Tây làm thế nào mà “đến đổ hết” các nền văn hóa khác?

Trước tiên, Tây dùng thế thượng phong kinh tế ép các nước khác phải để cho Tây tha hồ tuyên truyền văn hóa Tây. Nhờ kỹ thuật tiến bộ, việc tuyên truyền có thể thực hiện hết sức sâu rộng mà không cần một Tây nào có mặt! Nhạc Tây, phim Tây, hô hào cổ vũ “quyền Tây” dễ dàng lọt tai lọt mắt nhân dân các nước khác kể cả những người sống ở những nơi xa xôi nhất.

Thứ hai, do thấy Tây giàu, nhân dân các nước khác tưởng cái gì của Tây cũng hay, đua nhau ruồng bỏ văn hóa dân tộc, công kênh văn hóa Tây. Đã thế, văn hóa Tây hiện đại là sự buông thả tối hậu, mà kỷ cương thì mới khó theo chứ cái lối “tôi chỉ có việc chiều chuộng tôi bất kể” thì ai chả theo được, nên nó lên ngôi trong lòng người dễ như không!

Thứ ba, nỗ lực đuổi theo Tây về vật chất làm cho nơi ở và nếp sống của ta nhanh chóng trở nên giống nơi ở và nếp sống của Tây. Không thể tránh được, tinh thần của ta rút cuộc cũng sẽ đồng hóa với tinh thần Tây.

Giá “đổ hết” chỉ còn lại Tây mà Tây hay ghê lắm… Đằng này, ở Tây phương bây giờ, văn hóa phẩm là món hàng sản xuất để bán cho số đông và con người mắc đủ thứ tâm bệnh nghiêm trọng (nổi bật nhất là chứng bạo động và chứng đồng tính).

Tây đang cuồng tín vào “quyền” của “tôi”. Được đủ thứ “quyền”, “tôi” trở nên “tiến bộ” tới nỗi chắc chắn nếu trông thấy, tổ tiên tôi sẽ khóc ròng và Chúa trên cao thì vô cùng bỡ ngỡ.
(Thu Tứ)



Tản Đà, “Tây làm cho đến đổ hết”




Buổi sáng mai hôm sau đến hầu đức Khổng (...)

Ngài giảng xong (...) Nhân trong lúc tĩnh mịch, mình nhờ ông Tử Cống đứng dậy bẩm Ngài rằng:

- Có Nguyễn Khắc Hiếu (...) mới lên vào hầu.

Ngài cho gọi tới gần Ngài mà nói rằng:

- Nho giáo mỗi ngày càng suy đồi, ở Trung Quốc bây giờ luân lý cũng kém lắm! (...) Rồi sau đây có lẽ các thế lực văn minh phương Tây làm cho đến đổ hết (...)


(Trích từ bài “Khổng Tử” trong tập
Giấc mộng con. Nhan đề phần trích tạm đặt.)