- Hình như ngoài ở di chỉ Đông Sơn, dấu vết nhà sàn chưa được tìm thấy ở bất cứ địa điểm văn hóa Đông Sơn nào khác. Tại sao?

- Thanh Hóa tuy rất nhiều di chỉ Đông Sơn, nhưng những món đồ đồng lớn nhất, cầu kỳ nhất, như trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ, trống Cổ Loa, thạp Đào Thịnh v.v. đều tìm thấy ở châu thổ Bắc bộ.
(TT)



“Văn hóa Đông Sơn” (4)

Nguyễn Duy Hinh




Di tích Đông Sơn thuộc làng Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, nằm ở hữu ngạn sông Mã, gồm hai khu vực. Khu trong làng nằm trong một lũng hẹp giữa đuôi núi Rồng và núi Lườn, diện tích khoảng 1.000 mét vuông, là di chỉ cư trú. Khu thứ hai trải dài trên bờ sông Mã, dài khoảng 300-400 mét, rộng khoảng 50-60 mét, là di chỉ cư trú – mộ táng.

Phát hiện độc đáo nhất là các hố chôn cột phân bố theo quy luật nhất định với những cây gỗ có vết chặt, đục, đẽo, có lẽ là vết tích nhà sàn (tr. 223). Trong mộ táng đã tìm thấy đồ thủy tinh, đồ sắt, những dấu vết tiếp xúc với văn hóa Hán. Cuộc khai quật năm 1960-1961 phát hiện được 35 mộ Đông Sơn trong đó 21 mộ có dấu vết tiếp xúc với văn hóa Hán, 14 mộ thuần bản địa. Cuộc khai quật năm 1969-1970 và 1976 cho kết quả: giai đoạn trước Đông Sơn có 168 mộ, giai đoạn Đông Sơn sớm 32 mộ, giai đoạn Đông Sơn trước khi tiếp xúc với văn hóa Hán 52 mộ, giai đoạn Đông Sơn đã tiếp xúc với văn hóa Hán 24 mộ (tr. 224-225).

L. Pajot đã đào được ở đây một số trống đồng hiện đang lưu trữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội dưới các ký hiệu Đông Sơn I, II, III (...) các trống đồng do O. Jansé khai quật được mang ký hiệu Đông Sơn V, VI (...)

Về việc ở Đông Sơn tìm thấy đồ sắt, đồ thủy tinh, dấu vết văn hóa Hán, thì những loại di vật này cũng đã được phát hiện ở một số di chỉ khác. Như tại di chỉ Vinh Quang (Hà Tây) có đồ sắt và dấu vết luyện sắt, tiền Bán Lạng thời Lữ Hậu (năm 187-180 tr. c. ng.) (tr. 218-219). Tại di chỉ Chiền Vậy và di chỉ Đường Cồ (Hà Tây) có cuốc sắt, hạt chuỗi thủy tinh, các di tích thuộc văn hóa Hán như cốc đốt trầm, bát tráng men, bát đồng (tr. 220-221).

Ở Thanh Hóa năm 1959 phát hiện được di chỉ Thiệu Dương (xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa). Các cuộc khai quật năm 1960, 1961, 1965 đã đưa ra ánh sáng rất nhiều di vật, trong đó đồ đồng có 13 lưỡi cày, 42 rìu chữ nhật, 83 rìu lưỡi hình cung, 6 đục, 5 dùi, 2 dao, 6 lưỡi câu, 1 liềm, 10 dao găm, 27 mũi tên, 2 tấm che ngực, 1 khâu đeo, 7 thố, 2 thạp, 1 trống minh khí, 89 vòng tay (tr. 226).


(Nguyễn Duy Hinh,
Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 2004. Những số trang trong ngoặc đơn là dẫn sách Khảo cổ học Việt Nam – Thời đại kim khí Việt Nam. Nhan đề phần trích tạm đặt.)