Bây giờ Nam bộ có đê. Vì đông dân hơn hồi xưa nhiều. Không đê thì đất đâu cho dân ở?



“Không đê không lũy tre…”

Sơn Nam




So với Bắc và Trung phần thì Nam phần là nơi dễ sinh sống (...) “vừa làm vừa chơi cũng đủ ăn”. Chúng ta thử nhìn kỹ hơn để tìm hiểu nhờ đâu có sự thảnh thơi ấy.

Sông Cửu Long (...) mỗi năm một mùa lụt (gọi là mùa nước lên, mùa nước nổi), hai bên bờ sông tuyệt nhiên không có bờ đê, từ hồi vương quốc Phù Nam đến vương quốc Chân Lạp vẫn vậy. (Chắc do) đất rộng người thưa, không đủ nhân công, vả lại vào mùa nước lụt hãy còn nhiều giồng đất cao ráo không bị ngập, đủ chỗ cho dân cư ngụ. Phù sa tràn vào ruộng, làm cho đất thêm màu mỡ. Cá tôm cũng theo nước mà vào rạch, xuống đìa, hoặc vào mấy khu rừng cầm thủy, thường là rừng tràm, tha hồ sinh sôi nẩy nở.

(Khi) canh tác (...) phỏng đoán mực nước tối đa vào mùa nước nổi, có xê dịch vài tấc cũng không đủ gây tai hại đói kém (...)

Nước lụt đôi khi (...) gây thiệt hại (đáng kể) nhưng chỉ là từng địa phương nhỏ. Rủi như mùa màng bị tiêu hủy thì dân ở địa phương nhỏ này có thể tìm lúa ăn ở các vùng phụ cận. Nạn lụt gây cảnh chết chóc hàng trăm người dường như mỗi thế kỷ chỉ xảy ra một đôi lần mà thôi. Bão tố ở Nam phần tuy có nhưng quá nhẹ, so với miền Trung. Đại khái, khi cần nhắc lại những thiên tai lớn, đồng bào ở Nam phần chỉ biết dẫn chứng trận bão lụt năm Giáp Thìn (1904) ở tỉnh Gò Công. Hoặc nạn cào cào chỉ xảy ra một lần ở Gò Công vào năm Ất Tỵ (1905). Năm sau, cũng ở Gò Công xảy ra nạn “bạch đồng”, trời cứ nắng suốt mùa mưa, lúa không cấy được, nước dưới sông không lớn không ròng.

Đã khỏi gìn giữ tu bổ bờ đê, người dân lại được nhẹ công việc canh tuần. Làng ở Nam phần không có lũy tre bao bọc. Hình thế của làng thường là chạy dài theo hai bờ sông bờ rạch, với một lớp nhà: mé rạch, đường mòn rồi đến nhà, phía sau là vườn rồi ruộng. Chỉ ở nơi ngả ba sông hoặc ngả tư thì nhà cửa mới đông đúc hơn, trở thành những chợ nhỏ. Ranh giới của làng thường thay đổi, trồng tre chỉ là để tạo bóng mát chung quanh nhà, có thêm vật liệu dùng vào việc lặt vặt, thế thôi. Vả lại, không tài nào canh phòng nổi một làng dài bảy tám cây số ngàn hoặc dài hơn nữa, với số dân ít ỏi. Bọn cướp trộm cứ chạy ra ngoài ruộng hoặc bơi xuồng qua làng khác bên kia bờ rạch, bên kia cánh đồng.

Nói chung thì khí hậu ở miền Nam không được tốt cho lắm. Ở Bắc phần, nếu miền thượng du nhiều sơn lam chướng khí thì vùng hạ lưu lại trong lành, với hơi hướm của bốn mùa khá rõ rệt.


(Sơn Nam,
Cá tính của miền Nam)