Vua và sứ ngồi trên cái gì mà ăn tiệc? Chắc là một cái sập, như dân vẫn thường ngồi trên phản hay giường mà ăn cỗ.

“Tiệc gần xong, mời…”. Chưa ăn xong, sao lại mời thôi?!

Tại sao mời ăn tiệc trên sập, rồi mời nói chuyện “dưới đất”?

Dù sao, cái thực đáng chú ý là “ngồi dưới đất”. Hẳn thực ra là ngồi trên chiếu trải dưới đất.

Ta ngồi chiếu Tàu ngồi ghế, thì cũng như ta đi chân không, đội nón, có lúc cởi trần, còn Tàu đi giày, đội mũ, luôn mặc áo. Tàu ở đất gốc Hoa Bắc làm nông nghiệp khô, hay cưỡi ngựa, trời thì lạnh, nên “đi đội mặc ngồi” như thế, chứ có phải như thế là văn hóa cao hơn ta đâu!

Văn hóa khác nhau là do tự nhiên khác nhau. Nhưng nhân loại quen cứ hễ mạnh hơn người thì “tự nhiên” cho cái gì của mình cũng hơn của người. Đây mới là người, đấy chỉ là rợ!
(Thu Tứ)



Lê Tắc, “Vua Trần tiếp sứ Nguyên”




Năm 1291 (vua nhà Nguyên) sai Lễ bộ Thượng thư Trương Lập Đạo (sang nước ta) (...) (Vua Trần) thiết tiệc ở điện Tập Hiền (...) (Vua và sứ) theo hướng đông tây đối diện mà ngồi, chỉ tiếm Thái sư (được) ngồi dưới đất bên vua, còn bọn Thái úy, Thiếu bảo đều đứng chầu (...) Thỉnh thoảng, mời ăn cau trầu têm với vôi hàu (...) Tiệc gần xong, mời Lập Đạo vào trong trướng (để nói chuyện), đều ngồi trên đất.


(Lê Tắc,
An Nam chí lược, bản dịch Trần Kinh Hòa, Viện Ðại học Huế xuất bản năm 1960, nxb. Thuận Hóa tái bản năm 2002)