Nước Việt Nam như bây giờ là do tổ tiên ta đã chiếm trọn nước Chiêm Thành và một phần nước Chân Lạp mà thành.

Đánh chiếm nước khác để mở rộng nước mình là chuyện nhân loại khắp nơi đều làm. Người Tây, người Tàu đã làm trên một qui mô to lớn hơn ta không biết bao nhiêu.

Vô địch bành trướng là người da trắng. Tây vốn chỉ ở Tây Á và Âu châu. Đầu thế kỷ 20, Tây coi như đã thôn tính xong cả thế giới! Sang đầu thế kỷ 21, Tây vẫn chiếm trọn Mỹ châu, Úc châu và nửa trên của Á châu tới tận bờ Thái Bình Dương.

Đứng thứ hai về thành tích bành trướng là người Tàu. Vào đời Thương diện tích nước Tàu chỉ bằng khoảng hai tỉnh trung bình bây giờ!

Nếu nhân loại có mở đại lễ ăn năn, ta nhất định nhường cho Tây, Tàu tự đấm ngực trước!
(Thu Tứ)



“Lý Thường Kiệt bình Chiêm” (1)

Hoàng Xuân Hãn




1. Duyên cớ

Đầu đời Lý, Chiêm Thành là một nước phồn thịnh, địa giới từ vùng Bình Thuận đến vùng Quảng Bình ngày nay. Ở cực bắc có châu Bố Chánh, ở phía nam núi Hoành Sơn, giáp địa phận Hoan Châu thuộc nước ta.

Vùng biên giới ấy không khi nào được yên hẳn. Châu Hoan và châu Ái bị quân Chiêm quấy nhiễu luôn. Các vua ta thường thường phải sai quân đi chinh phạt.

Ngay sau khi Đinh Tiên Hoàng mới nhất thống sơn hà, mà nước đã bị quấy. Nguyên là, Đinh Bộ Lĩnh đã diệt mười hai sứ quân, mà trong số ấy có Ngô Nhật Khánh. Nhật Khánh là dòng dõi Ngô Quyền. Bấy giờ y còn trẻ. Vua Đinh lấy mẹ y làm hậu, đem em gái y gả cho con giai mình là Liễn, và gả con gái mình cho Nhật Khánh. Tuy nhiên, Nhật Khánh vẫn oán; bèn chạy vào Chiêm Thành. Cuối năm Kỷ Mão (979), Nhật Khánh đưa hơn nghìn thuyền Chiêm về đánh kinh đô Hoa Lư. Chẳng may, khi vào cửa bể Đại Ác và Tiểu Khang (thuộc hải phận Ninh Bình Nam Định ngày nay. Đại Ác nay là Đại An, tức là cửa Đáy, Tiểu Khang thuộc huyện Yên Mô), thuyền bị bão chìm. Quân Chiêm tan và Nhật Khánh cũng bị chết. (TT, tức Đại Việt sử ký toàn thư)

Sau khi Lê Hoàn lên ngôi, sai sứ sang giao hiếu với Chiêm Thành (982). Hai sứ là Từ Mục và Ngô Tử Canh đều bị Chiêm giữ lại. Vua Lê mang quân vào đánh, phá thành trì, hủy tông miếu, giết chúa và bắt vô số dân đưa về. (TT)

Đó là cuộc nam phạt đầu tiên trong lịch sử độc lập của các vua ta. Chiêm Thành, vì đó, phải kinh sợ, nhún nhường. Có lúc vua Lê không chịu nhận sứ Chiêm, chúa Chiêm phải sai cháu là Chế Cai sang cống để tạ tội (994). Tuy vậy, năm 997 Chiêm lại ngấp nghé ở biên thùy. (TT)

Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, Chiêm Thành chịu cống. Năm 1011, có cống sư tử (có lẽ là tên cá sấu, xem II/4), nhưng năm 1020, vua Lý Thái Tổ đã phải sai con là Khai Thiên vương và tướng Đào Thạc phụ vào đánh đất Bố Chánh. (TT)

Chiêm Thành qua một hồi nội loạn; các con cháu hoàng tộc tranh ngôi nhau. Cho nên nam thùy ta cũng được tạm yên. Thỉnh thoảng phái nào thua lại còn đem đồ đảng sang nước ta xin phụ, như con vua Chiêm sang năm 1039, và năm 1040 dân Bố Chánh kéo nhau hàng trăm tới ở nước ta. (TS 489)

Trong khoảng 16 năm, Chiêm Thành không hề cống hiến gì ta nữa. Mùa hè năm 1043, lại còn tới quấy ở ven bể. Vì thế, năm 1044, vua Lý Thái Tông mới có cuộc thân chinh. Chuyến ấy, quân ta vào sâu trong nước, giết chúa là Sạ Đẩu, bắt 30 voi, 5000 nguời, và chém giết đến ba vạn người. Tháng bảy năm ấy, vua Lý kéo vào kinh đô, bắt cung nhân, nhạc nữ rất nhiều. (TT)

Sau cuộc đại bại này, Chiêm Thành rất kính nể ta; và theo lệ cống hiến đều đều. Lúc hiến voi trắng, lúc hiến tê trắng, lúc sang mừng vua Thánh Tông mới lên ngôi. Sách TT và nhất là sách VSL chép rất rõ ràng (1).

