“Thơ Mới”




Thơ Mới đã cũ lắm rồi, còn gì để bàn nữa sao? Vậy mà hình như còn đấy.

Trước tiên là cái chuyện “ta”, “tôi”.

Huy Cận nhận thức: “Hồn và xác của một bài thơ (thành công) quyện nhuyễn vào nhau làm một”.(1) Đã “làm một” thì có đổi phải đổi cùng mức, chứ không thể, chẳng hạn, hồn đổi nhiều khi xác đổi ít. Hoài Thanh sau khi tìm hiểu thể cách thơ Mới xong, “đi tìm cái điều ta cho là quan trọng hơn: tinh thần thơ Mới”.(2) Lạ, nhà phê bình đã biết rằng về hình thức thơ Mới thực ra cơ bản là các thể thơ cũ “nới, giãn, làm mềm”, đáng phải kết luận rằng hồn Mới cũng không khác hồn cũ bao nhiêu, sao lại đi “quan trọng hóa” cái hồn Mới thế?

Hoài Thanh nhận xét thơ cũ chứa “ta”, thơ Mới chứa “tôi”. Có vậy, nhưng cái “tôi” trong thơ Mới là “tôi ta” nhỏ bé thừa cơ xã hội Việt Nam đang biến chuyển mà “phình” lên một chút, chứ không phải cái “tôi Tây” to đùng, dị dạng. “Tôi ta” vẫn hãy còn rất gần “ta”!

Để ý việc đưa “tôi” vào thơ chỉ mới mẻ trong văn chương trí thức. Chứ văn chương bình dân Việt Nam thì từ xưa đã đầy “tôi”: biết bao nhiêu ca dao là lời “tôi” đối đáp với một đại biểu của phái khác, hay tâm sự về chuyện giữa “tôi” với ai đó có triển vọng sẽ là “nhà tôi”...

Cái “tôi” truyền thống sống chung hòa bình vui vẻ với cái “ta” qua đằng đẵng thời gian. Đầu thế kỷ 20 nó bắt đầu đổi tính đổi nết nhưng đến hết thời thơ Mới vẫn chưa có gì quá đáng, nhờ thế các nhà thơ Mới mới nhốt được nó vừa vặn trong những cái “lồng” thơ cũ cơi nới, bóp mềm. Mà có khi chả cần cơi bóp gì hết, chẳng hạn cái “tôi” của Nguyễn Bính nó đứng rất vừa trong chiếc lồng lục bát cũ kỹ y như vô số “tôi” nông dân ở khắp các làng quê Việt Nam. Thơ Mới đấy, mà cứ y như ca dao cổ thôi!

*

Hoài Thanh bảo “các lối thơ thông dụng đời nay (tức thơ Mới) chỉ là những lối thơ xưa phục hưng” và bảo việc phục hưng dẫn tới những hình thức thơ “mềm mại hơn”. Để ý chữ “hơn”: sở dĩ phục hưng được, ấy bởi xưa vốn đã mềm. Hễ xưa mà không mềm (như thể Đường luật) thì “tan”!

Thể lục bát nhờ đã “mềm như nước” nên sau phục hưng vẫn y như trước phục hưng! Lục bát có thể diễn hiệu quả bất cứ thứ nội dung nào. Tình riêng “anh anh, em em” hay “chị chị, em em” của Nguyễn Bính diễn bằng lục bát tốt, mà tình chung “anh em”, “đồng bào”, “đồng chí” của Tố Hữu diễn bằng lục bát cũng tốt chẳng kém. Bể dâu đời Thúy Kiều kể bằng lục bát trường thiên hay thật là hay, mà cảm nghĩ sâu sắc đem nói lên bằng lục bát tứ tuyệt cũng thật thấm thía. Không thể tưởng tượng ra một biến chuyển xã hội khiến người Việt Nam thôi làm thơ lục bát. Có thể ngày nào đó ta sẽ thôi làm thơ, nhưng cứ hễ còn làm thì ta còn lục bát!

Thể hát nói cũng rất mềm nên dễ dàng hóa thành thơ tám chữ. Đọc những bài thơ tám chữ của Xuân Diệu và của Tố Hữu, thấy cái chất “nói” của lối thơ Mới này nó mới rõ ràng làm sao.

Thể Đường luật “tan” ra thành thơ bảy chữ nhịp Tàu (và thơ năm chữ). Để ý Huy Cận làm nhiều thơ bảy chữ. Hình như cảm xúc vũ trụ dù rạo rực tới mấy cũng vẫn không tiện “nói”, mà đòi được diễn bằng một thứ thể cách “trầm” hơn.

