“Ô dạ đề”

của Lý Bạch




Tần Xuyên thuộc kinh đô Trường An, Trường An ở chân cao nguyên Hoàng Thổ… Hẳn vì thế mà có người dịch “hoàng vân” là “bụi mù như mây vàng”. Lời đoán rất có lý nhưng muốn biết đúng hay sai, phải hỏi Lý Bạch. Có cầu hồn lên, nhân thể nên hỏi luôn nghĩa của “cách song ngữ”. Vì người này dịch là “nghe tiếng nói ngoài song”, người khác lại dịch là “(cô gái) rủ rỉ như nói chuyện với quạ”.(1) Dĩ nhiên đôi nét lờ mờ chẳng ảnh hưởng gì đến giá trị bức tranh “quạ kêu gái khóc” vẽ cách nay mười mấy thế kỷ.

Nguyên văn

Hoàng vân thành biên ô dục thê
Qui phi á á chi thượng đề
Cơ trung chức cẩm Tần Xuyên nữ
Bích sa như yên cách song ngữ
Ðình thoa trướng nhiên tư viễn nhân
Ðộc túc cô phòng lệ như vũ.


Dịch nghĩa

Bụi mù như mây vàng bên thành, quạ tìm chỗ đậu
Bay về kêu “quạ quạ” trên cành
Trong khung cửi cô gái Tần Xuyên ngồi dệt gấm
Sau cửa sổ có rèm sa xanh biếc như khói, cô như nói chuyện với quạ
Ngừng thoi, bùi ngùi nhớ người xa
Nghĩ mình phòng không gối chiếc, nước mắt trào rơi như mưa.

Dịch thơ

Bụi vàng dì gió tung mây (2)
Trời chiều cái quạ lây quây tìm cành
Nhà ai biếc khói tơ mành
Gái trong khung cửi buồn tình nói mơ
Tưởng người, thoi để ngẩn ngơ
Chạnh mình bóng lẻ, như mưa lệ tràn...


Bản dịch thơ khác

Mây vàng tiếng quạ bên thành
Nó bay tìm ngủ trên cành nó kêu
Tần Xuyên cô gái buồng thêu
Song sa khói tỏa như khêu chuyện ngoài
Dừng thoi buồn bã nhớ ai
Phòng không gối chiếc giọt dài tuôn mưa.
(Tản Đà)



Thu Tứ




















________
Tên bài nghĩa là “Quạ kêu đêm”.
(1)
Thơ Đường, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1987, Thơ Đường – Tản Đà dịch, Nguyễn Quảng Tuân biên soạn, nxb. Trẻ, TP HCM, 1989.
(2) Bài thơ hát nói “Hỏi gió” của Tản Đà mở đầu: “Cát đâu ai bốc tung trời? Sóng sông ai vỗ, cây đồi ai rung? Phải rằng dì gió hay không?”.