Sau khi cống vua ta một con tê trắng vào năm 1065 (VSL, tức Việt sử lược), Chiêm Thành không sai sứ sang ta nữa. Thật ra, sách TT có chép rằng “năm 1068, Chiêm Thành hiến voi trắng, nhưng sau lại nhiễu biên giới”. Nhưng chắc TT lầm, vì một lẽ việc ấy không thấy chép ở VSL là sách chép rất đầy đủ về các việc Chiêm Thành cống vua ta, và lẽ nữa là còn có nhiều chứng cớ khác tỏ rằng từ năm 1065, Chiêm Thành tuyệt giao với ta.(2) Những chứng ấy, sau sẽ rõ.

Chứng đầu là lời bia LX nói rõ rằng: “kịp đến khi nước Phật Thệ (tức là Chiêm Thành) hỗn phép không tới chầu, quân nhà vua rầm rộ kéo sang đánh”. Chứng thứ hai là sau khi khải hoàn, vua Lý dâng biểu sang vua Tống nói rằng: “Chiêm Thành đã lâu không tới cống, tôi tự đem quân sang đánh, bắt được chúa nó về” (TS 488). Hai tài liệu xưa ấy chứng rằng trong bốn năm (1065-1069) Chiêm Thành không tới cống vua Lý, và ta vin vào cớ này để đánh nước ấy.

Nguyên nhân sự chiến tranh Chiêm - Việt là sâu xa hơn, chứ không phải vì cớ trên mà thôi.

Một mặt, Lý Thánh Tông là vua ta đầu tiên có óc lập một đế quốc, có danh ngang với một nước thiên tử. Vua đặt quốc hiệu Đại Việt (1054), tôn các vua trước là Thái Tổ, Thái Tông (TS 488 và LNDV 2), coi các nước nhỏ là chư hầu, và muốn ngăn cấm Chiêm Thành thần phục Tống.

Một mặt, Chiêm Thành trước bị Lý Thái Tông đánh phá kinh đô, giết chúa, bắt dân, tự nhiên đã trở nên thâm thù với ta. Chiêm Thành lẩn lút sang thần phục Tống và tìm cách dựa thế Tống để trả thù ta. Năm Tống Hoàng Hựu thứ 7 (1035), Quảng Tây an vũ sứ tâu rằng: “Chiêm Thành vốn không hay tập binh. Ở gần Giao Chỉ, thường hay bị lấn. Nay Chiêm Thành soạn sửa quân bị để chống Giao Chỉ”.(TS 489)

Từ lúc Rudravarman III, mà sử ta gọi Chế Củ (TT) hay là Đệ Củ (VSL), lên ngôi vào khoảng cuối năm 1061, chí báo thù của Chiêm lại càng mạnh. TS 489 chép rằng “vừa mới lên ngôi, Dang-pu-sơ-li Lu-đa-ban-ma-đê-ba (Yan Pu Cri Rudravarmandra, theo Le Royaume du Champa của Maspéro) tổ chức vũ bị, luyện tập binh lính. Lại sai sứ sang Tống cống phương vật và xin mua ngựa. Vua Tống ban cho một con ngựa bạch và cho phép mua lừa ở Quảng Châu”.

Xem thế thì ta cũng không lấy gì làm lạ rằng Rudravarman III không chịu cống vua Lý nữa, và vua Lý Thánh Tông nhân đó đánh Chiêm Thành. Xét chính sách triều Lý, sau này, ta sẽ thấy rằng các vua Lý có định tâm lấn nước Tống để mở bờ cõi miền bắc. Đối với Chiêm Thành hèn yếu hơn Tống vạn bội, chắc rằng vua Lý Thánh Tông cũng muốn xâm chiếm đất đai.


(Trích sách
Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn như đăng trên trang chimviet.free.fr. HXH dẫn rất nhiều tài liệu, tên tài liệu viết tắt trong ngoặc đơn sau mỗi chỗ dẫn, độc giả nào muốn biết thêm xin vào đọc trang chimviet.free.fr.)