Vài thắc mắc:

- Tại sao chôn người chết ở chỗ vốn là nơi cư trú?

- Trong số đồ tùy táng sao không thấy có nông cụ?

- Khuôn đúc cán dao găm? Dao găm thì hoặc đúc cán và lưỡi liền nhau (như tất cả dao găm Đông Sơn?) hoặc đúc lưỡi rồi tra vào cán gỗ…

- “Người thợ (…) đúc đồng”: hẳn đó là một người thợ cả, thậm chí một thủ lĩnh, bởi ấy là kỹ thuật cao, ai nắm bí quyết dễ giành quyền lãnh đạo.
(Thu Tứ)



“Văn hóa Đông Sơn” (2)

Nguyễn Duy Hinh




Di tích Làng Cả thuộc thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ, nằm trên một quả đồi bên tả ngạn sông Hồng, chân đồi vươn ra sát tận mép nước, cách ngã ba Hạc 2,5km, cách sông Lô 3,7km. Quả đồi này dài 1.200m, rộng 1.000m, cao hơn mặt ruộng 10m. Từ lâu di tích đã bị việc làm đường, xây dựng nhà máy phá hoại nên không biết được phạm vi chính xác. Căn cứ vào những dấu vết khảo cổ học còn sót lại, phỏng đoán di tích này có thể rộng tới hàng chục vạn mét vuông. Qui mô lớn, di vật đặc sắc, phong phú, niên đại C14 285+/-100 trước Tây lịch khiến cho những điều nói trong truyền thuyết về thời Hùng Vương rằng nơi đây là kinh đô của vua Hùng đáng cho ta chú ý.

Trước khi là khu mộ táng Làng Cả đã là một khu cư trú, tầng văn hóa nằm ngay dưới lớp đất mặt dày 0,10m, màu nâu, dày khoảng 0,30m, có nơi dày đến 0,60-0,80m. Ở khu vực cư trú có độ sâu này đã phát hiện được gốm thô, giáo đồng, nồi nấu đồng.

Đã tìm thấy cả thảy 311 mộ táng (307 mộ trong hai cuộc khai quật và 4 mộ trong hố thám sát), khoảng 20 mét vuông một mộ. Một số mộ có rải gốm vụn ở đáy mộ. Ở một số mộ có những đinh đồng hình chữ U khiến người ta nghĩ đến khả năng người xưa đã đóng quan tài bằng những tấm gỗ ghép. Đặc biệt có một ngôi mộ nồi, nồi có đường kính miệng 0,60m, cao 0,50m. Tuy xương cốt đã bị tiêu hủy gần hết nhưng còn có thể thấy nói chung người chết được chôn nằm ngửa chân tay duỗi thẳng. Nói chung mộ hướng tây bắc, đông bắc, bắc. Đồ tùy táng được đặt thành cụm ở phần đầu, phần ngực, bụng và chân. Ngoài đồ trang sức và tấm che ngực ở vị trí thích hợp, vị trí các hiện vật khác không tuân theo qui luật chặt chẽ nào. Đã tìm được 217 hiện vật trong mộ, bao gồm công cụ sản xuất như rìu đồng (63 chiếc), chủ yếu thuộc loại rìu hình hia gót tròn hoặc gót vuông (42 chiếc), có những chiếc trang trí hình chó đón hươu, hình thuyền và người. Còn lại là rìu xòe cân và một số rìu xéo mũi chúc gót cao. Thuổng (5 chiếc) dáng khỏe và chắc. Ngoài ra còn có giũa, dao khắc, dùi, đinh, quả cân bằng đồng. Loại công cụ sản xuất bằng gốm có: 5 khuôn đúc rìu, giáo, chuôi dao găm, chuông, 2 mảnh nồi nấu và rót đồng.

Vũ khí có 62 lưỡi giáo đồng, 3 dao găm đồng.

Đồ dùng sinh hoạt có 4 thạp đồng, 4 âu đồng. Còn lại là nồi, vò, bình, bát bằng gốm nhưng số lượng không đáng kể.