Thể song thất lục bát, Hoài Thanh viết “cơ hồ chết, không hiểu vì sao”. Thiết nghĩ có lẽ ngâm khúc không phục hưng được vì chỉ thích hợp cho việc đủng đỉnh ngâm nga mà thôi, là việc không còn hợp thời nữa. Ngâm khúc êm tai hơn cả lục bát, có lẽ nó chết vì quá mềm! Di tích của nó là những câu thơ bảy chữ nhịp Việt.

*

Sách Pháp trình bày như thể thơ Mới là... con thơ Pháp.

Chuyện xảy ra là thế này: Đầu thế kỷ 20 thông qua hệ thống giáo dục, đế quốc Pháp bắt đầu tích cực áp đặt văn hóa Pháp lên dân tộc Việt Nam. Vừa bị nhồi sọ văn chương Pháp, vừa bị thành công vật chất to lớn của Tây phương nói chung làm hết sức hoang mang, đâm ra ngỡ cái gì của Tây cũng hay hơn của mình, các nhà thơ trẻ Việt Nam đua nhau bắt chước thơ Pháp. Thơ Mới thoạt tiên chứa “những bắt chước nô lệ”.(3) Nhưng rất nhanh chóng các lối thơ lai căng lố lăng bị đào thải. Sau khi thơ Mới trưởng thành với những tác phẩm cổ điển của Xuân Diệu, Huy Cận v.v., các nhà nghiên cứu văn học xem xét lại, thấy về hình thức, như vừa nói trên, nó chẳng qua là những lối thơ Việt truyền thống được thay đổi cho thích hợp với việc diễn cái tâm tình đang biến chuyển của thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ. Chẳng những hình thức tổng quát có gốc Việt, ngay một vài đặc điểm chi tiết của thơ Mới dễ tưởng là vay của thơ Pháp hóa ra cũng là những nét quen thuộc trong thơ Việt xưa.(4) Sự thực, là về thể cách nền thi ca mới của ta vay từ thơ Pháp rất chẳng bao nhiêu, cụ thể hình như chỉ vay có đúng một đặc điểm không phổ thông là “cái lối dùng chữ rớt”.(5) Như thế là hoàn toàn tự nhiên vì, như đã nói, về nội dung thơ Mới chứa cái “tôi ta” rất gần cái “ta” chứ không phải chứa cái “tôi Tây” lạ hoắc. Tóm lại, do vẻ mới lạ của nó đối với các thi nhân Việt Nam trẻ, thơ Pháp đã góp phần làm dấy lên một phong trào đổi mới thơ mà kết quả là “phục cải” thơ Việt cũ chứ không phải là du nhập thơ Pháp.

Về cái việc vay, xin để ý: trong nghệ thuật một tác phẩm xoàng hoàn toàn có thể có nét gì đó gợi ý cho nghệ sĩ tài năng sáng tạo ra tác phẩm giá trị. Vay không hề phải là từ người hơn mình.

*

Có lẽ tiện đây nói rõ ra luôn thể: thơ Tây phương thì bì thế nào được với thơ Việt Nam.

Người Tây phương say sưa cái nghĩ suy luận, trong khi thơ đòi nội dung hoặc là cảm hoặc là cái nghĩ trực giác. Người sao tiếng vậy. Tiếng Tây từ vựng trơ trơ, ngữ pháp cứng đơ, là thứ ngôn ngữ sở trường về tả, trong khi thơ đòi thứ lời có khả năng gợi. Tây làm sao có sự nghiệp thơ lớn lao được! Những tác phẩm của Tây mà Tây tự trầm trồ là thơ lớn có thể có giá trị đặc biệt nhưng là khi nhìn thế nào đó chứ không phải khi nhìn như thơ.

Người Việt Nam “chuyên” cảm, và khi nghĩ thì điển hình theo lối trực giác. Tiếng Việt do đó có từ vựng cực kỳ gợi cảm, ngữ pháp hết sức linh động, là thứ ngôn ngữ đặc biệt thích hợp cho việc làm thơ. Ta mới mong có sự nghiệp thơ lớn lao, và ta đã có!

Tây uy hiếp ta dễ dàng quá đâm tự tôn. Chỉ hơn súng, mà tưởng cái gì cũng hơn. Khổ là phía ta có những người vì tự ti mà cũng bé cái nhầm y hệt như Tây!



Thu Tứ
Viết năm 2013
Sửa tháng 9-2022

















_________
(1)
Tuyển tập Huy Cận, quyển II, nxb. Văn Học, 1995.
(2) Hoài Thanh,
Thi nhân Việt Nam, 1941.
(3) Lời Phạm Thế Ngũ trong
Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Sài Gòn, 1961-1965.
(4) PTN, sđd.
(5) HT, sđd., ví dụ hai câu thơ Xuân Diệu: “Hôm nay tôi đã chết trong người / Xưa hẹn nghìn năm yêu mến tôi”.