Phan Tùng Sơn, “Trăng ở Trường Sa”







Trăng ở đâu cũng đẹp. Nhưng trăng ở Trường Sa có những vẻ đẹp riêng, đẹp lạ lùng. Chúng tôi ra Trường Sa gần trọn mùa trăng trong tiết thanh minh, đúng vào mùa thi công công trình dân sinh trên nhiều đảo (...)

Thiếu tá Nguyễn Trần Nam, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 883, Trung đoàn Công binh 131, quân chủng Hải quân, chỉ huy trưởng lực lượng thi công công trình dân sinh trên đảo Sơn Ca tếu táo với tôi rằng, những người lính công trình mơ ánh trăng thanh không phải để làm… thơ, mà là để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Anh Thanh cùng đơn vị đặt chân lên đảo Sơn Ca từ đầu tháng ba. Các anh dựng nhà tạm trên đảo thực hiện nhiệm vụ. Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, đúng ngày 30-3, đơn vị làm lễ động thổ xây dựng công trình văn hóa và kè chắn sóng ở đảo (...) Dù trời nắng như đổ lửa nhưng bên trong nhà tạm vẫn mát mẻ nhờ gió biển lồng lộng. Ở nhà tạm, người bạn thiên nhiên yêu quý nhất của lính biển là… trăng. Thượng úy Nguyễn Trung Phong, Chính trị viên Đại đội 9 háo hức kể rằng, vào mùa trời trong biển lặng, cả đảo tràn ngập ánh trăng. Dù Thiếu tá Nguyễn Trần Nam nói với tôi rằng, lính công binh trên đảo mê ánh trăng thanh đơn giản bởi trăng như nguồn điện thiên nhiên vô tận tạo nên thứ ánh sáng mê hoặc giúp các anh thi công vào ban đêm, nhưng Thượng úy Nguyễn Trung Phong thì quả quyết rằng, trăng đã vào thơ của lính. Ngay cả Phong, trong cuốn nhật ký chi chít những dòng nhớ vợ, có khá nhiều thơ về vợ và… trăng. Anh Nam nói: “Giống như bất cứ vùng quê nào trên đất nước ta, Trường Sa đang từng bước hoàn thiện mô hình điện-đường-trường-trạm và các công trình dân sinh, văn hóa. Chúng tôi đang cố gắng để các đảo và xã đảo của huyện đảo Trường Sa ngày càng có nhiều công trình đẹp và vững chắc, góp phần giúp quân dân Trường Sa nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia”.

(...) Lực lượng chính thi công là những chàng trai lứa tuổi 9X, nhập ngũ năm 2012. Tuổi đời còn rất trẻ nhưng ai cũng có kỹ năng, tay nghề vững sau khi trải qua lớp tập huấn chuyên ngành công binh ba tháng. Bên cạnh các cán bộ sĩ quan giàu kinh nghiệm làm việc trên biển, đảo, những người như Trung sĩ Cao Thạch Hùng, Trung sĩ Nguyễn Văn Trung... được anh em chiến sĩ coi là thế hệ đàn anh trong nghề. Họ biết tận dụng lợi thế của thời tiết để sắp xếp công việc cho từng bộ phận để bảo đảm tiến độ công trình. Vào thời điểm nước ròng, trời yên biển lặng thì tận dụng cả ngày lẫn đêm để đổ bê-tông. Khi thủy triều lớn là thời điểm thích hợp nhất để sử dụng xuồng vận chuyển vật liệu. Lúc mưa gió, sóng to thì tận dụng sức nước để rải đá hộc, kè nền móng. Công việc quanh năm. “Thời tiết kiểu gì chúng tôi cũng “chơi” được. Chỉ những lúc biển động mạnh mới nghỉ” (...) “Chúng tôi phấn đấu sẽ hoàn thành đúng hoặc vượt tiến độ” – Anh Nam nói tự tin.