Nhạc khí có 1 trống đồng minh khí và 6 chuông đồng nhỏ.

Đồ trang sức có khuyên tai, hạt chuỗi, khuy bằng đá, vòng tay, khuyên tai bằng đồng. Đáng chú ý có 6 tấm che ngực bằng đồng, hình vuông, mỏng, ở giữa có hoa văn chữ X. Một bộ khóa thắt lưng bằng đồng rất độc đáo gồm hai phần có thể móc vào nhau, mỗi phần có 4 tượng rùa với những phần phụ trang trí hoa văn xoắn ốc.

Trong 307 mộ thì số mộ nghèo không có đồ tùy táng chiếm 81,4%, số mộ có 1-2 hiện vật chiếm 10,4%, số mộ giàu trung bình có 11-15 hiện vật chiếm 1%, số mộ giàu có từ 16 hiện vật trở lên chiếm 1%. Một hiện tượng đáng lưu ý là các ngôi mộ giàu thường tập trung ở khu giữa, còn các mộ nghèo nằm rải rác xung quanh ngoại vi. Qua đây có thể thấy xã hội Làng Cả đã phân hóa rõ ràng. Số người nghèo là số đông trong xã hội. Tuy nhiên tầng lớp cực giàu chưa ghi nhận được qua mộ táng. Có hiện tượng người thợ thủ công đúc đồng được tách khỏi cộng đồng: ngôi mộ số 42 có kích thước lớn hơn hẳn những ngôi mộ khác, dài 4,2m, rộng 0,75m, hiện vật tập trung ở đầu phía bắc gồm 5 dụng cụ đúc đồng: 1 khuôn đúc rìu, 1 bộ khuôn đúc cán dao găm, 1 khuôn đúc chuông, 1 khuôn đúc giáo, 1 nồi nấu và rót đồng, ngoài ra còn có 4 mũi giáo, 4 đinh đồng. Rõ ràng chủ nhân ngôi mộ này là một người thợ đúc đồng giàu có (tr. 213-216).

Trong Lĩnh Nam chích quái có Truyện Núi Tản Viên dẫn Giao Châu ký của Lỗ Công viết: “... tương truyền rằng đại vương Sơn Tinh họ Nguyễn cùng vui với loài thủy tộc ở đất Gia Ninh, huyện Phong Châu. Thời vua Chu Noãn Vương, vua Hùng Vương thứ 18 đến ở đất Việt Trì, châu Phong, lấy quốc hiệu là Văn Lang...” muốn kén rể cho con gái là Mị Nương. Sơn Tinh và Thủy Tinh đều đến cầu hôn. Sơn Tinh dẫn sính lễ trước nên được đón Mị Nương về Tản Viên. Đó là huyền thoại Sơn Tinh Thủy Tinh rất phổ biến ở nước ta. Đại Việt sử ký toàn thư thì viết Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc). Nhiều đời sau và hiện nay Làng Cả vẫn thuộc khu vực địa lý mang danh Phong Châu. Đó là vị trí tại đỉnh tam giác châu sông Hồng. Người Lạc Việt đã tràn xuống chiếm lĩnh đồng bằng như phân bố các di tích Đông Sơn cũng như Tiền Đông Sơn cho thấy. Những hiện vật cao cấp quý giá chưa từng phát hiện trong những di tích trước Đông Sơn như trống đồng, chuông đồng, tấm che ngực đồng, khóa thắt lưng đồng v.v. chứng tỏ một tầng lớp trên đã xuất hiện và định hình. Cái xã hội đã phân hóa giàu nghèo (tuy) chưa sâu sắc, với người cai quản được sử sách cũ ghi là Hùng Vương theo hệ qui chiếu Hán Đường, cái xã hội ấy thật sự đã tồn tại. Tất nhiên tư liệu khảo cổ học và tư liệu thư tịch không thể hoàn toàn phù hợp nhau đến chi tiết.


(Nguyễn Duy Hinh,
Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 2004. Nhan đề phần trích tạm đặt.)