Võng mắc trên sập, sáng kiến hay!

Chúa Trịnh lấn vua Lê nhưng vẫn thấy không tiện sắm ngai “chín bệ”. Ngồi trên võng trên sập là một cách ngồi cao ổn hơn.

(Thu Tứ)



Lê Hữu Trác, “Vào Trịnh phủ” (2)



Đến cửa phủ đã thấy quan Chánh đường đứng đợi ở dưới thềm. Ông bảo tôi đi theo. Đến cửa cấm, ông bảo:

- Cụ đứng đây đợi mệnh.

Ông vào. Một lát thấy quan Nội sai Trạch trung hầu ra truyền mệnh sai đưa tôi vào. Qua một cái hành lang độ mười bộ, lên một cái nhà cao. Sau nhà, có một cái phòng rộng. Đó là nơi ngự tẩm. Quan Nội sai kéo ống tay áo tôi và vén trướng gấm lên. Đi qua mấy lần màn nữa, thấy thánh thượng (1) ngồi trên một cái võng điều mắc ngang trên một cái sập thiếp vàng. Trên sập trải nệm gấm. Bên phải là ngự sàng. Trên giường, quây một cái mùng sa thêu kim tuyến. Ông Chánh đường và ông Tham đồng (ông này người Việt An, nhờ nghề thuốc mà đắc dụng) đang chầu ở bên trái. Bấy giờ chỉ có Trạch trung hầu đang chầu chực ở đấy. Cạnh chỗ ngự tọa có một cái trướng gấm. Trong trướng, có tiếng thì thào. Có lẽ cung tần thấy có khách nên lánh vào đấy. Trước sập, thắp một cây sáp to cắm trên cây nến bằng đồng.

Tôi đứng yên ở trước sập ngự, cách sập ngự chừng mười bước, giơ tay lên trán định lạy. Quan Chánh đường truyền lệnh:

- Cho miễn lạy!

Thấy tôi, thánh thượng ngoảnh lại bảo quan Chánh đường:

- Trông giống thầy Liêu lắm!

“Thầy Liêu” tức là chú của tôi. Quan Chánh đường bảo tôi đến bên sập hầu mạch. Tôi khúm núm đến. Quan Tham đồng bảo tôi ngồi giữa. Tôi đi lách vào ngồi giữa. Hai quan ngồi hai bên. Sau lưng là tường, cách sập chừng hai thước, chúng tôi ngồi nép vào bên sập.

Thánh thượng xuống võng, ngồi lên đệm gấm, quay về phía bên trái, đặt tay lên cái gối bằng gấm, bảo quan Chánh đường xem mạch, rồi đến tôi xem mạch. Xem xong, đến quan Tham đồng. Bấy giờ tôi chỉ cách mặt người độ vài thước. Tôi cứ phải cúi gằm xuống, không dám ngẩng mặt lên. Quan Chánh đường bảo tôi:

- Cụ thấy như thế nào thì cứ tâu thực.

Tôi tâu:

- Thần cẩn án mạch: hai bên tả hữu bộ quan và bộ thốn đều to, nhanh và huyền, tả xích trầm, nhanh, hữu xích nhỏ và nhanh, đè tay vào thấy nó yếu.(2)

Thánh thượng hỏi hai vị kia thấy như thế nào, có ý kiến gì khác. Hai người tâu:

- Chúng tôi cũng thấy thế nhưng không “huyền”.

Thánh thượng bảo hai ông cùng tôi ra ngoài, truyền tôi kê phương thuốc để dâng lên. Chúng tôi ra cửa cung ngồi ở “Thị kỵ điếm”. Quan Chánh đường kể cặn kẽ nguồn gốc bệnh và các chứng rồi hỏi nhỏ:

- Bệnh ấy thế nào?