Tôi tiếc ngẩn người khi phải theo đoàn xuống xuồng trở lại tàu trước khi trời tối. Từ trên boong tàu nhìn về đảo Sơn Ca, giàn đèn từ năng lượng điện gió và mặt trời sáng trưng quyện trong ánh trăng vàng làm cho đảo rực lên vẻ đẹp thanh bình, thơ mộng. Trong không gian ấy, tôi thấy rõ từng tốp cán bộ, chiến sĩ đang hối hả trên công trường. Đến lúc ấy tôi mới cảm nhận hết, vì sao lính công trình lại mê những đêm trăng thanh đến thế.

Khác với ở đảo Sơn Ca, sự xuất hiện khu nhà tạm của những người lính xây dựng trên đảo Phan Vinh khiến không gian ở đảo sinh động, lãng mạn đến bất ngờ. Họ đóng cừ tràm và dựng nhà lên đó theo kiểu nhà sàn. Khu nhà giống như một làng chài. Xuồng vừa đưa khách cập cầu cảng, tôi đã lao ngay đến “làng chài” vì nó quá hấp dẫn. Nhà trên đỉnh sóng, những chiếc xuồng neo bình yên bên chân sóng dập dờn tạo cảm giác thật thú vị (...)

Lực lượng thi công công trình trên đảo Phan Vinh là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 881, Trung đoàn Công binh 131, Hải quân. Giống như đồng đội ở đảo Sơn Ca, anh em ở đây cũng lựa theo tuần trăng để sắp xếp kế hoạch làm việc hợp lý. Thời điểm chúng tôi đến đảo, công trình đã cơ bản làm xong phần việc thả móng bằng đá hộc. Đơn vị đang tranh thủ khoảng thời gian lý tưởng nhất trong tháng tư để đổ bê-tông (...) Yêu cầu về nghệ thuật (...) cao (...) Mỗi công trình mọc lên là một giá trị văn hóa vật thể (...)

Không chỉ với những người lần đầu tiên xây dựng công trình trên đảo mang tâm trạng háo hức, ngay cả những cán bộ có thâm niên trong nghề, mỗi lần trở lại Trường Sa lại thêm một lần trải nghiệm cuộc sống, đắp bồi tình yêu Tổ quốc. Đại úy Nguyễn Văn Linh là một trong những người như vậy. Trước khi cùng đơn vị ra đảo Phan Vinh, Linh đã có hơn một năm làm công trình ở một đảo khác. Ngày rời đảo, Linh cùng đồng đội đứng nghiêm trang trước công trình mình vừa xây xong, đưa tay chào. Đó là một khoảnh khắc xúc động, hạnh phúc khi trong mỗi hạt cát, mỗi viên gạch trong công trình đều thấm đẫm mồ hôi của mình.

Với những người lính xây dựng công trình, mỗi khi nhìn những em nhỏ khăn quàng đỏ trên vai bước vào lớp học khang trang trên các xã đảo, ai cũng mong muốn được góp sức xây nhiều, thật nhiều những công trình như thế vì thế hệ tương lai ở Trường Sa.

Lần này ra đảo Phan Vinh, Linh mang theo niềm hạnh phúc lớn, vợ anh vừa mới tặng cho anh một món quà vô giá, đó là cặp song sinh một trai, một gái. Linh ở nhà chăm lo cho mẹ tròn con vuông, khi hai thiên thần bé nhỏ đã biết đưa mắt nhìn bố và toét miệng cười, anh tạm biệt mái ấm bé nhỏ để ra với Trường Sa. Hằng ngày sau những bề bộn công việc trên công trình, Linh lại gọi điện thoại về nhà nghe tiếng vợ à ơi ru con (...)


(Trích Phan Tùng Sơn, "Những người mê trăng Trường Sa", trang
qdnd.vn, ngày 6-5-2013. Nhan đề phần trích tạm đặt.)





Đảo Nam Yết - ảnh Văn Phong


Đảo Trường Sa Lớn - ảnh khuyết danh