Đại khái, lần ba xảy ra y như lần hai. Khi giặc mới qua còn hăng hái, lương thực còn nhiều, thời tiết mát mẻ dễ chịu, thì ta chống qua loa, thua nhỏ, giữ sức, để khi giặc mệt mỏi, cạn lương, khí trời nóng nực khó chịu, thì ta phản công lớn... Chiến lược của Trần Hưng Đạo là “thua trước để thắng sau”, nhưng không tiện tâu thật với vua như thế...

Về phía Mông Cổ, cái tên tướng Ô Mã Nhi tội thật đáng chém. Cấp trên đã rút kinh nghiệm, đặc biệt chú ý đến việc vận lương, thế mà hai lần y để mất lương! Lần thứ nhất, xăm xăm “tiến thẳng vào nội địa, không đoái đến thuyền lương ở sau, (để) bị quân ta phá” mất. Lần thứ hai, vào một thời điểm hết sức căng, lại được đặc phái đi bảo vệ lương, thế mà lại cũng rời thuyền lương để cho Trần Khánh Dư chặn đánh cướp mất... cháo của quân Mông Cổ sắp chết đói! Tên ấy chắc can đảm lắm, nhưng cái tính nóng nẩy của y đã “giúp” Thoát Hoan đại bại nhanh chóng.
(Thu Tứ)



Đào Duy Anh, “Chống Mông Cổ” (5)




Sau khi tin Thoát Hoan thất bại về đến triều Nguyên, tháng 8 năm 1285, Khu Mật viện xin điều động thêm quân để phản công. Đầu năm 1286, Hốt Tất Liệt hạ lệnh đình bãi việc tiến công Nhật Bản để sửa soạn đánh báo thù nước ta. Tháng 7, Hồ Nam Tuyên úy ty can nói rằng: “Luôn mấy năm đánh Nhật Bản và Chiêm Thành, trăm họ khốn khổ vì chuyển vận và phú dịch nặng nề, binh sĩ vì chướng lệ mà tử thương nhiều. Quần sinh sầu thảm kêu than, tứ dân bỏ nghề thất nghiệp... Nay lại dụng binh ở Giao Chỉ, phải động binh trăm vạn, tiêu phí nghìn vàng, không phải là thương binh sĩ nhân dân vậy... Giao Chỉ thường phái sứ dâng biểu xưng thần, nếu nhận lời xin mà nuôi sức dân thì là kế tốt nhất. Bằng không thì nên nới phú dịch cho trăm họ, chứa lương hướng, sắm binh giáp để chờ sang năm trời hơi thuận lợi sẽ đại cử.” Hồ Quảng hành tỉnh ủng hộ lời ấy mà thêm rằng: “Những đồn trấn giữ ở bản tỉnh có hơn bảy chục sở. Luôn năm chiến sự, binh tinh nhuệ khốn khổ ở ngoài, còn lại đều là người già yếu (...) sợ kẻ gian có thể nhân thế mà dòm ngó...”(1) Hốt Tất Liệt phải nghe lời, hạ chiếu đình chỉ. Nhưng đầu năm sau, lại hạ chiếu phát quân (...) đồng thời sai Vạn hộ Trương Văn Hổ chở 17 vạn thạch lương để tiến đánh nước ta. Lại đặt Chinh Giao Chỉ hành Thượng thư tỉnh, cử Áo Lỗ Xích làm Bình chương chính sự, đều chịu tiết chế của Trấn Nam vương Thoát Hoan.(2)

Về phía nước ta thì tháng 7 năm 1287, nghe tin quân Nguyên chuẩn bị phản công, Trần Nhân Tôn hỏi Hưng Đạo vương. Hưng Đạo vương đáp rằng: “Nước ta lâu ngày yên ổn, dân không quen việc binh, cho nên năm trước quân Nguyên xâm lược, hoặc có kẻ đầu hàng. Nhờ uy linh của tổ tông (...) ta (...) quét sạch được chúng. Nếu nay chúng trở lại, quân ta chiến đấu đã quen mà quân chúng thì mệt mỏi vì đi xa, lại chột vì sự bại vong của bọn Toa Đô Hằng Quán mà không có chí chiến đấu nữa. Theo tôi thấy thì tất sẽ phá được.” Vua Trần bèn sai Hưng Đạo vương đốc suất các vương hầu chiêu mộ thêm sĩ tốt và sửa sang binh khí để chuẩn bị kháng chiến.

