Tóm lại, đó là một văn hóa Hậu kỳ Đá Mới – Sơ kỳ Kim Khí đặc sắc, mà một số nét riêng rõ ràng có truyền xuống tới tận văn hóa Đông Sơn.

Người Phùng Nguyên là một tổ tiên của người Lạc Việt. Nhưng người Phùng Nguyên nguồn gốc ra sao thì đến nay các nhà khảo cổ vẫn chưa nhất trí.

Do những cổ nhân ấy tuy để lại rất nhiều di vật khảo sát được nhưng chính xương cốt mình thì gần như không còn gì cả, ta bây giờ không biết họ thuộc chủng tộc nào.

Việc tìm thấy nha chương có nghĩa văn hóa Tàu đời Thương, nếu không là chính một số người Tàu, đã hiện diện ở châu thổ sông Hồng. Nhưng không phải hiện diện áp đảo, vì văn hóa Phùng Nguyên qua vô số di vật hiển nhiên khác hẳn văn hóa Tàu.

(Thu Tứ)



Nguyễn Duy Hinh, “Văn hóa Phùng Nguyên” (2)



Đồ gốm Phùng Nguyên đã đạt đến trình độ phát triển cao, có số lượng rất lớn. Tại Phùng Nguyên có 112.928 mảnh gốm, tại Gò Bông hơn 4 vạn mảnh gốm... Xương gốm pha cát nhỏ, đất sét tinh chất qua lọc rửa nên kết chặc, chắc, hầu như không có tạp chất. Theo phân tích thành phần hóa học thì gốm Phùng Nguyên có tỉ lệ ô-xýt si-líc và ô-xýt nhôm khá cao, tỉ lệ này giúp cho nguyên liệu gốm dẻo dai và có độ chịu lửa đáng kể, nhiệt độ nung điển hình khoảng 700 độ. Hầu hết sản phẩm gốm Phùng Nguyên làm bằng bàn xoay nhưng cũng có món nặn tay như dọi xe sợi, hòn bi, tượng, “chân giò”... Loại hình đồ gốm rất phong phú, có đồ đựng, đồ đun nấu, đồ dùng trong ăn uống, sinh hoạt. Đồ đựng và đồ đun nấu (bình, vò, nồi) có kích thước lớn và trung bình, đường kính miệng có khi đến 50-60cm. Cốc, chén, bát có đường kính miệng khoảng 5-10cm.

Gốm Phùng Nguyên nổi tiếng về đồ án hoa văn đẹp, đa dạng. Đặc trưng quan trọng của hoa văn khắc vạch Phùng Nguyên là trang trí theo băng dải, khắc vạch kết hợp in chấm, in lăn, các băng dải thường có kết cấu khá phức tạp, nhiều họa tiết uốn lượn lặp đi lặp lại có dấu đệm nằm trong các phần trống. Trước hết là loại hoa văn gồm những hình chữ S cong đều sắp xếp thành từng lớp, từng dải, có nhịp điệu theo chiều ngang trên thân gốm. Chữ S được vẽ với nhiều biến thể, có khi đầy đủ các nét cuốn có khi chỉ hờ hững một nét vạch lượn, tất cả nằm ngang, móc nhau và nối liền nhau chạy quanh đồ đựng, những vệt in chấm đều đặn ở bên trong mảng chữ cũng như ở các khung đệm làm cho đường nét hoa văn được nổi bật lên. Đặc biệt có loại hoa văn mà đồ án thoạt nhìn đã thấy rất rõ sự tuân thủ theo nguyên tắc đối xứng gương và đối xứng trục bậc 2 (...) Kiểu trang trí theo hình tam giác đối xứng hoặc ngược chiều nhau cũng rất phổ biến. (tr. 35-42)

Trong văn hóa Phùng Nguyên gốm đã trở thành một đối tượng thể hiện nghệ thuật (...) Hết sức quan trọng, sau này trên trống đồng vẫn thấy các mô-típ chữ S và tam giác, chứng tỏ thẩm mỹ quan Đông Sơn có thừa kế truyền thống Phùng Nguyên.

