược theo các con sông lên tận vùng Cao Nguyên ở Đắc Lắc, ở vùng núi Bình Định và ở vùng Bình Dương.

- Theo dọc “con đường nước” phía nam, người Đông Sơn không chỉ dừng lại ở dải đất hình chữ S mà còn đi xa hơn nữa, đến các vùng ven biển của lục địa Đông Nam Á và đến các vùng đảo. Các nhà khảo cổ thấy được một số trống Đông Sơn tìm thấy ở ven biển Thái Lan. Điển hình cho số này là chiếc trống có tên gọi là trống Cô Xa Mui, tỉnh Xurathani, miền nam Thái Lan, chỉ cách bờ biển có 300 m. Trống có đường kính mặt 69,0 cm chiều cao 54,5 cm. Giữa mặt trống trang trí ngôi sao 10 cánh, có những hoa văn Đông Sơn khác như hoa văn người hoá trang, 10 chim bay, hình thuyền, hoa văn hình học (S. Vallibhotama 1978:55-72). Vùng bờ biển của Ma-lai-xi-a cũng phát hiện được trống Đông Sơn, điển hình là hai chiếc trống Cuala Torengganu I và II ở bờ phía đông của bán đảo nước này. Vùng Kampon Sungailang cũng tìm được 2 trống Đông Sơn cùng được chôn ngửa trong một vò gốm và trống được trang trí hoa văn hiện thực khá đẹp như chim bay, hình người hoá trang lông chim, tượng cóc (B.A.V. Peacock 1965). Có thể nói, vùng bán đảo Ma-lai-xi-a là vùng xa nhất về phía tây, cho đến nay tìm được những dấu tích của sự giao lưu văn hóa Đông Sơn. Đặc biệt ở vùng quần đảo In-đô-nê-xi-a, chứng tích của các trống đồng Đông Sơn để lại khá nhiều trên các đảo. Một số trống đồng điển hình như trống Xiandua, đảo Java. Đảo này còn có nhóm trống Xơmarang, trống Dieng. Trên đảo Xumbava, có nhóm trống Xanghi gồm 6 chiếc là trống Đông Sơn trang trí đẹp. Trên các đảo Roti, Salayar và nhiều đảo nhỏ khác cũng tìm thấy khá nhiều trống Đông Sơn (F. Heger 1902). Quần đảo Kai, gần Irian Jaya, có lẽ là vùng tìm thấy trống đồng Đông Sơn xa nhất về phía đông mang dấu tích giao lưu văn hoá. Theo các học giả In-đô-nê-xi-a (H. Soebadio et al.1996: 38-40), đồ đồng và đồ sắt xuất hiện ở In-đô-nê-xi-a muộn, khoảng 500 năm trước Công Nguyên, chủ yếu là đồ đồng nghi lễ. Trống đồng Đông Sơn có mặt ở quần đảo này muộn hơn, có thể là được du nhập từ miền bắc Việt Nam vào khoảng 200 năm trước Công Nguyên. Sau khi du nhập trống đồng, người dân bản địa ở đây lại sáng tạo ra một dòng trống mới: trống Moko, vừa có những nét của trống Đông Sơn lại vừa có những nét riêng bản địa.

3. Một vài nhận xét

Qua những tư liệu khảo cổ học vừa được nêu trên, chúng tôi có những nhận xét về các mối giao lưu bằng con đường biển của văn hoá Đông Sơn như sau:

- Văn hóa Đông Sơn là một nền văn hóa không đóng kín mà là một nền văn hoá mở. Các mối giao lưu văn hoá rộng rãi cùng thời với những nền văn hoá khác ở khu vực Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Đáng lưu ý là con đường biển đã đưa văn hoá Đông Sơn tiếp cận đến tận vùng hạ lưu sông Trường Giang, Trung Quốc (phía bắc) đến vùng bờ biển Ma-lai-xi-a (phía tây) vùng quần đảo In-đô-nê-xi-a (phía nam và phía đông). Về mặt địa lý, đây là một khu vực khá rộng. Chỉ có bằng “con đường nước” - những dòng hải lưu trên biển - mới có thể đưa những đồ vật Đông Sơn đi xa được như vậy. Điều đó cũng chứng tỏ người Đông Sơn đã sử dụng thành thạo thuyền đi biển. Hình ảnh thuyền đi biển có thể mang dáng dấp của một số thuyền có kích thước lớn được khắc hoạ trên trống đồng.

- Một số học giả, điển hình là H.H.E. Loofs-Wissowa, cho rằng những trống đồng Đông Sơn có mặt khắp vùng Đông Nam Á rộng lớn là do có một sự ban phát quyền lực nào đó, mà trống đồng là một dạng “quyền trượng” của một thủ lĩnh ở vùng miền bắc Việt Nam đã ban cho các thủ lĩnh địa phương trong vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, ý kiến này vẫn còn phải có thêm nhiều bằng chứng có sức thuyết phục hơn.