Tôi nghĩ bụng: Mình gầy, da khô, nước tiểu vàng và đục, đại tiện không tiêu (?), bụng đầy, thỉnh thoảng ợ hơi, lại có cơn sốt, miệng khát, lưỡi nẻ, ho thất thanh... Những chứng này đều là do tinh khô, huyết kiệt, mạch nhanh quá. Chỉ sợ vị khí suy yếu quá. Có lẽ các thầy điều trị không biết bổ chứ không phải do bệnh gây ra. Nếu thế thì họa chăng có thể cứu vãn được. Tôi nói:

- Chưa dám nói khó dễ thế nào, chỉ xin dâng một chén thuốc. Nếu thấy sáu mạch hòa hoãn thì mới khỏi lo.

Hai ông giục tôi kê đơn. Tôi viết:

Tiểu thần Lê Hữu Trác xin trình:

Xin phỏng dùng thang “bát vị” gia giảm làm cao: thục địa (5 lạng), sơn thù (2 lạng), mẫu đơn (1 lạng 5 đồng), bạch linh (1 lạng 5 đồng), mạch môn (1 lạng 2 đồng), ngũ vị (8 đồng), chế phụ tử (5 đồng), nhục quế (5 đồng).

Đổ vào nồi đất nấu thành cao. Điều với cao lộc nhung (2 lạng), cao câu kỷ (1 lạng), trộn bột nhục quế cất kín. Dâng ngự mỗi lần một thìa trà (3) hòa với nước sâm đặc.

Thần cẩn khải.


Đến chiều, lại thấy quan Nội sai Trạch trung hầu ra triệu quan Chánh đường, quan Tham đồng và tôi vào. Tôi cũng xem mạch như lần trước. Xem xong, thánh thượng hỏi:

- Mạch hồng, sác (4), sao lại còn dùng quế, phụ?

- Thần trộm thấy ngự mạch không có sức thì dù có nóng sốt cũng chỉ là giả nhiệt. Nay xem lại quả thấy mạch thượng thực, hạ hư. Bài thuốc ấy tiến lên là ổn đáng.

- Đã nhiệt sao bụng lại đầy mà cơm không tiêu?

- Thần trộm thấy trong phương thư nói: xem mạch mà “vô thần” thì đó là cái hỏa nó ra ngoài dạ, bên ngoài thì nhiệt mà bên trong thì hàn. Vì thượng thực, hạ hư, nên bụng đầy mà ăn lại không tiêu.

- Ở trong hàn sao nước tiểu lại vàng và đục?

- Thần thấy Nội kinh có câu: “trung khí không đủ thì đại tiểu tiện bất thường”. Không phải trung “thực” thì mới nhiệt.

- Ông này kiên quyết như thế, tất là có định kiến. Cứ y theo bài thuốc ấy bốc thử một chén xem sao.

Hai ông kia cũng nói:

- Bài thuốc này ổn đáng lắm.

Ba người cùng ra “Thị kỵ điếm” ngồi. Quan Chánh đường có ý ngần ngại, nói:

- Mạch đã hồng, sác lại dùng quế, phụ cho nó nóng thêm. Ngộ nhỡ không phải hỏa hư thì thế nào? Cụ cứ cố chấp như thế, tôi sợ lắm.

Tham đồng nói:

- Lửa cháy, đổ dầu thêm. Nếu không biết đích xác, thì ai dám làm liều.

- Búa rìu ở trước mặt, tôi phải đâu không biết sợ. Nhưng trước đây đã tiến thuốc mát mà nhiệt không bớt, lại còn đầy thêm, thì đích là trung hàn, chứ còn ngại gì nữa.

Tham đồng khen:

- Có lý lắm.

Chánh đường cười:

- Thì bốc ngay đi.

Chánh đường sai quan Hữu viện thủ phiên đem hòm ngự dược đến. Chúng tôi cân từng đồng, từng lạng thực đúng rồi giao cho Thị dược quan sắc. Hai ông về nhà. Tôi ngồi lại nói chuyện với quan Hữu viện y (...)

Đêm hôm ấy, nửa canh năm tôi đã đến phủ. Cửa phủ chưa mở, tôi chờ (...) Thấy tôi, quan Chánh đường có vẻ mừng rỡ! Tôi cũng mừng thầm: chắc quế, phụ không nhiệt rồi! Chánh đường nói:

- Thuốc của cụ tiến một nước thì êm, bớt ho. Đến gà gáy lại theo đơn uống một nước nữa thì nước tiểu lợi, bớt vàng, nhiệt cũng giảm.