Việc chén bát (...) ra đời (...) phản ảnh nghệ thuật ẩm thực đã có bước tiến đáng kể (...)

Cư dân Phùng Nguyên đã sống thành từng làng hàng vạn mét vuông, dân số không ít (căn cứ vào lượng đồ trang sức và công cụ đá tìm thấy ở các di chỉ). Họ làm nghề nông trồng lúa nước, nông cụ chủ yếu gồm cuốc đá, liềm đá. Một số hạt gạo cháy đã được phát hiện trong lớp văn hóa thuộc văn hóa Phùng Nguyên tại di chỉ Đồng Đậu. Gạo đã đóng vai trò quan trọng, nếu không nói là chính, trong bữa ăn của người Phùng Nguyên. Họ biết chăn nuôi gà, lợn, chó, biết đánh cá (những chì lưới và xương cá là minh chứng), và tất nhiên vẫn tiếp tục săn bắn dã thú bằng mũi tên đá, lao đá... (tr. 58-59)

Chó và lợn đã được thuần dưỡng sớm hơn trong thời đại Đá Mới, nhưng gà thì chỉ mới bắt đầu được nuôi trong văn hóa Phùng Nguyên. Ở di chỉ Xóm Rền có tượng gà bằng gốm.

Đặc biệt, ở mộ táng di chỉ Lũng Hòa có phát hiện được tục chôn xương hàm lợn theo người chết. Có thể cư dân Phùng Nguyên đã dùng lợn làm vật hiến tế. Những vật đeo bằng đá như tượng hình người ở Tràng Kênh và tượng người đàn ông ở Văn Điển (tr. 62) biểu thị một tư duy tôn giáo nhất định. Tượng người đàn ông Văn Điển bằng đá cao 3,6cm có khuyên trên đầu (đã vỡ một phần) với sinh thực khí được nhấn mạnh, rõ ràng là biểu tượng tín ngưỡng phồn thực (...)

“Tại một số di chỉ Phùng Nguyên đã tìm thấy những gỉ đồng và những cục đồng nhỏ, chứng tỏ người Phùng Nguyên đã biết nấu và luyện đồng. Chưa phát hiện được công cụ bằng đồng. Theo kết quả xét nghiệm, những cục đồng vừa nói là hợp kim đồng thau, gồm có đồng và thiếc (Phạm Văn Thích và Hà Văn Tấn 1970). Tại địa điểm công xưởng đá Bãi Tự (Tiên Sơn, Bắc Ninh) thuộc vào giai đoạn muộn của văn hóa Phùng Nguyên, đã tìm thấy một mảnh vòng hay dây kim loại. Kết quả phân tích của Diệp Đình Hoa (1978) xác nhận đó là kim loại chì (...)” (tr. 61) (Để ý từ “đồng thau” chỉ chung những hợp kim đồng với các kim loại khác, chứ không phải chỉ riêng hợp kim đồng - thiếc.)

Về mặt nhân chủng, thì những di cốt đã tìm thấy ở một số di chỉ văn hóa Phùng Nguyên đều không thể nghiên cứu được.

(...) Mấy chiếc nha chương sản phẩm đời Thương ở vùng nay là tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc có thể đã theo đường ven biển truyền thống mà đến địa bàn văn hóa Phùng Nguyên. (tr. 35). Không biết sự có mặt của nha chương có liên hệ gì với truyền kỳ về Phù Đổng chống quân nhà Ân (tức nhà Thương) chăng...


(Trích Nguyễn Duy Hinh,
Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, VN, 2004. Những số trang trong ngoặc đơn là dẫn sách Khảo cổ học Việt Nam – Thời đại kim khí Việt Nam. Nhan đề phần trích tạm đặt.)