Cướp ngôi, nên hay không? Nếu cảm thấy mình có thể làm việc nước giỏi hơn vua rất nhiều và nếu ước lượng việc cướp ngôi của mình sẽ không gây tổn thất quá lớn cho nước, sao không? So với lần do Ngô Quyền và lần do Trần Hưng Đạo, thì lần đóng cọc trên sông Bạch Đằng thời Lê Đại Hành không nổi tiếng bằng. Vì là một chiến thắng nhỏ hơn. Về chiến thuật nó khác hai lần kia ở chỗ cọc đóng nhằm chặn không cho thuyền địch vào, chứ không nhằm làm đắm thuyền địch đang tháo lui. Năm 981 Hầu Nhân Bảo. Năm 1285 Nghê Nhuận. Năm 1427 Liễu Thăng. Ải Chi Lăng, nơi xâm lược từ phương bắc tới nộp đầu tướng! (Thu Tứ)



“Lê Đại Hành phá Tống”

Đào Duy Anh




Nhà Tống nghe tin cha con Đinh Tiên Hoàng bị giết, lại biết trong nước ta có binh biến (tức xung đột giữa Nguyễn Bặc và Đinh Điền với Lê Hoàn), muốn thừa cơ xâm lược nước ta. Được tin báo quân Tống sắp sang đánh, Lê Hoàn sai Phạm Cự Lượng làm đại tướng xuất quân kháng chiến. Trước khi khởi hành, Phạm Cự Lượng họp tướng sĩ mưu tôn Lê Hoàn làm hoàng đế. Nhờ quân đội ủng hộ, Lê Hoàn cướp được ngôi nhà Đinh (năm 980).

Lên ngôi, Lê Đại Hành vẫn đóng đô ở Hoa Lư. Việc khẩn cấp nhất bấy giờ là kháng chiến chống quân nhà Tống.

Triệu Khuông Dận đã diệt nước Nam Hán từ năm 971 để hoàn thành cuộc thống nhất nước Trung Hoa. Em là Triệu Quang Nghĩa nối ngôi (tức Tống Thái Tôn), phát triển binh lực, có ý muốn thôn tính các nước nhỏ láng giềng. Biết nước ta đang nội bộ lủng củng trầm trọng, tri châu Ung châu là Hầu Nhân Bảo tâu với vua Tống rằng nhân cơ hội này, có thể chỉ dùng quân địa phương mà tấn công thình lình cũng chiếm lấy được. Tống Thái Tôn bèn sai Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng phát binh xâm lược, đồng thời sai đưa thư cáo dụ khuyên nước ta đầu hàng qui phục. Lê Đại Hành giả thác lời Đinh Duệ (vua trẻ nhà Đinh, mới 6 tuổi, đã bị cướp ngôi) dâng biểu cầu phong, làm kế hoãn binh. Nhưng vua Tống không chịu, vẫn cho tiến quân.

Tháng 4 năm 981, bọn Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng đem bộ binh vào mặt Lạng Sơn trong khi bọn Lưu Trừng đem thủy binh vào sông Bạch Đằng và bọn Trần Khâm Tộ vào sông Hồng Hà. Lê Đại Hành một mặt sai quân đóng cọc ở cửa sông Bạch Đằng để giữ, thủy binh giặc không vào được phải lui. Một mặt cho quân mai phục ở ải Chi Lăng.(1) Khi bộ binh giặc đến, bên ta giả thua xin hàng, dụ được Hầu Nhân Bảo vào chỗ hiểm, bắt giết. Quân Tống thua to, tướng sĩ thương vong vô số. Trần Khâm Tộ thì đã tiến vào đến Tây Kết (thuộc Hưng Yên), nhưng nghe tin thủy binh phải lui, bộ binh đại bại, bèn quyết định rút ra. Quân ta truy kích, giết và bắt được rất nhiều quân địch.

Tuy thắng trận, Lê Đại Hành biết sức nước mình không địch nổi nước Tống, nên đành chịu khuất mà thần phục và triều cống để có thể rảnh tay kiến thiết nội bộ. Bấy giờ nhà Tống lại đang bị người Khế Đơn uy hiếp ở phía bắc, cũng bèn tạm bãi việc nam chinh và phong cho Lê Đại Hành làm Tiết độ sứ, rồi sau phong làm Giao Chỉ quận vương. Mỗi khi có sứ Tàu sang phong, vua ta đều thác cớ này cớ khác mà không chịu lạy lúc nhận chiếu của vua Tống.


(Trích Đào Duy Anh,
Lịch sử Việt Nam, nxb. Văn Hóa – Thông Tin. 2002. Sách này viết lần đầu năm 1949, in dưới tên Việt Nam lịch sử giáo trình, viết lại năm 1952, lại viết lại năm 1954, xuất bản dưới tên LSVN năm 1955, đến năm 1957 tái bản sau khi sửa chữa bổ khuyết. Tức sách đã được viết đi viết lại tới bốn lần!)










___________
(1) Đường từ Lạng Sơn vào nội địa nước ta phải qua ải Chi Lăng, đường rất hiểm trở, hai bên toàn rừng núi. Ải ấy ở phía bắc huyện Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang.