Trần Quốc Vượng, “Cổ Loa – Địa lý”




Nếu trung tâm xưa của “nước Văn Lang” thời đại “các vua Hùng” (...) là vùng Việt Trì (...) tức là vùng đồi gò trung du (...) vùng đỉnh thứ nhất của tam giác châu sông Hồng (...) thì (trung tâm nước Âu Lạc thời Thục Phán – An Dương vương là) Cổ Loa (...) (Đó) là sự chuyển dịch và phát triển đất nước theo chiều tây – đông, từ trung du xuống hạ du (...) có thể là trên nền tảng kinh tế - xã hội của sự phát triển kỹ thuật đúc đồng – rèn sắt, sự phát triển đại trà nghề nông trồng lúa nước, sự phát triển và phân tầng thêm một bước của cấu trúc xã hội trồng lúa nước, sự ra đời hay củng cố thêm một bước nhà nước đầu tiên của (...) văn minh nông nghiệp lúa nước.

Cổ Loa (...) là một ô vuông, mỗi cạnh khoảng 10km (...) nằm ở phía bắc Hồ Gươm (cách khoảng 17km), ở tả ngạn sông Hồng và sông Đuống (tức sông Thiên Đức cũ được đào nắn lại) (...) trung tâm là thành Cổ Loa (...)

Phía tây bắc thành Cổ Loa là vùng Tó (tiếng Tày – Việt cổ có nghĩa “vùng ngoại vi”), nay là thị trấn Đông Anh và các làng xã Cổ Dương, Lương Nỗ, Uy Nỗ... Phía tây là các làng Tiên Dương, Uy Nổ thượng. Phía tây nam có các làng xã Tầm Xá, Đông Hội, Xuân Canh... Phía đông nam có các làng Lý Nhân, Lộc Hà... Phía đông có Dục Tú, đông bắc có Dục Tú, Gia Lộc, Dục Nội, Lỗ Giao, Lỗ Khê hay là vùng “ba làng Quậy, bảy làng Rỗ (Lỗ)” (Thế còn phía bắc?)

Cổ Loa là vùng đất cao hay vùng rìa thềm cổ (theo Đinh Văn Nhật) nằm nghiêng nghiêng tây bắc – đông nam (từ “cốt” 11-12m xuống “cốt” 5-6m) (...) gần như trên trục chính của tam giác châu sông Hồng.

Nhiều nhà địa lý học (Lê Bá Thảo, Vũ Tự Lập...) chia tam giác châu sông Hồng làm 3 vùng: vùng cao, vùng giữa, vùng thấp, hay là “già”, “trẻ”, ứng với ba đỉnh tam giác châu, theo lịch đại, là: Việt Trì, Dâu Canh, Phố Hiến.

Cổ Loa – Hà Nội nằm trong vùng “đất cao tây bắc” (...) vì có nét đặc trưng là cao hơn hẳn phần còn lại của châu thổ. Ở đây có những “gờ”, “mộc” hay “con trạch”, “sống đất” cao 13-15m nằm cạnh những dải đất thấp 5m, thường tụ nước, tạo thành những đầm hồ. Có khi đó là những khúc sông cũ hình móng ngựa của “tứ giác nước” Cà Lồ (bắc) – Dâu, Đuống (Thiên Đức) (nam) – Hồng (tây) – Cầu (Nguyệt Đức) (đông) (...)

Theo đường chim bay, Cổ Loa cách đỉnh thứ nhất Việt Trì của tam giác châu 35km (...) cuộc “hành trình lịch sử” từ vua Hùng (Pò Khun) đến vua Thục Phán (Túc Phắn) (...)

Nếu ta đi từ miền núi – miền đồi xuống miền châu thổ (...) thì ta nhận thấy từ Việt Trì đến Cổ Loa rồi đến Thăng Long, thung lũng chưa mở rộng, địa hình còn mấp mô, với những đồi gò “sót” kéo dài xuống như cái “đuôi” của hai dải Tam Đảo (tả ngạn) và Ba Vì (hữu ngạn) đóng khung hai bên rìa châu thổ. Sườn đông nam của dải núi Tam Đảo (tức vùng Sóc Sơn) cách Cổ Loa chỉ 18km (...)

Vậy vùng thượng cùa tam giác châu Thao – Hồng này có thể coi là vùng chuyển tiếp từ trung du xuống đồng bằng. Nó là khu vực được bồi đắp đầu tiên khi sông Thao (nậm Tao của người Tày – Việt cổ) tiếp nhận các phụ lưu lớn của mình là sông Lô (nậm Lù), sông Đà (nậm Tè) và bắt đầu mở rộng thung lũng. Sau khi đã vào hẳn châu thổ “cổ” rồi, con sông Hồng này mới tách ra các chi lưu như sông Đáy, sông Dâu, rồi sông Luộc, sông Châu để thoát nước lũ... (...)

Người Việt cổ (...) đã (sớm) tràn xuống (...) khiến châu thổ Bắc bộ có lẽ là (tam giác châu) duy nhất ở Đông Nam Á (...) đã bị hay được con người chiếm lĩnh và bằng (những công trình lớn như đắp đê) chặn đứng quá trình hình thành tự nhiên của nó (...)


(Trần Quốc Vượng,
Hà Nội như tôi hiểu, nxb. Thời Đại, Hà Nội, 2009)