Giữ vững tinh thần quân dân là việc của vua. Trần Hưng Đạo làm cả việc của vua, mà không đòi làm vua. Không đòi chưa chắc là không muốn. Thiết tưởng Trần Hưng Đạo không giành ngôi vua vì thấy giành cho được sẽ phải gây tổn hại lớn cho nước. Nên nhớ dòng chính cũng có những tay kiệt hiệt, như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, với binh lực hẳn rất đáng kể. Tiêu diệt họ sẽ giảm trầm trọng lực lượng ta, mà giặc Mông Cổ thì luôn rình rập. Trần Hưng Đạo đã rất sớm dứt khoát tư tưởng về việc này và suốt đời không lúc nào dao động. Cao quý thay là “Đức Thánh Trần”. (Thu Tứ)



Đào Duy Anh, “Chống Mông Cổ” (6)




Nhà Trần biết rằng quân Nguyên tuy thua, nhưng uy thế nhà Nguyên còn mạnh lắm, nước ta không thể lấy thế một nước nhỏ mà địch mãi với một nước lớn như thế được. Lại nghĩ nước ta xưa nay vẫn đứng hàng thần thuộc đối với Trung Quốc, miễn là ta giữ được nền tự chủ thực sự, ngoài ra thì giữ danh nghĩa triều cống cho yên. Tháng 11 năm 1288, Trần Khâm bèn sai sứ sang thông hiếu và xin triều cống như cũ. Tháng 3 năm sau, lại cho đưa bọn tướng sĩ Nguyên bị bắt trở về nước. Tích Lệ Cơ Ngọc được trở về trước. Phàn Tiếp thì bị bệnh chết, được hỏa táng, cấp ngựa cho vợ con đem di cốt về. Các đầu mục quân nhân cũng được về cả. Duy có Ô Mã Nhi vì đã cướp giết dân ta rất tàn khốc, Trần Nhân Tông theo kế của Hưng Đạo vương sai nội thư gia là Hoàng Tá Thốn đem Ô Mã Nhi theo đường thủy về nước, giữa đường ngầm sai chọc thủng thuyền cho đắm, khiến Ô Mã Nhi chết đuối.

Mùa xuân năm 1290, Trần Nhân Tôn nhường ngôi cho Trần Thuyển (tức Trần Anh Tông). Hốt Tất Liệt sai sứ sang đòi Trần Anh Tông sang chầu, vua ta thoái thác. Đến năm 1293, Trần Anh Tông lại sai Đào Tử Kỳ sang cống. Triều đình nhà Nguyên thấy Trần Anh Tông không chịu sang chầu, bàn kế xâm lược nước ta trở lại và giữ Đào Tử Kỳ lại ở Giang Lăng. Hốt Tất Liệt sai lập Hồ Quảng An Nam hành tỉnh và giao cho Lưu Quốc Kiệt phụ trách việc xâm lược nước ta. Trần Ích Tắc cũng theo quân. Nhưng tháng 2 năm 1295, Hốt Tất Liệt chết, Thiết Mộc Nhĩ nối ngôi thì hạ lệnh bãi việc nam chinh, sai Lễ bộ thị lang Lý Khan và Binh bộ thị lang Tiêu Thái Đăng sang sứ nước ta. Đồng thời thả cho Đào Tử Kỳ trở về. Trần Anh Tông vẫn giữ lệ triều cống, mà nhà Nguyên từ đó cũng không dòm ngó nước ta nữa.

So sánh lực lượng của ta và của địch thì lần nào quân số của địch cũng lớn hơn quân số của ta. Khi mới tiến công xâm lược thì chúng ồ ạt kéo vào nội địa nước ta, khí thế rất mạnh, quân ta không chống nổi, lần nào cũng phải rút lui. Song quân địch tuy mạnh mà có những nhược điểm sau đây:

(1) Người Mông Cổ đi đánh ở xa, một phần lớn chỉ trông vào cướp bóc để nuôi quân, nếu không thực hiện được mưu ấy thì dễ bị khốn vì thiếu lương.

(2) Quân địch là người phương bắc, không hợp thủy thổ ở nước ta (…)

Về phía ta thì cả ba điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa, ta đều có cả, nhất là nhân hòa: lòng quyết chiến của triều đình và tướng sĩ nhà Trần cũng như của quân lính và nhân dân; ý thức giai cấp rất mạnh mẽ của giai cấp quý tộc thống trị khiến họ quên hết tình riêng mà đoàn kết chặt chẽ đánh giặc; tinh thần đoàn kết giữa tướng và binh, giữa quân và dân; mâu thuẫn giai cấp hòa hoãn và thống nhất vững vàng.