Quân Nguyên xuất phát vào tháng 10 năm 1287 tại Hồ Bắc. Tháng 11 đến huyện La Tân (Quảng Tây) thì chia làm hai đạo cùng tiến. Thoát Hoan đem đại binh tiến theo đường châu Tư Minh. Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp suất 18.000 quân, cùng Mã Vị Cập và Lưu Khuê suất mấy vạn quân cùng 500 chiến thuyền, 70 vận thuyền, thì do đường Khâm châu mà tiến.

Tháng 12, Thoát Hoan đến Tư Minh (...) sai Hữu thừa Trình Bằng Phi và Bột La Hợp Đáp Nhi đem một vạn quân người Hán tiến theo đường phía tây do châu Vĩnh Bình, còn tự mình với Áo Lỗ Xích thì tiến theo đường phía đông, do ải Nữ Nhi, A Bát Xích đem một vạn quân đi trước làm tiên phong. Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp theo đường biển, qua Ngọc Sơn, đến cửa An Bang (cửa Nam Triệu) đánh bại được phục binh của ta do Nhân Đức hầu Trần Da đóng ở Lãng Sơn (có lẽ là vịnh Hạ Long). Theo sách Toàn thư thì tướng của ta là Nhân Đức hầu Toàn đón đánh thuyền giặc ở vụng Đa Mỗ (...) Ô Mã Nhi tiến thẳng vào nội địa, không đoái đến thuyền lương ở sau, thuyền lương bị quân ta phá. Phía đường bộ thì quân Trình Bằng Phi tiến thẳng đến ải Chi Lăng; đại quân của Thoát Hoan do A Bát Xích làm tiên phong thì vào ải Khả Ly.

Quân Nguyên thắng trận, các đạo đều tiến vào hội tại Vạn Kiếp. Đầu năm 1288, vua Trần sai Minh Tự Nguyễn Thức đem Thánh Dực nghĩa dũng quân đến cùng với Hưng Đạo vương giữ cửa Đại Than (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) để ngăn giặc tiến vào kinh thành, nhưng cách ít ngày, bị giặc đánh bại. Thoát Hoan sai Trình Bằng Phi và A Lý cùng 2 vạn quân giữ Vạn Kiếp và dựng trại bằng gỗ ở 2 địa điểm Phả Lại và Chí Linh để chứa lương thực do Ô Mã Nhi cướp được của dân ta. Lại sai Ô Mã Nhi đem thủy quân, A Bát Xích đem lục quân tiến về Thăng Long, Thoát Hoan đem đại binh tiến sau, qua sông Hồng đóng binh ở dưới thành.

Trong khi Thoát Hoan tiến công, thì Hữu thừa Ái Lỗ cũng được lệnh đem quân theo đường Vân Nam tiến vào nước ta, đến sông Tam Đái (Việt Trì) chiến thắng được quân của Trần Nhật Duật, và đến hội với quân Thoát Hoan ở Thăng Long.

Vua tôi nhà Trần lại phải bỏ thành rút về miền đông nam. Thoát Hoan đốc suất các tướng đuổi theo. Ô Mã Nhi là tướng ác nhất, bắn tin cho Trần Nhân Tông bảo rằng: “Ngươi lên trời thì ta cũng lên trời, ngươi xuống đất thì ta cũng xuống đất, ngươi trốn xuống nước thì ta cũng lội xuống nước, ngươi trốn lên núi thì ta cũng trèo lên núi.”(3) Không đuổi kịp vua Trần, nó đánh phủ Hưng Long (nay là huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình), khai quật Chiêu lăng (mộ Thái Tông Trần Cảnh) và cướp phá giết chóc rất nhiều. Vì lần trước thất bại đau đớn, bọn tướng Nguyên rất hậm hực nên lần này tàn sát nhân dân còn hung ác hơn nữa. Trong bức thư của Trần Nhân Tông gửi cho Hốt Tất Liệt năm 1288, có nói đến thủ đoạn tàn ngược của quân Nguyên: “Mùa đông năm Chí Nguyên thứ 24 (1287) lại thấy đại quân thủy lục tiến công, thiêu đốt đền chùa trong nước tôi, đào mả tổ tiên tôi, giết chóc và bắt sống già trẻ trong dân gian tôi, cướp phá sản nghiệp trăm họ tôi, không chừa một việc tàn ác hà hiếp nào là không làm.”(4) Trong bức thư của Hốt Tất Liệt gửi cho Trần Nhân Tôn năm 1291, cũng nhận rằng: “Dân của nước ngươi bị giết chóc thật nhiều đấy!”.(5)

Đuổi theo vua Trần không được, Thoát Hoan thua binh về giữ Thăng Long.

