Bất kể xuất phát từ đâu, tổ tiên ta đã phải sống rất mãnh liệt trên “vùng sình lầy” mới có ta ngày nay.

Dân tộc Việt Nam đã “đánh” nước để mở đất, mở xong vẫn gọi đó là nước!

Chỉ đúng một chữ mà chất chứa bao nhiêu “chuyện xưa”!

(Thu Tứ)



Nguyễn Khắc Viện, “Kể chuyện xưa”



Tuổi già hay kể chuyện xưa.

Năm, sáu nghìn năm về trước, đồng bằng sông Hồng còn là vùng sình lầy, cha ông mới mon men ở các đồi núi ngoài ven, nhưng cũng đã bắt đầu hướng về xuôi chiếm lĩnh đất châu thổ. Kẻ ở lại miền núi, người xuôi theo dòng sông chiếm lấn sình lầy, câu chuyện 100 con của Âu Cơ và Lạc Long Quân, năm mươi tiến ra biển, năm mươi ở lại đồi núi, nhắc lại cho chúng ta, dân tộc Việt Nam tuy hai vẫn là một, người miền ngược miền xuôi cũng một giống dòng, cũng từ một bọc trứng mà ra, là "đồng bào" với nhau.

Tiến về đồng bằng, cha ông ta phải đương đầu với một con sông hung hãn, mùa mưa lũ dâng lên 9-10m, tràn ngập khắp nơi. Có trị được nước mới có đất mà ăn ở. Sơn Tinh thắng Thủy Tinh. Sơn Tinh là ai, nếu không phải là sức chiến đấu chống lũ lụt của cộng đồng người Việt, mấy nghìn năm đã dựng nên một hệ thống đê, cao hàng chục mét, dài mấy nghìn cây số (…) Một công trình hàng năm phải làm đi, làm lại. Một công trình đòi hỏi sự cố kết chặt chẽ của tất cả thành viên của cộng đồng.

Cũng từ sự cố kết ấy, cùng nhau trồng lúa đắp đê mà tạo ra một lối sống, một nền văn hóa riêng biệt, độc đáo, cứ tạm gọi là văn hóa Ðông Sơn, và lấy những chiếc trống đồng Ðông Sơn làm vật tiêu biểu.

Có làm chủ được nước mới có đất làm ăn, hai chữ đất nước gắn với nhau gợi lên trong tâm hồn mỗi chúng ta những âm vang sâu sắc. Ðất nước xây dựng bằng bao nhiêu mồ hôi lại phải đổ xương máu để giữ gìn. Phía bắc là một đế chế đầy tham vọng, thường xuyên đe dọa, thường xuyên dân tộc phải chống lại. Chuyện về Thánh Gióng tượng trưng cho cuộc chiến đấu lâu dài, bền bỉ ấy.

Bạn cứ nhớ đến các chuyện: “Bọc trăm trứng”, “Sơn Tinh Thủy Tinh”, “Thánh Gióng” là hiểu được thế nào là dân tộc.


(Nguyễn Khắc Viện,
Ðạo và đời, nxb. Khoa Học Xã Hội, 2007, tr. 113-114. Nhan đề phần trích tạm đặt.)