Tại sao ở Thanh Hóa có nhiều di chỉ văn hóa Đông Sơn?



“Văn hóa Đông Sơn” (1)

Nguyễn Duy Hinh




Từ khi Thời đại Đồng thau bắt đầu với văn hóa Phùng Nguyên cách ngày nay khoảng 4000 năm đến khi văn hóa Gò Mun kết thúc (...) trải qua khoảng 2000 năm. Thời gian đó cần thiết để sáng tạo và hoàn thiện kỹ thuật luyện đồng đúc đồng (...) bước tiến kỹ thuật thứ ba thời tiền sử (sau kỹ thuật chế tác đá và kỹ thuật làm đồ gốm).

Đến đây ba bước tiến kỹ thuật lớn (...) đã được cư dân tiền sử Việt Nam hoàn tất một cách độc lập (...) tiến từ kinh tế khai thác sang kinh tế sản xuất. Đời sống vật chất ổn định hơn, con người không còn chỉ dốc toàn bộ tâm trí sức lực thời gian vào việc kiếm miếng ăn mà đã có điều kiện để nghĩ đến cái Đẹp, cái Thiêng. Tín ngưỡng phồn thực đã ra đời.

Cư dân đã bước đầu phân hóa giàu nghèo, hình thành tầng lớp xã hội, tất có bộ máy quản lý đơn giản. Họ (...) chiếm lĩnh vùng đất mà sau này sử sách cũ phương bắc ghi là đất Phong Châu có Lạc dân, Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng theo hệ qui chiếu chức quan thời Hán-Đường.

Và văn hóa Đông Sơn bắt đầu (...) (tồn tại) từ khoảng thế kỷ VII trước công nguyên đến khoảng thế kỷ II sau công nguyên.

Văn hóa Đông Sơn được mệnh danh từ di chỉ Đông Sơn ở tỉnh Thanh Hóa, phát hiện năm 1924 và do L. Pajot đào bới lần đầu tiên. Pajot không phải là nhà khảo cổ, chỉ đào tìm cổ vật, gây nhiều thiệt hại cho di chỉ này.

Năm 1960 các nhà khảo cổ Việt Nam bắt đầu khai quật di chỉ Đông Sơn. Cho đến năm 2000 thì đã phát hiện được 275 địa điểm văn hóa Đông Sơn, riêng ở Thanh Hóa 70 địa điểm. Nếu kể từ bắc xuống nam, từ thượng du xuống đồng bằng thì:

Lào Cai và Yên Bái 30 địa điểm,
Sơn La 20 địa điểm,
Hà Giang 4 địa điểm
Thái Nguyên 7 địa điểm
Quảng Ninh 4 địa điểm
Phú Thọ và Vĩnh Phúc 18 địa điểm
Hà Nội 20 địa điểm
Bắc Ninh và Bắc Giang 13 địa điểm
Hải Dương và Hưng Yên 7 địa điểm
Hải Phòng 4 địa điểm
Hà Tây và Hòa Bình 28 địa điểm
Thái Bình 3 địa điểm
Hà Nam và Nam Định 13 địa điểm
Thanh Hóa 70 địa điểm
Nghệ An và Hà Tĩnh 26 địa điểm
Quảng Bình 8 địa điểm (tr. 209).

Có di chỉ cư trú, di chỉ cư trú – mộ táng, di chỉ mộ táng, di chỉ xưởng (...)

Di chỉ cư trú như Vườn Chiều ở xã Lãng Ngâm huyện Gia Lương tỉnh Bắc Ninh (...) rộng hàng vạn mét vuông, tầng văn hóa dày 0,70-0,80m...

Di chỉ cư trú – mộ táng như Làng Cả nay thuộc thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ nằm trên một quả đồi dài 1.200m rộng 1.000m, tầng văn hóa dày 0,60-0,80m, trước khi là khu mộ táng nơi đây là khu cư trú, hai lần khai quật đã phát hiện 307 mộ táng...

Di chỉ mộ táng như ở xã Phú Lương huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây. Di chỉ này gồm một khu cư trú và một khu mộ táng riêng biệt. Khu mộ táng rộng trên một vạn mét vuông, đã khai quật 326 mét vuông và phát hiện được 36 mộ chia thành hai lớp trên dưới...

Di chỉ xưởng chỉ mới phát hiện được 3, đều ở xã Đông Lĩnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ở đây tìm thấy các phác vật bằng đá, các thỏi đồng...

Ngoài các di chỉ ra, còn có những nơi ngẫu nhiên phát hiện văn vật Đông Sơn (...) có 134 địa điểm như thế (...) những địa điểm này có khi lại cung cấp cho ta những văn vật đặc biệt giá trị như trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Cổ Loa, thạp Vạn Thắng v.v. (tr. 209-236)

Trong số các di chỉ đã phát hiện, đối với văn minh Lạc Việt, cần thiết miêu thuật tương đối cặn kẽ 6 di chỉ.

Thứ nhất, di chỉ Làng Cả vì đó có thể là kinh đô của các vua Hùng mà thư tịch nói đến.

Thứ hai, di chỉ Cổ Loa vì đó là kinh đô thời An Dương vương.

Thứ ba, di chỉ Đông Sơn vì đó là nơi giúp ta biết đến văn hóa Đông Sơn.

Thứ tư, di chỉ Làng Vạc vì đó là chứng tích văn hóa Đông Sơn đã đến vùng Nghệ An mà sử cũ ghi là vùng đất của Việt Thường Thị.

Thứ năm, di chỉ Châu Can vì ở đó có loại hình mộ táng vùng trũng lưu vực sông Hồng.

Thứ sáu, di chỉ Việt Khê ở Hải Phòng vì ở đó có loại quan tài thuyền thuộc vùng duyên hải.


(Nguyễn Duy Hinh,
Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 2004. Nhan đề phần trích tạm đặt.)