Hình như các vua Hùng chưa xây thành, đến An Dương vương mới có thành...

Trống Cổ Loa: Tại sao làm hộp chứa đủ thứ đồ đồng? Những cái “lưỡi cày”, theo Nguyễn Việt, đó là “lưỡi một loại vũ khí chém bổ có hình như những lưỡi cày hình cánh sen”.
(TT)



“Văn hóa Đông Sơn” (3)

Nguyễn Duy Hinh







Cụm di tích Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh thủ đô Hà Nội nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa miền trung du và vùng đồng bằng, trong lưu vực các sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ. (Gần trung tâm) có tới 6 nơi phát hiện được hiện vật điển hình của văn hóa Đông Sơn và một di chỉ cư trú: Cầu Vực, Xóm Nhồi, Xóm Hương, Xóm Thượng, Bãi Mèn, Mả Tre, Đường Mây. Xa hơn có di tích Đình Chàng, Lỗ Khê. Sự phong phú di tích và độ phức tạp của di vật phát hiện ở đây nói lên tầm quan trọng của cụm di tích này, một trung tâm kinh tế chính trị của nhà nước Âu Lạc.

Ở Xóm Nhồi, Xóm Thượng, Xóm Hương đã phát hiện được mũi tên, giáo, dao găm, rìu xéo, lưỡi cày, lưỡi câu, mảnh thạp, mảnh trống. Đáng chú ý là ở Cầu Vực năm 1959 đã phát hiện được một kho mũi tên đồng nặng tới 93kg. Năm 1982, ở khu vực Mả Tre, nằm lọt giữa thành trung và thành nội, trong khi hạ thấp mặt ruộng nhân dân đã phát hiện một chiếc trống rất đẹp, trống Cổ Loa I. Trong lòng trống chứa gần 200 hiện vật đồng thau các loại: lưỡi cày gần 100 chiếc, xẻng, cuốc, nhíp, đục, rìu, giáo, dao găm, mũi tên, thạp, thố, chậu, tiền (tiền Bán Lạng - NDH)... Ngoài những lưỡi cày mới đúc, đúc hỏng, lưỡi cày gãy, vỡ, phần lớn là những hiện vật vỡ nát và gần 20kg đồng vụn (tr. 236).





(...) Trong chiếc trống Cổ Loa I có dòng chữ Hán thuộc thời Hán thế kỷ II trước công nguyên (...) tương ứng với niên đại tiền Bán Lạng (187-180 tr. c.n.) cùng phát hiện (...) Có hai cách đọc và lý giải dòng chữ này, tùy theo quan điểm về niên đại của tòa thành.

Đại Việt sử ký toàn thư viết: “An Dương vương họ Thục, tên húy là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa)... Bấy giờ Thục vương đắp thành ở Việt Thường, rộng nghìn trượng, cuốn tròn như hình con ốc, cho nên gọi là Loa Thành, lại có tên là thành Tử Long, người nhà Đường gọi là thành Côn Lôn, vì thành rất cao...”. Năm 43, khi Mã Viện đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng xong: “Viện thấy huyện Tây Vu có 3 vạn 3 nghìn hộ, xin chia làm 2 huyện Phong Khê và Vọng Hải, vua Hán nghe theo. Viện lại đắp thành Kiển Giang ở huyện Phong Khê. Thành đắp tròn như hình cái kén, cho nên lấy chữ Kiển làm tên”. Có người cho thành Cổ Loa hiện tồn là do Mã Viện xây. Có thể Mã Viện đã trùng tu thành cũ, thu nhỏ từ 9 vòng thành 3 vòng, có lẽ thành cũ đã đổ nát (ĐVSKTT viết An Dương vương làm vua từ năm 257 đến năm 208 tr. c.n., cách Mã Viện hơn hai thế kỷ).

Thủy kinh chú (...) dẫn Giao Châu ngoại vực ký nói về Lạc điền, Lạc dân, Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng, sau Thục vương tử đánh Lạc vương, xưng An Dương vương rồi bị Triệu Đà đánh bại: “Kim Bình Đạo huyện phục vương cung thành kiến hữu cố xứ” (Nay huyện Bình Đạo còn dấu cũ của thành vua An Dương vương).

Theo lời chú sớ của Dương Thủ Kính thì sách Thái bình hoàn vũ ký dẫn Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn nói thành của An Dương vương ở phía đông huyện Bình Đạo, thành 9 vòng chu vi 9 lý.

Theo Cựu Đường thư 41 trong phần viết về An Nam đô hộ phủ nói huyện Bình Đạo đời Đường là huyện Phong Khê đời Hán, dẫn Nam Việt chí nói xưa Giao Chỉ có quân trưởng gọi là Hùng vương, giúp việc là Hùng hầu. Về sau, Thục vương đem 3 vạn quân đánh tiêu diệt Hùng vương. Vua Thục cho con làm vua là An Dương vương cai trị Giao Chỉ. Nước này có thành nay ở phía đông huyện Bình Đạo, thành có 9 vòng, chu vi 9 dặm. Sau Triệu Đà lấy được nước của An Dương vương.

Như vậy Giao Châu ngoại vực ký thì chép Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng, còn Nam Việt chí thì chép Hùng vương, Hùng hầu. Vấn đề Hùng vương hay Lạc vương từ đó mà ra.

Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn làm năm 453-456. Giao Châu ngoại vực ký không rõ tác giả có thể ra đời sau Quảng Châu ký của Bùi Uyên làm năm 420-426 và (dĩ nhiên) trước Thủy kinh chú làm năm 515. Có thể Giao Châu ngoại vực ký đồng thời hay muộn hơn Nam Việt chí không lâu.

Dù theo tư liệu nào thì đó (tức Cổ Loa) cũng là một kinh đô có thành và cung điện của An Dương vương (...) Năm 938 Ngô Quyền (...) đã đóng đô ở đây.

(Từ Làng Cả đến Cổ Loa) trung tâm cai trị nước đã dời sâu về phía đồng bằng. Hiện nay tòa thành ốc vẫn còn đó. Thành gồm 3 vòng. Thành nội hình chữ nhật chu vi 1650m, bên trong có kiến trúc mang tên “ngự triều di quy” thuộc dạng đình thường gọi là Đền Thượng. Có tượng An Dương Vương bằng đồng đúc năm 1897, đôi ngựa đồng đúc năm 1716 và còn bia đá ghi kiến trúc được dựng năm 1687, trùng tu năm 1893. Thành trung hình tròn không chỉnh, chu vi 6500m. Thành ngoài cũng hình tròn không chỉnh, chu vi 8000m. Ba thành họp lại có dạng như con ốc cho nên gọi là Loa thành - thành Ốc. Tòa thành có hệ thống cửa và 72 ụ “hỏa hồi” (công sự phòng thủ), có hào nước nhân tạo nối liền với sông Hoàng Giang làm hào bảo vệ thành và đường giao thông nối liền thành với sông Hồng, sông Cầu. Thành nằm trên một quả đồi cao 12-15m, chiếm diện tích 800 ha với chu vi 8km (...) Nơi đây từng là một nơi đô hội mà có người cho thời Đông Hán đó là đất huyện Tây Vu với 33.000 hộ trong khi toàn bộ Giao Chỉ (đồng bằng Bắc bộ) có 92.440 hộ và Cửu Chân (vùng Thanh Hóa Nghệ An ngày nay) có 35.743 hộ.


(Nguyễn Duy Hinh,
Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 2004. Nhan đề phần trích tạm đặt.)