Năm sau Nguyễn có đón giao thừa ở ngoại thành không nhỉ. Nếu… thì sáng mồng Một, có gặp lại “cái anh sương xuân bảng lảng” chăng? Nếu có và có, thì cũng chỉ là để cùng hướng về tương lai tái ngộ ở ngoại ngoại thành! Mới mất “anh sương” đã kêu “nghèo”, vậy cái chiều ba mươi tháng Chạp vừa qua, hồn Nguyễn được con cháu rước về ăn Tết Quý Tỵ (2013), nhìn quanh chắc thấy Tết... rách mồng tơi. Tết truyền thống sắp sửa “mất đứt” rồi. Mà những người Việt cảm xúc tinh tế như Nguyễn cũng sắp sửa “mất đứt” rồi. Cả cái đất nước từng có một nền văn hóa hết sức thơ này rồi chỉ rặt những “anh” gặp bất cứ cái gì cũng đòi mổ xẻ, phanh phơi! Bây giờ cả dân tộc Việt Nam đang đua nhau theo “người khác” ngày đêm nặn óc “đi tìm cội nguồn của hiện tượng”, chả ai còn rỗi để cho tâm hồn mình cảm xúc cho ra cảm xúc bất cứ hiện tượng nào nữa. Văn chương sắp sửa “mất đứt” rồi, Vang bóng một thời ơi. (Thu Tứ)



“Các anh làm văn kia mà!”

Nguyễn Tuân




Người xông nhà chúng tôi rất sớm, khi còn tối đất, sáng mồng Một năm Đinh Tỵ (1977), là nhà văn Nguyễn Tuân (...) (Khi) ra về (...) khỏi cổng, dừng lại hồi lâu trên hè, nhìn phố Hai Bà Trưng thưa thớt người đi lại vào sáng sớm, ông nghiêng đầu nói khẽ với tôi:

- Anh có thấy Hà Nội buổi sáng mồng Một này thiếu cái gì không?

Tôi không cần động não để tìm câu trả lời làm gì. Câu hỏi được đặt ra chỉ là cái cớ cho câu trả lời đã có sẵn, chắc chắn là sẽ rất Nguyễn Tuân.

- Thiếu sương!

Nguyễn Tuân mắt vẫn nhìn chung quanh, thở dài.

- Anh không nhận ra cái sự thiếu ấy, tôi không trách. Anh còn quá trẻ. Ngày trước sáng mồng Một bao giờ cũng có sương nhè nhẹ, không nhiều, một chút gọi là có thôi, nhưng đích thực là sương. Nó bay là là, thoang thoảng, như có mà như không. Rét ngọt. Chỉ có trên các lá cây mới có sương hiển hiện, lâu lâu đọng thành giọt, rơi xuống mặt mình, có khi lọt cả vào cổ áo mình, rất là Tết. Đã mấy năm nay, vào ngày Tết mình cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó mà không biết là cái gì. Bây giờ mới phát hiện ra: đúng là thiếu nó, thiếu sương.

Tôi bàng hoàng trước nhận xét của ông. Tôi nhớ đến những năm xa xưa, khi tôi còn rất nhỏ. Đúng là Hà Nội những ngày đầu năm ấy sương la đà trên mặt đường, lẩn khuất trong những bãi cỏ, bụi cây.

- Thưa bác, có lẽ tại Hà Nội đông dân thêm, nhiều nhà máy, nhiều xe cộ, thành thử cái tiểu khí hậu địa phương thay đổi, nhiệt độ tăng cao hơn trước...

- Xì, đốt anh đi! Các anh bây giờ, đụng đến cái gì cũng vội vã chỉ ra nguyên nhân rồi dài dòng giải thích, cứ như chung quanh mình toàn một lũ thất học vậy. Các anh làm văn kia mà - không nhìn tôi, ông cằn nhằn - Tôi là tôi đang nói cái có, tôi nói cái hiện hữu, nói cái cảm xúc mà nó gây ra trong tâm hồn con người... Còn cái việc đi tìm cội nguồn của hiện tượng là việc của người khác.

- Dạ!

- Thế là mất đứt cái anh sương xuân bảng lảng. Tiếc quá!

Nguyễn Tuân lại thở dài. Ông buồn thật sự.

- Thiếu nó, Tết (...) nghèo đi, mà không chỉ nghèo đi một chút đâu nhá, anh hiểu không? Đành vậy, sang năm phải tìm cách đón giao thừa ở ngoại thành, may chăng còn có thể gặp lại nó.


(Vũ Thư Hiên, “Sương xuân và hoa đào”, trong
Nguyễn Tuân - người đi tìm cái đẹp, nhiều tác giả, nxb. Văn Học, 1997. Nhan đề phần trích tạm đặt. Chỗ in đậm là do người trích.)