“Chém cỏ” nghe tưởng việc nhẹ nhàng, té ra “bể nghể”, bà con ơi! Được cái, chém xong là cấy mạ luôn, khỏi cày bừa. “Chồng phát, vợ cấy, con trâu… ở nhà”. Thiệt ra, nó cũng khỏi ở nhà luôn, vì ai mua nó về làm chi! (TT)



“Độc đáo chém cỏ trồng lúa”

Sơn Nam







Nét độc đáo đáng kể trong cách làm ruộng ở vài nơi thuộc miền Nam là phát cỏ rồi cấy, khỏi cày bừa (...) sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi là “trảm thảo” (...) Người địa phương gọi là phát cỏ (do chữ nho là phạt, “đoạn kim phạt mộc”, nói trại ra).

Theo tài liệu trên (tức PBTL), ở Gia Định, Biên Hòa phải cày; ở vài nơi thuộc Mỹ Tho, Cao Lãnh hoặc phía Vĩnh Long ngày nay thuộc hữu ngạn sông Tiền, nhờ phì nhiêu nên khỏi cày, cứ phát cỏ xong là cấy mạ xuống. Vì không cày bừa cho đất mềm nát nên phải dùng cây nọc khá to để xoi đất, sau đó mới cấy mạ xuống.

Kỹ thuật này xuất hiện vào khoảng hai trăm năm nay (...) Mãi đến năm 1945 (...) hãy còn (...)

Ở đất phù sa cù lao sông cái hoặc ven biển, ven rừng tràm mới khai thác chừng đôi mươi năm, việc cày bừa nhất định gây hậu quả xấu:

- Lòng đất chứa nhiều phèn, cày xới thì đem chất phèn lên mặt đất, làm hại rễ lúa.

- Nếu trên mặt đất đã dư phân để nuôi cây lúa (cỏ mục, lá cây khô lâu năm) thì xới lên là đem thêm phân. Phân quá nhiều, cây lúa nẩy nở nhanh chóng, gốc to, lá rậm, nhưng gié ít hột.

Cày bừa thì cần tới trâu bò. Bò giá rẻ, nhưng chịu đựng mưa dầm hoặc sình lầy rất dở. Trâu dai sức hơn, nhưng (đắt) (...) Người chủ đất nhỏ (...) ít khi dám vay nợ mua trâu (...)

Cầm cây dao (thường) mà chém cỏ thì không ổn, mỗi lát dao chỉ phạt được vài chục ngọn cỏ là nhiều (...) Dùng cuốc cũng (...) chậm chạp (...) Người làm ruộng nghĩ ra một kiểu dao chém được nhiều cỏ hơn (...) Đó là cây phảng (...)

Tùy chỗ dùng, tùy địa phương mà cán phảng cong nhiều hay ít. Nói cho cụ thể, cán dao và lưỡi vốn nằm theo một đường thẳng, nếu uốn lại lần hồi ta có loại phảng náp, phảng mõ cộ lôi, phảng mõ cộ vấp, đến mức cán và lưỡi phảng tạo ra một góc đúng 90 độ thì gọi là phảng cổ cò (như hình dáng cổ con cò).

Loại phảng mà cổ cong lại không đúng 90 độ chỉ xài vào công việc thứ yếu như phát cỏ ở bờ mương, phát cỏ vườn, chế đất (phát những cọng cỏ còn sống sót sau khi cày, trục, trước khi cấy), hoặc phát nơi nước sâu. Muốn làm ruộng trên diện tích to thì nhứt định là dùng loại phảng cổ cò (...)

Đơn vị để do diện tích làm ruộng là một công, mười công là một mẫu ta (...) mỗi công là hình vuông mỗi cạnh hơn 33m.

Cầm cây phảng trên tay, nghiêng mình xuống phát rồi đưa phảng lên, bước tới mà chém tiếp là việc nặng nhọc (...) Muốn cho cỏ chết, phải chặt ngay gốc, dưới mí nước để gốc cỏ bị thúi luôn (...) Nếu lấy trung bình một lát chém là 36 tấc vuông (hình vuông mỗi cạnh 6 tấc) thì muốn dọn cho sạch cỏ trong một công đất, cần đến non 2.000 lát chém. Cây phảng trung bình nặng hơn 3 kí-lô (...)

Tay mặt quơ cây phảng, tay trái lại cầm cây cù nèo (còn gọi là kèo nèo) để kèo (vạch cỏ) cũng 2.000 lần cho trống chân cỏ, không thể chém bừa bãi trên ngọn vì như thế thì cỏ sẽ mọc lại. Người phát phải khom lưng cho lưỡi phãng nằm ngang song song mặt nước và dưới mặt nước (...)

Buổi phát tính từ khoảng 6 giờ sáng đến 12 (đoán, in thiếu) giờ trưa, người giỏi thì rồi một công (...) Buổi trưa và buổi chiều, cần dưỡng sức cho ngày mai, vì phát xong thì người mạnh khỏe cũng “bể nghể” trong mình, lờ đờ vì thấm mệt (...)

Phát xong, chờ năm bảy ngày cho thúi gốc rồi dùng loại bừa cào to (gọi là bừa cào rê) mà kéo cỏ gom lại thành vồng (mỗi công đất thường có năm sáu vồng), sau đó dọn cỏ qua loa (trường hợp hôm trước phát không sạch) rồi cấy ở khoảng trống giữa hai vồng cỏ (gọi là láng cấy) (...)


(Sơn Nam,
Cá tính của miền Nam)