Về vũ khí thì giặc có cung nỏ là món sở trường nhất của chúng và súng chúng mới học của người Hồi Hồi và người Trung Hoa. Quân ta cũng có súng và nhất là cung nỏ bắn tên độc. Xét trình độ vũ khí thì ta không sút kém địch mấy. Ưu thế quân sự của địch là ở kỵ binh, nhưng đối với chiến thuật du kích của ta, sở trường ấy khó được thi thố. Trái lại, ta lại có một yếu tố ưu thế về quân sự là binh pháp của Trần Quốc Tuấn. Nguyên tắc chiến lược của Quốc Tuấn là “dĩ đoản binh chế trường trận”, cho nên khi quân giặc mới đến còn mạnh thì quân ta rút lui để bảo toàn lực lượng, và nhử giặc vào sâu, chờ có điều kiện thuận lợi mới phản công, khiến giặc “muốn đánh mà không được đánh”. Với chiến lược tiêu thổ kháng chiến và chiến tranh nhân dân, quân giặc không thể cướp lương thực và luôn luôn bị xung quanh quấy nhiễu, bị hãm vào cảnh khốn quẫn, bất an, mà sinh chán nản. Bấy giờ quân ta mới phản công bằng những chiến thuật chia nhỏ sức giặc, cắt đường liên lạc và tiếp tế của giặc, phục kích, tập kích và vận động chiến thần tốc để đánh mạnh vào căn cứ xung yếu của giặc. Đó là những bí quyết thành công về quân sự của Quốc Tuấn. Nhưng Quốc Tuấn lại cho rằng cái điều kiện chủ yếu để chiến thắng là “phải nới lỏng sức dân để làm cái chước rễ sâu gốc vững, đó là phương sách giữ nước hay hơn cả”.

Đại công thần của cuộc chiến thắng là Trần Quốc Tuấn, từ trẻ đã là người lỗi lạc. Tuy cũng ưu du hào phóng như các vương hầu khác, Quốc Tuấn lại có chí lớn, rất chăm học và thích đọc binh thư tập võ nghệ. Trong thái ấp, Quốc Tuấn tin dùng đề bạt những gia nô có tài như Yết Kiêu và Dã Tượng. Quốc Tuấn lại chiêu đãi những gia thần và môn khách lỗi lạc như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu để tiến cử cho triều đình.

Quốc Tuấn là người kiêm thông văn võ, hễ nước nhà lâm nạn là được cử cầm giữ binh quyền.

Quốc Tuấn lại là người trung nghĩa và kiên quyết. Cha là Trần Liễu vốn có hiềm với Trần Cảnh, nên khi sắp chết chúc thác Quốc Tuấn mưu cướp ngôi vua. Quốc Tuấn đem việc ấy nói lại với các con và các gia nô thân tín, rồi gạt hẳn đi, dốc lòng giữ đạo thần hạ, phục vụ nhà nước. Trong khi hộ tống thượng hoàng và vua vào Thanh Hóa, Quốc Tuấn cầm một cây gậy đầu có mũi nhọn đi bên cạnh vua, mọi người đều lấy làm ngại. Để yên lòng người, Quốc Tuấn rút mũi nhọn vất đi, chỉ cầm gậy không. Trong cuộc kháng chiến, Quốc Tuấn nắm giữ quyền bính quân quốc trong tay, thế mà Quốc Tuấn không hề chuyên quyền, việc gì cũng bẩm mệnh vua rồi mới làm sau. Những khi quốc thế nguy cấp, vua cùng tả hữu nhiều người đã nản lòng, Quốc Tuấn vẫn vững tâm kháng chiến, tin tưởng thắng lợi cuối cùng, nhờ thế mà gây lại được lòng quyết chiến và tin tưởng cho mọi người.


(Trích Đào Duy Anh,
Lịch sử Việt Nam, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 2002. Sách này viết lần đầu năm 1949, in dưới tên Việt Nam lịch sử giáo trình, viết lại năm 1952, lại viết lại năm 1954, xuất bản dưới tên LSVN năm 1955, đến năm 1957 tái bản sau khi sửa chữa bổ khuyết. Tức sách đã được viết đi viết lại tới bốn lần!)