Người Phùng Nguyên chỉ mới bắt đầu “thí nghiệm” nấu và luyện đồng chứ coi như chưa đúc được cái gì cả. Từ Phùng Nguyên qua Đồng Đậu là từ chưa có đồ đồng qua có đồ đồng, là phân biệt rõ ràng.

Trong khi từ Đồng Đậu qua Gò Mun là từ “ít” loại đồ đồng qua “nhiều” loại đồ đồng, là phân biệt thiết tưởng không mấy rõ ràng. Chắc một phần vì thế mà có những nhà nghiên cứu xem Đồng Đậu và Gò Mun như hai giai đoạn phát triển của cùng một văn hóa.(1)

Đến Gò Mun vẫn chưa tìm thấy di cốt khảo sát được.

(Thu Tứ)

(1) Xem “Văn hóa Đồng Đậu – Gò Mun” của Chử Văn Tần.



Nguyễn Duy Hinh, “Văn hóa Gò Mun”







Văn hóa Gò Mun là bước phát triển tiếp theo văn hóa Đồng Đậu, được đặt tên theo di tích Gò Mun xã Tứ Xã huyện Phong Châu tỉnh Phú Thọ, phát hiện năm 1961.

Văn hóa Gò Mun phân bố ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Tây và thành phố Hà Nội.

Đặc sắc nhất trong bộ hiện vật đá, xương, gốm, đồng đã phát hiện ở các di chỉ Gò Mun là những phát triển của đồ đồng. Tuy vẫn là hợp kim đồng thiếc song loại hình công cụ phong phú hơn. Có rìu, giáo, lao, mũi tên, mũi nhọn, lưỡi câu, búa, giũa, liềm, tượng, lục lạc, vòng tay, trâm cài, nhẫn v.v.

Trong văn hóa Đồng Đậu có không quá 10 loại hình di vật bằng đồng thì đến văn hóa Gò Mun có tới trên 20 loại công cụ, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt khác nhau. Liềm đồng là đồ đồng độc đáo lần đầu tiên phát hiện được, chỉ có hai chiếc. Dao khắc, đục, vòng đeo tay, tượng người, nhẫn hình sống trâu, hoa tai, trâm bằng đồng cũng chỉ mới xuất hiện trong văn hóa Gò Mun (tr. 138-139). Tượng người đúc hình một người ngồi bó xổm hai tay khoanh trước ngực (tr. 150).

Liềm đồng được các di tích lúa ở di chỉ Gò Mun minh chứng chắc chắn tính chất nông cụ thu hoạch lúa. Lúa phát hiện ở Gò Mun gồm cả lúa nếp lẫn lúa tẻ. Hầm ngũ cốc phát hiện ở Gò Mun chứng tỏ nghề trồng lúa đã lớn mạnh, thu hoạch cao. Liềm đồng cũng phát hiện được ở Gò Chùa Thông (Hà Nội) cùng với công cụ sản xuất và vũ khí bằng đồng và chiếc răng hổ có lỗ xâu dây đeo.

Tượng người nói trên phải chăng “(...) một cư dân nông nghiệp bình thản, giản dị và tự tin vào cuộc sống của mình” (tr. 150)? “Tượng (...) cao 4,6cm, hai tay xếp khoanh trên đùi, lưng hơi ngả về sau, dáng thoải mái. Tượng nhỏ nhưng chi tiết vẫn rõ ràng: đầu chít khăn mỏ rìu, mắt, mũi, miệng đặt đúng vị trí. Tỉ lệ cơ thể cân đối, toàn thân toát ra vẻ thuần phác, nghỉ ngơi và vẫn suy tư. Tượng được làm theo khối đóng kín, có đường viền rõ ràng dù nhìn đằng trước hay bên sườn, có đế nhưng bị gãy nên không rõ tượng độc lập hay gắn vào vật khác”.

Ngồi xổm (...) là đặc điểm người Việt xưa nay. Chít khăn đầu rìu cũng là cách chít khăn phổ biến cho đến hôm nay của người Việt (...) Tượng Gò Mun (...) là tác phẩm nghệ thuật thuần túy (...) Hay là một hình tượng tôn giáo nào đó như tổ tiên chẳng hạn? Có liên quan gì đến tục mai táng bó gối đã phát hiện được trong văn hóa Đa Bút chăng? Chưa thể khẳng định được.

Nhưng chiếc răng hổ xâu lỗ đeo phát hiện ở Gò Chùa Thông bóng loáng cực đẹp thì rõ ràng là bùa đeo trừ tà mà cho đến trước năm 1945 người ta vẫn thường đeo cho trẻ em. Đó là (...) biểu thị nhận thức tín ngưỡng về thế giới Thiêng.

Tham khảo các niên đại C14 và các thông tin niên đại khác thì thấy văn hóa Gò Mun bắt đầu trong khoảng từ 1100 đến 1000 năm trước Tây lịch và kết thúc vào khoảng 800 đến 700 năm trước Tây lịch (tr. 146).


(Trích Nguyễn Duy Hinh,
Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, VN, 2004. Những số trang trong ngoặc đơn là dẫn sách Khảo cổ học Việt Nam – Thời đại kim khí Việt Nam. Nhan đề phần trích tạm đặt.)