Ông bảo tôi đi theo. Đến cửa cấm, ông dặn tôi đứng ở ngoài đợi. Ông vào trước. Độ nháy mắt, có lệnh truyền cho tôi vào. Lại cho xem mạch. Thánh thượng hỏi:

- Uống thuốc này đã hơi dễ chịu. Đã hơi muốn ăn. Bây giờ làm gì?

- Bẩm sức thuốc còn ít, chưa đủ công hiệu. Xin cho chế một bài nấu thành cao để cho khí được thuần, sức của nó được đầy đủ, thì mới nhuận bổ được.

Thánh thượng bảo quan Chánh đường cho chế thuốc nấu thành cao ngay. Chánh đường cùng tôi ra “Thị kỵ điếm”. Ông về nhà ăn sáng, dặn tôi:

- Cụ sẽ được “ban” cơm ở đây.

Một lát, thấy lính hầu bếp bưng ra một mâm cơm. Cố nhiên toàn là thức ăn ngon (...) chiều, quan Chánh đường đến “Thị kỵ điếm” bảo tôi cân thuốc chế cao (...) Lộc nhung chỉ dùng nhung bắc nơi huyết còn ngưng, 10 lạng nấu thành cao được 2 lạng (...) lấy đại nhân sâm một cân hạng bốn, năm chi, nấu làm thang (...) xong, Chánh đường bảo giao cho quan “Thị trà” trông coi việc nấu cao (...)

(...) tôi (...) vào trong phủ. Quan Chánh đường thấy tôi (...) vui vẻ nói:

- Chiều qua, thánh thượng đã hết cơn sốt, bụng đỡ đầy, nước tiểu đã trong. Đêm nay đã “ngự tiến” ba lần thuốc cao.

Tôi nghe vậy, cũng mừng thầm. Tôi cùng ông vào chầu mạch. Lúc ấy, thánh thượng ngự trên võng lót nệm gấm. Người cười bảo quan Chánh đường và quan Tham đồng:

- Hôm nay cử động đã nhẹ nhàng, dễ chịu. Có lẽ nhờ sức quế, phụ chuyển vận mạnh. Bụng đã thấy đói. Nếu cứ dùng lương dược, chẳng hóa lầm sao?

Chánh đường tâu:

- Chúng con thấy dùng quế, phụ lấy làm hoảng sợ. Bây giờ mới biết giả nhiệt gặp quế, phụ thì mát.

- Chắc ông ta dùng đã quen, nên mới dám dùng chứ?

Chánh đường tâu:

- Con vốn lắm bệnh nên lo kiếm thuốc, mời khắp các thầy. Khi con phụng mệnh vào Hoan châu thì gặp được người này. Ông ta là người quê mùa, ăn nói vụng về, nhưng về mặt hiểu sâu sắc trong y lý, thì tưởng thầy thuốc trong thiên hạ không ai hơn được.

(...) Tiếng tăm của tôi bấy giờ vang khắp phủ (...) quan Nội sai gọi tôi vào chầu thế tử và truyền cho Chánh đường:

- Từ nay chỉ cho lão sư được chầu thuốc, không được dùng một ly thuốc nào của ai nữa.

Chánh đường vâng mệnh đưa tôi vào cung, đến chỗ ngủ của thế tử. Tôi thấy lầu, gác trùng trùng. Phòng ngủ của thế tử ở bên trái phòng ngủ của thánh thượng. Tôi theo quan Chánh đường vào chầu mạch. Thế tử bấy giờ đã gầy gò lắm. Bụng to, da bóng, gân xanh, rốn lồi hơn một tấc, hơi thở thoi thóp, mạch trầm, tế, vô thần!

Tôi nghĩ: lúc mình thấy lần đầu thì nom còn có da, có thịt, mạch còn hồng, huyền. Nay đã đến thế này, thực không còn cách gì cứu chữa! (...)

