Huế xửa xưa lớn đến ba tỉnh! Huế trong “Đường vô xứ Huế quanh quanh / Non xanh nước biếc như tranh họa đồ / Thương em anh cũng muốn vô / Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang...” là Huế nhỏ. Vậy bài ca dao không xưa lắm...



Nguyễn Trọng Thuật, “Huế lớn, Huế nhỏ…”




Đây nói xứ Huế là theo cái tên địa giới cũ từ đời Lê về trước (...)

Lý Thái Tôn đem quân đánh Chiêm Thành, vua Chiêm dâng đất ba châu là Địa Ní, Ma Linh và Bố Chính. Lý Thái Tôn sai Thường Kiệt ra kinh lý, họa đồ bản, cải tên Địa Ní làm Lâm Bình, Ma Linh làm Minh Linh. Rồi chiêu mộ dân ta vào cho lập ấp khẩn hoang. Tức là địa hạt tỉnh Quảng Bình ngày nay.

Đến đời Trần, vua Anh Tôn gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm là Chế Bân. Vua Chiêm dâng đất châu Ô, Lý, bèn đổi tên làm châu Thuận Hóa. Tức là địa hạt tỉnh Quảng Trị, phủ Thừa Thiên ngày nay.

Đến đời Lê Hồng Đức hợp ba châu Lâm Bình, Minh Linh và Bố Chính làm phủ Tân Bình, đổi châu Thuận Hóa làm phủ Thiệu Hưng, mà đặt một bộ thừa tuyên (tổng đốc) để quản trị cả hai phủ, gọi là Thuận Hóa thừa tuyên. Sau lại đổi làm Thuận Hóa xứ. Ấy cái tên gọi từ Đèo Ngang đến Ải Vân là xứ Huế có từ đó.

Nguyễn Hoàng Công lúc vào trấn xứ Huế, đóng dinh ở xã Ái Tử huyện Đăng Xương mé bắc phủ Thiệu Hưng, sau là Quảng Trị dinh. Đến chúa Chiêu Vương dời dinh vào đóng ở xã Kim Long (Kim Luông) huyện Hương Trà mé nam phủ Thiệu Hưng gần sông Hương. Nghĩa Vương lại dời dinh đến áp bờ sông Hương, sau là Quảng Đức dinh. Từ hồi triều Nguyễn thống nhất đến nay, Vương phủ ở Quảng Đức dinh đổi làm quốc đô của nước Việt Nam, hạt sở tại đổi làm phủ Thừa Thiên, Quảng Trị dinh đổi làm Quảng Trị tỉnh.


(Nguyễn Trọng Thuật, “Nam du đến Ngũ Hành Sơn”, đăng trên
Nam Phong số 184 và 185, tháng 5 và 6-1933, in lại trong Du ký Việt Nam, nhiều tác giả, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, nxb. Trẻ, 2007. Nhan đề phần trích tạm đặt.)