“Đất phù sa ở châu thổ Nam bộ”

Sơn Nam




Về đất phù sa, chúng ta nên (...) tránh ảo tưởng (...) đồng bằng Cửu Long quá phì nhiêu (...) Có nhiều “tiểu hình thể” khác nhau: nơi nước mặn, nước phèn, nơi nước ngọt; nơi ngập lụt gần như sình lầy mãn năm, nơi cao ráo; nơi làm ruộng làm vườn được, nơi thì hoang vu, cỏ lát, đưng (?), cỏ năng mọc lưa thưa.

Phù sa được gọi nôm na là đất mỡ gà (...) Nước có phù sa gọi nôm na là nước đỏ, nước son. Nhiều vùng đất ở sát bờ Tiền Giang hoặc Hậu Giang tuy quanh năm nước ngọt nhưng đất quá xấu (...) vì phù sa trong nước son, nước đỏ cứ theo nước trôi đi tuốt, không tích tụ lại được. Không cứ ở bờ sông cái là sống thong dong, tha hồ trồng cam trồng quít. Chúng ta thử xem vài nơi (...) Tuy là ở gần sông Tiền và sông Hậu nhưng cánh đồng giữa Sa Đéc, Long Xuyên (...) thua xa vùng Tân An, Cần Giuộc là nơi có con sông kém quan trọng hơn chảy qua.

Muốn cho phù sa kết tụ (trầm tích) lại, cần mấy điều kiện:

“- Nước ngọt và nước mặn gặp nhau.

- Trên đất giồng ở bờ sông có lùm bụi nhiều, như lát, sậy, cỏ tim bấc, lục bình...

- Sông già, không chảy thẳng, có nhiều nơi uốn khúc, có doi có vịnh.

Tiền Giang sông già, nên trầm tích, trái lại Hậu Giang còn sức vận chuyển mạnh hơn nên không trầm tích nhiều.

(...) các giồng ven sông Tiền Giang (...) có lẽ do sự xâm thực triền lõm của các nếp uốn và nhờ sức vận chuyển của sông yếu, nên (...) đón nhận nhiều phù sa (...) vùng Mỹ Tho là nơi được ưu đãi nhứt, với những con rạch (đầy) phù sa và những cù lao phì nhiêu giữa sông cái (...)

Vùng Mỹ Tho quả thật là địa đàng với những con rạch nhiều nhánh nhóc như Cái Thia, Cái Bè, Rạch Gầm, với những cù lao như Năm Thôn (...) phía bên kia Cái Bè, còn vùng Chợ Lách, Cái Mơn lừng danh. Rạch Sa Đéc ở hữu ngạn Tiền Giang cũng được ưu đãi.

Phù sa trôi vào rạch, vào mương vườn, vào ao; khi nước ròng, trên cầu ao hiện ra một lớp bùn non, gọi là đất mỡ gà (màu giống như mỡ gà) dày đến mức hễ vô ý bước xuống là có thể trượt té. Người làm vườn phải móc đất dưới mương, hai năm một lần, bằng không thì mương cạn (...)

Quãng đường từ Sầm Giang, Mỹ Đức Tây, Cái Cối, Trà Lọt, An Hữu đến bến đò Mỹ Thuận: xoài mận xum xuê hai bên bờ rạch, vườn tược xanh um, với một đôi mẫu đất là dư sống (...)

Suốt hai bên bờ Hậu Giang (...) chỉ riêng con rạch Bình Thủy, rạch Cần Thơ là trù phú, có thể so sánh với Miệt Vườn bên Tiền Giang.


(Sơn Nam,
Cá tính của miền Nam)










__________
(1) Xem bài của Quách Thanh Tâm, “Khung cảnh thiên nhiên và ảnh hưởng của nó đến đời sống nông thôn ở châu thổ Nam phần”, đăng
Tập san Sử địa số 6, 1967 (SN). Chúng tôi không có sách này trong tay, nên không biết đâu là phần trích QTT.