Xem xong, tôi từ tạ lui ra. Chánh đường bảo tôi ra cung Thập tự. Ông ghé tai tôi hỏi nhỏ:

- Cụ xem thế nào?

- Tinh thần suy kiệt lắm rồi! Thế không qua được đâu!

Ông nghe vậy, thở dài một tiếng, nằm vật xuống sập. Tôi hiểu thánh thượng cất nhắc ông, đãi ông làm tâm phúc, lấy ông làm vây cánh là muốn thác cô đó thôi. Đột nhiên, nghe tôi nói thế cho nên ông mới đến nỗi như vậy. Ông hỏi:

- Nếu cụ đem hết sức mình cứu chữa thì còn có hy vọng gì không?

- Hoặc giả vì uống những thuốc khắc phạt, nên tinh, khí khô kiệt. Đó là vì thuốc gây ra chứ không phải vì bệnh. Nay dùng thuốc bổ thì cũng như hạn hán lâu ngày gặp mưa, trong vài ngày có thể biết tính mạng ra sao.

- Thế thì chế thuốc ngay!

Tôi theo bài thuốc đã dâng ngày trước mà bội thêm lên, lại thêm một ít trầm hương.

Bạch truật (4 lạng, tẩm sao), thục địa (1 lạng, nướng), can khương (6 đồng, sao đen), ngũ vị (4 đồng), sinh trầm hương (2 đồng). Nấu thành cao, điều với nước sâm bắc sắc đặc mà uống.

(...)

Từ đấy, mỗi khi vào thăm mạch thánh thượng, tôi lại đến thăm thế tử. Tôi thấy thuốc của thế tử đã sắc thành cao rồi, nhưng vẫn chưa được dùng, vì có người thưa với bà Chánh cung: trước nay thuốc thế tử “ngự” dùng không bao giờ dám có bạch truật và thục địa, vì truật thì bế khí mà thục thì trệ tỳ. Nay dùng đến ba, bốn lạng thì đáng sợ lắm. Uống vào, đại tiểu tiện có thể đều bí cả chứ chẳng phải chơi.

Chánh cung cho triệu chú Bảy vào hỏi. Chú vốn là gia thần của bà, vợ chú là một cô thị tỳ rất được tin yêu, được tự do ra vào trong cung cấm. Vì vậy, bà mới triệu chú vào hỏi. Chú thưa:

- Mấy lâu nay dùng thuốc tiêu mà bụng lại càng to, thì quả là mắc bệnh phúc trướng rồi. Dùng thuốc bổ tức là theo phép lấy bổ để tiêu đấy chứ. Xin cứ tiến ngự, không ngại gì. Nếu có việc gì xảy ra, cả nhà con xin chịu tội.

Chánh cung nghe chú nói vậy mới dám dùng. Chú đến “Thị kỵ điếm” kể lại câu chuyện cho tôi nghe. Tôi cũng rất bực mình, gắt các thầy thuốc trong viện:

- Thế tử thực là người trời, gan vàng dạ sắt! Một năm nay uống không biết bao nhiêu thuốc mà thần sắc vẫn như thường. Nếu là con nhà thường dân thì không thọ được một ngày! Phải biết rằng: phàm bệnh không thực thì hư, thuốc chữa bệnh không công thì bổ. Một năm nay cứ công phạt mãi mà không bớt thì rõ rệt là hư rồi. Đã hư thì phải bổ. Công phạt đã không nên trò trống gì, lại còn không chịu bổ, thì còn chữa bằng cách gì? Vả lại, một năm nay, sức các ông đã kiệt rồi, không còn cách chữa gì khác nữa, sao còn tranh công, gièm pha, cản trở người khác? Làm thuốc thì phải nghĩ đến việc cứu người chứ! Cái lòng trung của kẻ làm tôi ở trong nghề thuốc ở đâu?

Các thầy lang nghe tôi nói chỉ cười lạt (...)

