Đại khái, cách nay khoảng ba mươi mấy thế kỷ, người Phùng Nguyên bỗng thôi ra sức đẽo đục cưa mài đá mà bắt đầu bỏ rất nhiều thì giờ và công lao động vào việc tìm đào quặng, nấu, rót... Loay hoay đúc đồng được ít lâu, họ hóa thành người... Đồng Đậu!

Tiếc môi trường tự nhiên khắc nghiệt với xương quá, nên đến thời Đồng Đậu vẫn là tình trạng “đồ” còn la liệt đây mà chủ của đồ thì chỉ một cái sọ còn “nghiên cứu được” cũng không sao tìm thấy...

(Thu Tứ)



Nguyễn Duy Hinh, “Văn hóa Đồng Đậu”



Văn hóa Đồng Đậu lấy tên di chỉ Đồng Đậu thuộc xã Minh Tân huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện năm 1962. Đã phát hiện 37 địa điểm. Các di tích Đồng Đậu phân bố về cơ bản trùng hợp với địa bàn của văn hóa Phùng Nguyên, nhưng có sự mở rộng về phía đồng bằng. Văn hóa Đồng Đậu có địa bàn trải rộng từ đồi núi trung du cho tới miền cao của đồng bằng Bắc bộ, gồm các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Bắc Giang, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội.

Văn hóa Đồng Đậu phát triển từ văn hóa Phùng Nguyên lên. Đồ đá, đồ gốm không tinh xảo bằng của văn hóa Phùng Nguyên. Đặc trưng rất cơ bản của văn hóa Đồng Đậu là kỹ thuật luyện kim và chế tác đồ đồng thau bắt đầu phát triển mạnh. Đã phát hiện những đồ đồng như rìu, giáo, lao, mũi tên, dũa, đục, dao khắc, mũi nhọn, lưỡi câu, búa, dây đồng, khuôn đúc bằng đá và bằng gốm, nồi rót đồng, lò nấu đồng. Rìu đồng có 3 loại: rìu hình chữ nhật, rìu xòe cân, rìu lưỡi hơi lệch.

“Ở hầu hết các khu di tích thuộc văn hóa Đồng Đậu như Đồng Đậu (lớp II), Đồng Dền, Đông Lâm, Đồi Đà (lớp dưới)... đều thấy khuôn đúc và nồi rót đồng. Những mảnh khuôn này thuộc loại khuôn hai mang bằng đá hoặc bằng đất nung, dùng đúc rìu, mũi tên, mũi giáo, mũi nhọn hay dây đồng để chế tạo kim khâu, lưỡi câu. Cá biệt có khuôn dùng đúc hai mũi tên cánh én như ở Đồng Đậu hay vài khuôn đúc hai hay ba mũi lao hoặc đúc thìa như ở Thành Dền. Tại di chỉ Thành Dền, rất tiêu biểu cho văn hóa Đồng Đậu ở giai đoạn phát triển cao, chỉ trong hai mùa khai quật 1983, 1984, chúng ta đã phát hiện tới 46 mảnh khuôn đúc đủ loại, bằng đá là chính và bằng gốm, 20 mảnh nồi nấu đồng, 4 lò nấu đồng và 146 nơi có vết tích xỉ đồng. Dấu vết hoạt động đúc đồng ở Thành Dền phong phú hơn ở bất cứ khu di tích nào thuộc văn hóa Đồng Đậu mà ta đã biết.” (tr. 109)

Văn hóa Đồng Đậu được 9 mẫu C14 giúp định niên đại. “Dựa vào kết quả nghiên cứu diễn biến về mặt địa tầng cùng những di vật trong các di tích thuộc văn hóa Đồng Đậu với sự hỗ trợ của phân tích C14, chúng tôi cho rằng văn hóa Đồng Đậu bắt đầu vào quãng thế kỷ XV-XIV trước công nguyên (...) và kết thúc vào thế kỷ X-IX trước công nguyên” (tr. 122)

Di cốt người của văn hóa Đồng Đậu không nghiên cứu được.

Người Đồng Đậu làm ruộng nước và ruộng khô, cư trú thành làng. Tuy vậy vẫn săn bắt và hái lượm để bổ sung thực phẩm. Nổi bật là họ luyện đồng và chế tác đồ đồng rất tiến bộ, tuy nhiên những vật đúc đều là vật nhỏ như rìu, mũi tên, chưa có những đồ đồng lớn.


(Trích Nguyễn Duy Hinh,
Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, VN, 2004. Những số trang trong ngoặc đơn là dẫn sách Khảo cổ học Việt Nam – Thời đại kim khí Việt Nam. Nhan đề phần trích tạm đặt.)