Ðối với đất nước, Trần Văn Khê thật sắt son. Bao nhiêu năm sống ở hải ngoại, bao nhiêu sự ưu đãi, trân trọng của ngoại bang không làm lòng yêu nước của ông dao động mảy may. “Tuy thân ở ngoài nước nhưng tâm tôi luôn ở trong nước...”, câu ông nói không ngoa chút nào. Trần Văn Khê thể hiện lòng yêu nước bằng cách ra công bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, kêu gọi chống xâm lăng văn hóa, chống nạn người Việt tự “ngoại hóa” mình. Có lần ông còn sáng kiến một cách uốn nắn thế hệ trẻ: “... trong các trường nhạc Á-rập treo toàn hình ảnh những nhạc sĩ danh tiếng phương Tây, về mặt tâm lý điều đó sẽ khiến học trò hướng về phương Tây mà coi nhẹ âm nhạc truyền thống (...) học sinh tới trường học như bước vô thánh đường, phải được chiêm ngưỡng những bậc tiền bối tiếng tăm của nước mình”. Các em học sinh trong nước Việt Nam có thể ngày ngày trông lên hình ảnh những tiền bối Việt Nam tài giỏi để tránh lạc hướng, nhưng còn chính Trần Văn Khê, nơi hải ngoại ông thường dùng cách gì để giữ cho cái “đạo” yêu nước của mình khỏi bị “khô”? Không phải chỉ bằng cách ngày đêm tự chất vấn về “hồn của nước”, “thần của người”, “nét đẹp phải giữ gìn của (...) văn hóa Việt Nam” đâu. Trong Hồi ký, Trần Văn Khê cho biết vẫn luôn cố tự nấu lấy những món ăn dân tộc để dùng cho khỏi quên mùi vị quê hương. Hoài hoài nhắc nhở mình tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc là “để cho lòng khỏi phiêu dạt”, còn ngày ngày cơm cá rau là nhằm giữ cho miệng lưỡi khỏi lang thang! Trong cái thánh đường của văn hóa Việt Nam, không thể thiếu chân dung Trần Văn Khê. (Thu Tứ)



Trần Văn Khê, “Cho lòng khỏi phiêu dạt”




Những vấn đề hồn của nước, thần của người, nét đẹp phải giữ gìn của truyền thống Văn hóa Việt Nam... vẫn là những chất vấn không nguôi, vẫn hoài hoài muốn được nhắc nhở để cho lòng khỏi phiêu dạt.


(Trần Văn Khê,
Tiểu phẩm, nxb. Trẻ, Sài Gòn, 1997, tr. 160. Nhan đề phần trích tạm đặt.)