Trần Quốc Vượng, “Thục Phán” (3)




Cổ Loa, với những tên gọi khác nhau: “Việt vương cố thành” (Tùy thư, VI), “cố thành của An Dương vương ở huyện Bình Đạo” (Thủy kinh chú, VI), “thành Khả Lũ” (An Nam chí lược, Lê Tắc) thuộc trang Kim Lũ (thần phả Nguyễn Bính 1572), “thành Cổ Loa” (tên Cổ Loa chính thức xuất hiện từ thế kỷ XV trong sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng), “Nàng Ốc”, “thành Ốc” (Thiên Nam ngữ lục, XVII-XVIII) (...)

Trai ngọc là sản phẩm quý của vùng Biển Đông, nay dân chài vịnh Hạ Long - Bái Tử Long còn gọi là “hào giâu”. Giâu (biến âm thành) Châu (...) các thủ lĩnh Việt cổ sinh con thường đặt tên là Châu (...) Mỵ nương - trong Lĩnh Ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi đời Tống phiên âm là Mễ nang - là một từ Việt - Mường cổ chỉ con gái các thủ lĩnh (lang đạo, lang cun, Pò Khun...).

Công cuộc nghiên cứu điền dã Cổ Loa thực sự bắt đầu giữa thập kỷ 1960 (...)

Truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy (về cốt truyện) tương tự (truyền thuyết thấy ở nhiều nơi trên thế giới) (...) Với thời gian được lịch sử hóa, thời sự hóa, chính trị hóa.

Tiếp theo việc “phục nguyên” về ngôn ngữ học các danh hiệu Hùng vương - vua (bua) Hùng - thành Pò Khun (khun: thủ lĩnh, pò khun: thủ lĩnh mạnh nhất / vua, như khan và tchingit khan ở người Mông Cổ), Trần Quốc Vượng và các cộng sự (Cầm Trọng, Phạm Đức Dương, Cao Xuân Hạo...) đã phục nguyên danh hiệu “Thục Phán”: đây không phải là họ Thục tên Phán, người nước Thục (...) (mà thực ra là) “Tuk Phắn”, trong tiếng Tày - Việt cổ có nghĩa là thủ lĩnh chiến tranh, “người mở đất mở mường”. (Phắn tức Phanh, như trong sử thi Phanh Mương của người Thái.)

Giả thuyết (...) Vua Hùng - Pò Khun là thủ lĩnh tối cao của hệ thủ lĩnh các tộc Việt cổ miền lưu vực (trung - hạ lưu) sông Thao (Nhị, Hồng) - Âu Việt, Lạc Việt... đã từng tồn tại từ dăm bảy thế kỷ trước công nguyên (...) Thục Phán - Tuk Phắn (là) “thủ lĩnh đi mở đất mở đường”.

Lịch sử nước nào, dân tộc nào cũng có một niên đại sớm nhất được ghi trong biên niên sử đáng tin cậy, tuy đấy sự thực là niên đại muộn mằn. Trong lịch sử Trung Hoa, đó là năm 841 tr. CN, thời Đông Chu (...)

Trường hợp sử nước Nam (...) ta chỉ biết chắc (qua Sử ký của Tư Mã Thiên) rằng nhân vật lịch sử Triệu Đà xưng là Nam Việt vương vào năm 183 tr. CN, đến cuối năm 180 tr. CN thì xưng Nam Việt Vũ đế và sau đó “dùng binh uy hiếp miền biên cảnh và dùng của cải mua chuộc khiến Mân Việt ở Đông và Âu Lạc ở Tây thần phục” (Sử ký, q. 113).

Như vậy, Âu Lạc là một thực thể xã hội - tiền nhà nước hay nhà nước sơ khai - tồn tại trước 189 tr. CN. Ta có thể “đặt” - một cách hợp lý - thực thể Âu Lạc đó vào dòng lịch sử Việt Nam khoảng nửa sau thế kỷ III đầu thế kỷ IV trước Tây lịch.

Trước đó nữa, là “thời đại các vua Hùng” nửa huyền tích, nửa lịch sử, mà người đầu tiên ghi thời đó vào biên niên sử Đại Việt là Hồ Tông Thốc (trong Đại Việt thế chí, Cương mục), sau đó đến tác giả khuyết danh của Đại Việt sử lược ở khoảng cuối thế kỷ XIV, rồi Ngô Sĩ Liên tác giả đầu tiên của Đại Việt sử ký toàn thư vào nửa sau thế kỷ XV, đời vua Lê Thánh Tông.


(Trần Quốc Vượng,
Hà Nội như tôi hiểu, nxb. Thời Đại, Hà Nội, 2009)