Chú Bảy nói:

- Thế tử hôm nay uống thuốc cao. Đại tiện, tiểu tiện đã thông, lợi, bụng mềm, đã biết đói, nói chuyện vui vẻ, ở ngoài cũng nghe.

(...) Chú nói thầm với tôi:

- Chánh cung mừng lắm, định trọng thưởng cho cụ đấy!

Tôi sợ bệnh không vượng được, chưa chắc đã thành công, đành phải nói thực với chú:

- Nhờ chú bẩm hộ: khi nào công hoàn toàn, tôi mới dám nhận trọng thưởng.

Thánh thượng dùng thuốc cao đã được sáu, bảy ngày. Các bệnh đều hết, nhưng vẫn không ăn được. Tay chân rời rã, biếng nói. Chánh đường hỏi thầm:

- Bệnh lui rồi, sao tinh thần lại càng mỏi mệt như thế?

Tôi cứ ậm ự, không nói ra. Ông hỏi gặng hai ba lần. Tôi nói:

- Cứ bảy ngày thì ngũ tạng truyền biến khắp một lần; nguyên khí hồi lại. Đáng lý phải khỏe lên. Nay lại thấy suy yếu đi. Có lẽ vì thuốc công phạt trước kia dùng nhiều quá nên nguyên khí bại mất rồi. Sách có nói: “Vị khí đã bại, thuốc nào cũng chịu”.

Chánh đường nghe nói, sợ hãi rụng rời:

- Làm sao bây giờ?

- Giờ phải tạm hoãn thuốc cao, cứu ngay lấy vị khí.

Ông giục tôi kê đơn, tôi viết:

Bắc sâm (2 lạng), bạch truật (1 lạng 5 đồng), đại phụ (8 đồng). Sắc đặc uống lần lần.

Được mấy hôm, bệnh vẫn thế. Hai hôm nữa là hôm 11 tháng 9, thánh thượng về trời.

Tôi cứ theo lệ vào chầu thuốc Đông cung thế tử. Hôm sau, thế tử lên ngôi ra thị triều ngoài phủ đường. Các quan văn võ lạy mừng. Tôi cũng được vào hàng thị tụng để điều trị. Thế tử mắc bệnh sợ gió. Nay lại phải ra ngoài nên bị cảm gió. Lúc vào cung gây gấy rét. Cho triệu tôi vào hầu mạch. Tôi dùng thang “bát vị”, bỏ mẫu đơn, bớt trạch tả, thêm mạch môn, ngũ vị, ngưu tất. Ngự dùng, các chứng đỡ. Lại sinh ra bệnh suyễn nặng. Các bệnh cũ lại phát.

Tôi biết thế không làm sao được bèn xưng bệnh không vào chầu. Được ba ngày, ngự lại sai người ra hỏi thuốc.

Bấy giờ may có một người tiến cử một thầy lang ở Sơn Tây vào chầu. Tôi mới hơi được rảnh rang một chút. Tôi tự nghĩ: mình phải biết mà đi trước mới được. Bèn đến quan Chánh đường mượn cớ nói có thơ ở quê nhà nói trong nhà có bệnh nguy cấp giục về, nhưng không dám hé răng. Công việc nay đã như thế rồi xin quan lớn thương tình cho (...)

Bèn vào trong phủ lạy tạ (...) Thấy Phó a bảo đang bế ông vua (chúa chứ!) con trong lòng. Tôi sụp lạy bốn lạy. Ông vua (chúa!) con nói:

- “Chè” cụ ngọt lắm, ta thích uống.

Tôi than thầm: chỉ vì cứ dùng mãi thứ thuốc khổ hàn, cho nên mới tai hại như thế này (...)








____________
(1) “Thánh thượng” chỉ dùng khi nói về vua. Gọi quá đây không biết là nguyên văn hay do người dịch. “Ngự” cũng thế. (TT)
(2) Thốn, quan, xích là ba bộ mạch ở tay. Mạch huyền là mạch như dây cung.
(3) Ta vốn không có “thìa trà”. Không biết nguyên văn là chữ gì. (TT)
(4) Hồng, sác: to, nhanh.