Cái thứ trái “bình dân” mà được người quê nấu cách cầu kỳ đến lạ và được thiếu nữ Hà Thành thưởng thức cách “quý phái” hơn khi ăn những trái “sang”... Ai bảo cứ rẻ là bị “rẻ”! À, “nhót” trong “nhấm nhót” có phải chính từ hình ảnh “đôi hàm ngọc của răng” cắn khẽ vào “môi”? (Thu Tứ)



Nguyễn Hà, “Nhót - Cầu kỳ, quý phái!”





ảnh khuyết danh


Thuở nhỏ, tôi có một người bạn cùng học, cùng lớn lên dưới mái trường làng. Tuổi thiếu niên, hai đứa cùng ra phố huyện, học ở trường huyện. Lúc thanh niên, anh lấy vợ sớm, tôi về thành phố học tiếp (...) Mỗi năm chỉ một vụ hè, tôi mới lại về phố huyện thăm mẹ sinh ra anh, cũng là mẹ nuôi tôi, và ở chơi với hai cháu nhỏ con gái đầu của anh, đứa lên ba, đứa lên bốn tuổi, chúng cũng gọi tôi là bố. Nhà anh ở sát mặt đê chạy qua phố huyện, đằng sau có một khoảnh vườn thuộc dạng đất phù sa do con sông Đáy đắp bồi. Vườn trồng các thứ cây ăn quả linh tinh: mít, ổi, na, hồng và một bụi nhót cuối rào, sát bờ rạch ngăn với bên kia cánh bãi. Phía trước cửa có cây bàng. Mùa xuân búp bàng đỏ như thắp lửa, mùa hè tán xanh tựa lọng che, mùa thu trái bàng vàng, trèo lên hái xuống lấy chày gỗ đập giập, khều lấy nhân cho lũ trẻ ăn bùi giống như nhân trám, về mùa đông lá bàng tím đỏ rụng xuống như những tờ thư báo tết của trời!

Ngôi nhà ấy, mảnh vườn ấy với tôi là một thứ hồn quê nuôi dưỡng tâm linh...

Thế rồi, cuối 1953, ở nội thành tôi bị lộ, được tổ chức bố trí cho ra vùng tự do, chờ về sung vào đoàn công tác tiếp quản thủ đô. Gia đình người bạn thân (...) di cư vào Nam. Và (...) chúng tôi bặt tin nhau từ đó.



ảnh khuyết danh


Ngày thống nhất (...) gia đình tôi (đang ở) tận vùng đồi Thanh Thủy (Phú Thọ) mà tết năm 1976, chúng tôi lại nhận được một bức thư của Hường và Hảo – hai cháu nhỏ con người bạn cũ – (...) Sau tất cả những lời kể lể, các cháu nhắc đến một thứ quả mà chúng đã quên tên mất rồi: “Bố ơi! (...) có một thứ gì hái ở cuối vườn, khi ăn chúng con phải chùi chùi vào vạt áo len đang mặc, mùa này có trái ấy không?” (...)

Vợ tôi buột miệng: “Tội nghiệp, ở nơi có bao nhiêu thứ hoa trái ngon ngọt mà chúng vẫn không quên một thứ quả quê mùa ăn hồi bé dại... Hai đứa này yêu quê thật đấy!”.

Với riêng tôi (...) trái nhót (...) đã trở thành một kỷ niệm khó phai... Cuối tháng ba, trái nhót là tín hiệu trỏ sang hè, cũng là mùa cua đồng sắp đẻ. Người quê tôi hái lấy nõn cây khoai nước (một thứ khoai môn) đã sắp ngoi lên mở thành lá, rồi bắt con cua chửa gạt lấy trứng của nó ốp quanh trái nhót, lấy từng chiếc lá nõn khoai gói lại, thả vào nồi canh cua (...) Canh cua đồng có nhót trứng cua tuy vẫn gọi riêu cua, nhưng chan vào chén cơm, bát bún có sắc màu, mùi vị khác hẳn (...)

Lại nữa, nhót là thứ trái rất đỗi bình dân, nhưng (...) cách ăn (...) lại có vẻ (...) quý phái, nhất là với các cô thiếu nữ thị thành. Hãy nhìn kìa (...) cô bạn gái nhúp trên hai đầu ngón cái và ngón trỏ (...) chùi chùi vào chiếc áo len (...) những vẩy li ti trên vỏ trái nhót bong ra, bám óng ánh trên sợi len đan như hàng trăm mảnh xà cừ tí xíu (...) cô bạn đưa lên miệng (...) giữa hai hàm răng trắng nuốt (...) khi ấy trái nhót đâu chỉ còn là trái nhót? Trông mà cứ lẫn, đôi làn môi mọng đỏ, đang ngậm lấy một làn môi tương tự!

(...)

Thư đầu bố viết cho con
Mùi hương hoa nhót tưởng còn đang bay
Thoắt trôi đi chín mươi ngày
Trái căng mọng trĩu đỏ sây trên cành
Bố đang nghĩ cách để dành
Chút hương vườn đã đọng thành nhớ thương
(...)

Đêm nằm bố những ước ao
Giá như đường đất đi vào gần thôi
Bố đem cành nhót thật tươi
Để nguyên chua ngọt của trời cho con...
(...)


Hà Nội, 11-1997


(Nguyễn Hà,
Hà thành hương và vị, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 1999)