Chuyện khiến “em tôi” quyết định thôi sống đã xảy đến với vô số phụ nữ Việt Nam. Xâm lược, bị đánh đuổi, bèn giở đủ thứ trò vô nhân đạo: tra tấn dã man, giết cả người già trẻ em, cưỡng hiếp phụ nữ, có khi hiếp xong rồi giết... Người Pháp đem ánh sáng văn minh đi soi sáng cho nhân loại chậm tiến mà! Vẫn biết không thể để chuyện xưa cản trở việc nay, nhưng ta phải vừa phát triển quan hệ vừa coi chừng: bằng cách vẽ mặt vẽ mày cho trí thức có quan điểm sai trái và tài trợ nghiên cứu trong các ngành khoa học xã hội, cựu thù có tham vọng dần dần bóp méo sự thật lịch sử, rút cuộc đổi đen thay trắng đấy. Giặc từ phương Tây không phải đánh thắng xong là xong như giặc Tàu xưa kia đâu! (Thu Tứ)



Lê Vĩnh Hòa, “Chiếc áo thiên thanh”




Tựu trường năm đó, tôi trở lên tỉnh học, nhưng nhà đã hết sạch tiền. Nhà tôi chỉ còn có mẹ già và một em gái, quanh năm cấy gặt mướn kiếm tiền. Tôi còn đeo đuổi học hành được là nhờ món tiền học bổng bé nhỏ.

Đào đâu cho ra tiền xe bây giờ! Mẹ tôi ngó tôi, thở dài. Trong góc nhà, em tôi chậm rãi giã gạo. Từng tiếng chày rơi uể oải buồn thiu. Tôi cắn môi, buông thõng một câu chán nản:

- Thôi thì bỏ học mẹ nó cho rồi!

Mẹ tôi vùng ngó sững. Em tôi cũng ngưng chày, mắt chớp lia. Tôi biết tôi là nguồn hy vọng của gia đình. Giờ biết làm sao?

Ngọn đèn dầu mù u leo lét. Muỗi kêu vo vo từng đàn. Bỗng em tôi buông chày, mắt sáng lên:

- Em có tiền.

Mẹ tôi trố mắt ngơ ngác. Nó chạy vào trong buồng lục đục một hồi đem ra một chiếc áo dài màu khói nhang chưa cũ lắm, hớn hở nói:

- Bán cái này chắc đủ tiền xe.

Tôi tái mặt, khoát tay:

- Không. Em cất để mặc. Để anh kiếm tiền khác.

Tôi không đủ can đảm nhận sự hy sinh lớn đó của em tôi. Tôi biết nó quí cái áo đó lắm. Chiếc áo dài độc nhứt của nó.

Nhưng nó không nói rằng, lách mình ra cửa, chạy vội đi. Tôi kêu:

- Loan! Loan ơi!

Không có tiếng thưa. Bên kia sông tối đen có tiếng dội lại: “Loan! Loan ơi!”...

Sáng hôm sau, xe sắp chạy. Tôi cầm mấy tờ giấy bạc, nước mắt lưng tròng. Loan gượng cười, an ủi:

- Anh ráng học sau này nuôi mẹ. Mẹ khổ lắm, cực lắm.

Tôi để tay lên vai Loan, nhìn mảnh áo đen sờn rách, nghẹn ngào:

- Em có tiếc cái áo không?

Loan lắc đầu:

- Không. Với lại em không thích cái màu khói đó nữa. Em thích màu xanh. Xanh da trời đó anh. Sau này anh làm có tiền mua cho em chiếc áo màu xanh da trời nghen.

Tôi mỉm cười:

- Ừ! Anh sẽ mua cho em chiếc áo màu xanh da trời...

Loan ơi! Câu nói thuở nào anh vẫn còn nhớ, nhưng ngày nay em còn đâu nữa để anh tặng cho em chiếc áo màu xanh da trời.

Một chiều ly loạn năm xưa, có người từ chốn quê hương lửa đỏ ra báo tin rằng: làng tôi đã bị giặc chiếm, nhà tôi đã bị giặc đốt, mẹ tôi phiêu bạt lang thang, em tôi đã tự vận để giữ toàn trinh tiết.


7-1956