- Chúng tôi cho rằng, đồ đồng Đông Sơn có sự phát tán mạnh ở nam Trung Quốc và Đông Nam Á vào giai đoạn muộn như vào thời Tây Hán (như trường hợp chiếc trống minh khí ở Triết Giang). Một số đồ đồng có mặt trong văn hoá Sa Huỳnh cũng là đồ đồng Đông Sơn muộn. Điều đó chứng tỏ, vào giai đoạn cực thịnh của văn hóa Đông Sơn, khi mà người Đông Sơn thành thạo công việc đúc đồng, họ đã mang sản phẩm đi giao lưu với các vùng đất khác như một dạng trao đổi hàng hoá. Niên đại của sự giao lưu văn hoá này có thể vào khoảng vài thế kỷ trước Công Nguyên. Những trống đồng có mặt ở các vùng Đông Nam Á thường là những trống đã có kích thước lớn, có thể có cóc, niên đại cũng không thể quá sớm được.

- Một số trống đồng tìm được ở In-đô-nê-xi-a là những trống Đông Sơn điển hình, mang dáng dấp của trống Hữu Chung của Việt Nam. Chúng tôi cũng đồng ý với ý kiến của các học giả In-đô-nê-xi-a rằng trống đồng Đông Sơn đã đến đất nước này theo một dạng như nhập khẩu nguyên chiếc, để sau đó, từ những trống này đã gợi ý cho một mẫu hình trống được đúc tại chỗ khác. Niên đại của trống Đông Sơn đến đây có thể không sớm quá thế kỷ thứ II trước Công Nguyên. Các nhà khảo cổ In-đô-nê-xi-a đã công bố tư liệu về hai mộ táng tìm được trống đồng (H. Soebadio et al.1996: 38-40) ở Plawangan, miền trung đảo Java. Trống Đông Sơn tìm được trong mộ trẻ em, một mộ còn nguyên xương sọ. Đồ tuỳ táng trong mộ là hạt chuỗi thuỷ tinh, hạt chuỗi vàng, thùng đồng 4 chân có hoa văn vòng tròn kiểu Đông Sơn, giáo và đục bằng sắt, đồ gốm, đồ gỗ… Đáng lưu ý, trong một ngôi mộ trẻ em, một chiếc trống Đông Sơn được đặt nằm trên một chiếc trống thứ hai, nhưng là trống đúc tại bản địa, loại trống Pejeng. Điều đó chứng tỏ một giai đoạn mà trống nhập khẩu tồn tại cùng trống bản địa và người In-đô-nê-xi-a quý cả hai loại trống này.

- Việc xuất hiện khá nhiều trống Đông Sơn muộn ở vào thời điểm thế kỷ I,II trước Công Nguyên ở In-đô-nê-xi-a đã cho phép chúng tôi liên tưởng đến một hoàn cảnh lịch sử đương thời ở miền bắc Việt Nam. Vào năm 111 trước Công Nguyên, nhà Hán đã xâm lược nước ta, có nhiều chính sách hà khắc như lịch sử đã ghi lại, trong đó có việc thủ tiêu văn hoá người Việt trong quá trình Hán hoá mãnh liệt. Nhiều trống đồng bị nấu chảy, tàn phá. Có thể, chính vì không chịu được sự Hán hoá, một bộ phận người Việt cổ đã ra đi đến các miền đất ven biển phía nam và có mang theo trống đồng như một kỷ vật quê hương. Nếu vậy, thì có thể những chiếc trống đồng Đông Sơn có mặt ở In-đô-nê-xi-a là do “cú hích” lớn như vậy của việc nhà Hán xâm lược. Điều này trùng với niên đại của trống đồng Đông Sơn ở đây. Mặt khác, một số nét văn hoá In-đô-nê-xi-a cũng có thể bảo lưu yếu tố Đông Sơn bắt đầu từ những sự tiếp xúc văn hóa này mà dẫn chứng cụ thể là hình tượng ngôi nhà sàn mái cong trên trống đồng Đông Sơn vẫn còn có bản sao trên các ngôi nhà sàn hiện vẫn tồn tại ở vùng Toba Batak, miền bắc In-đô-nê-xi-a.

- Qua những dẫn chứng về các mối giao lưu văn hoá theo con đường biển của người Đông Sơn, chúng ta mới thấy được người xưa đã có tầm nhìn đúng mức về chuyện khai thác biển. Trong quá trình giao lưu, có thể họ đã hội nhập một số yếu tố bên ngoài mà chúng ta còn cần phải tìm thêm nhiều tài liệu khảo cổ nữa mới có thể chứng minh được. Sự giao lưu văn hoá đã giúp văn hoá Đông Sơn có một sức sống mãnh liệt và hun đúc được cái cốt lõi của tính cách Việt có giao lưu nhưng không mất đi bản sắc để có thể vững vàng trước cơn đại hồng thuỷ ngàn năm Bắc thuộc sau đó, không bị nuốt trôi, ít ra về mặt văn hoá của người Việt.


(Trịnh Sinh, “Giao lưu văn hóa Đông Sơn ở vùng ven biển và hải đảo”, trang
hids.hochiminhcity.gov.vn. Bài viết có kèm theo thư mục tham khảo và hình dẫn chứng không đăng lại ở đây.)