Người Thành phố ăn quít ăn cam ăn dâu ăn măng cụt, nhớ xuống Miệt Vườn thăm mương thăm liếp một lần cho biết. Xây “bờ bao” lấn sông giống như ngoài Bắc đắp đê quai lấn biển...



“Đào mương lên liếp”

Sơn Nam




Trên khoảng đất khá rộng, muốn cho gốc cây không ngập nước và rễ được thấm nhuần mãn năm, muốn đón nhận và dự trữ phù sa (...) thì cách hay nhứt là đào mương, lên liếp.

Liếp còn gọi là bờ. Đất trên liếp phải cho cao để khỏi ngập lụt vào mùa mưa hoặc mùa nước nổi hàng năm. Nhiều bờ nằm song song, giữa hai bờ là mương. Theo kỹ thuật lập vườn đến nay hãy còn áp dụng, bề ngang mỗi bờ (thí dụ như để trồng quít) thường là 4 mét, bề dài tối đa là 40 mét, hình chữ nhựt.

Mương rộng từ 1 mét rưỡi đến 2 mét, sâu chừng 1 mét rưỡi (...) ăn thông với nhau ở đầu bờ và cuối bờ (...) Khi nước lớn, nước ngoài sông ngoài rạch chảy vô trong mương (...) vì chảy quanh co nên phù sa dễ lắng (...) khi nước ròng, nước trong mương chảy ra căn bản chỉ là nước trong.

Để quá lâu thì mương cạn, vì phù sa đóng dày (...) Cứ một năm móc mương, một năm nghỉ. Đất bùn dưới mương được quăng lên cho bờ cao thêm (vì mưa làm cho bờ bị lở và mòn). Thường là quăng ngay gốc cây cho rễ cây khỏi lòi (...)

Từ mương ra rạch hoặc sông cái (...) đặt ống bọng (...) thường là cây dừa lão khoét bọng ruột.

Giữa hai bờ liếp có cầu để khi săn sóc cây chủ vườn qua lại dễ dàng. Mương vườn lại có cá tôm bị lùa vào theo con nước lớn, có thể lấy đăng chận lại để bắt khi nước ròng.

Thông thường, tháng 9 tháng 10 âm lịch là có nước son, nước đỏ chở đầy phù sa. Dưới mương nhiều người thích bỏ vài giề lục bình cho phù sa bám, nhưng lục bình sanh sản quá nhanh, rốt cuộc lại trở thành tai họa. Ném lục bình lên gốc cây làm phân bón thì dường như không ích lợi cho lắm.

Nơi thuận lợi để làm vườn, thường là đã có người tới lập nghiệp từ quá lâu, đất vườn bị chia manh mún. Người chủ vườn nhỏ thường khai thác phần đất chừng nửa mẫu mà thôi, chủ vườn lớn 5 mẫu, trung bình là 3 mẫu. Ở Cái Mơn, nhiều liếp vườn xưa hơn trăm năm (...) Cái Mơn là vùng gần biển nhưng nước mặn không lên tới. Từ thế hệ trước, dân Cái Mơn đã giỏi về trồng cây ăn trái, nhứt là về kỹ thuật chiết và tháp cây, cung cấp cho toàn Nam kỳ lục tỉnh.

Vét mương vườn, “làm đất”, đào mương lên liếp là công việc khó nhọc (...) Dụng cụ xắn đất là cây xuổng, hoặc cây len (còn gọi là cây vá), có cán khá dài. Từ trên nhìn xuống lưỡi xuổng là một đường thẳng, trong khi lưỡi vá là đường cong.

Xuổng dùng nơi đất cứng; một người xắn đất, một người khom lưng móc cục đất ấy mà ném lên bờ. Cây vá thì dùng nơi đất mềm (...) cục đất thường dính theo lưỡi vá, phải tách rời ra. Khởi đầu, người đào đứng gần mặt bờ, việc quăng đất lên không tốn sức lắm, nhưng khi đào xuống sâu thì đòi hỏi rất nhiều sức lực (...) mỗi cục đất nặng non hai ký (...)

Những năm gần đây, nghề trồng cây ăn trái đem lợi tức đáng kể (...) Ở những nơi mà đất phù sa có điều kiện lưu lại (...) nhiều người đã mạnh dạn làm kế hoạch lấn đất ra sông (...) đắp bờ bao ở một góc cồn (cù lao nhỏ trên sông) nào thích hợp. Bờ bao đắp lấn ngoài sông, cao chừng 3 mét, trên mặt rộng chừng 2 mét, chân bờ khá rộng (...) Bên trong bờ, đổ đất bùn, trồng trọt (...)

Trên chỗ đất tân tạo này (...) lúc giông tố hoặc khi nước lớn, nước bên ngoài dâng cao, chảy cuồn cuộn khỏi đầu người đang làm vườn. Và cây tơ mới trồng vì chịu đựng triền miên những trận gió nơi sông rộng, thường bị “cháy lá”; lá không nảy nở nhanh chóng như trường hợp những cây trồng trên liếp ở chỗ bình thường (...)

Không nên đánh giá quá cao sản lượng tổng quát về cây ăn trái. Trước năm 1945, tuy là có cam Cái Bè, dâu và măng cụt Cái Mơn, nhưng ở miền Nam không phải ai cũng thưởng thức được. Mức sản xuất không đủ cung ứng cho nhu cầu nội địa, nhiều người trung lưu ở miền quê Long Xuyên, Rạch Giá không biết trái vú sữa, sầu riêng hoặc măng cụt như thế nào, đó là những thứ chỉ dành riêng cho người khá giả ở thành thị.

Ở Miệt Vườn, tức là vùng trồng cây ăn trái nói trên, huê lợi quan trọng nhứt vẫn là từ ruộng.


(Sơn Nam,
Cá tính của miền Nam)