Quân Nguyên đóng ở Thăng Long và Vạn Kiếp, lương thực sắp cạn, mà cướp của nhân dân thì rất khó, vì phần thì xung quanh nơi giặc đóng, dân bỏ đi hết, phần thì dân quân vẫn chống cự hăng. Bên ta thì một mặt giả sai sứ sang ước hòa, một mặt lại cho quân cảm tử cứ ban đêm đổ ra đánh phá các dinh trại của giặc. Thoát Hoan phải sai Ô Mã Nhi đem thủy quân đi đón thuyền lương của Trương Văn Hổ và dời đại bản doanh sang miền Bắc Giang, sau khi cho đốt phá thành Thăng Long. Trần Khánh Dư trấn thủ Vân Đồn đón đánh Ô Mã Nhi không được. Nhưng khi Ô Mã Nhi đã gặp thuyền lương của Văn Hổ, trở về đi trước dẹp đường, thì Khánh Dư chờ Ô Mã Nhi đi khỏi mới chặn đánh thuyền lương, lấy được rất nhiều lương thực khí giới. Bấy giờ là tháng 2 năm 1288. Được tin thuyền lương bị phá, quân Nguyên rất xôn xao, Thoát Hoan muốn phái người về nước cầu lương, nhưng Trần Quốc Tuấn đã sai đón các ngả đường, không cho người qua lại. Các tướng giặc thấy nguy bèn bàn với Thoát Hoan rằng: “Quân ta đóng ở đây không có thành trì kiên cố, kho lương sắp cạn, vả lại tiết xuân sang hạ, khí trời nóng nực khó chịu, mà những chỗ hiểm yếu thì quân địch giữ chắc cả rồi, chi bằng hãy rút quân về rồi sau hãy liệu kế khác.” Thoát Hoan nghe theo, bèn sai Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp dẫn thủy binh về trước, còn mặt bộ thì sai Trình Bằng Phi và Trương Quân dẫn binh đi án ngữ cho đại binh rút.

Hưng Đạo vương biết tin ấy, bèn sai Nguyễn Khoái dẫn quân lén đi đường tắt đến phía hạ lưu sông Bạch Đằng, theo chiến thuật của Ngô Quyền ngày trước, lấy cọc gỗ đẽo nhọn bọc sắt, chờ nước triều xuống thì đóng khắp giữa lòng sông, rồi phục binh để chờ. Lại sai Phạm Ngũ Lão đem quân mai phục ở các ải mặt Lạng Châu. Khi nghe tin chiến thuyền của Ô Mã Nhi tiến về phía Bạch Đằng, Hưng Đạo vương cũng đem đại binh cùng với quân ngự dinh (của vua) đến đấy. Chiến thuyền của Ô Mã Nhi đến sông Bạch Đằng thì gặp quân của Nguyễn Khoái dẫn thuyền nhẹ ra khiêu chiến. Ô Mã Nhi thúc quân tiến đánh thì Nguyễn Khoái giả thua, quay thuyền chạy. Đương lúc nước triều lớn, mặt nước mênh mông, Ô Mã Nhi thúc thuyền đuổi theo rất dễ. Nguyễn Khoái nhử thuyền đi xa nơi đóng cọc, rồi mới quay thuyền cùng phục binh đánh quật lại. Đồng thời đại binh của Quốc Tuấn và quân ngự dinh cũng đến. Thuyền giặc quay chạy thì gặp nước triều xuống, thuyền vướng phải cọc vỡ đắm rất nhiều. Quân giặc tử trận vô số. Tướng Nguyên là Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ Ngọc đều bị bắt. Bấy giờ là tháng 4 năm 1288.

Được tin thủy binh bại trận, Thoát Hoan hạ lệnh cho bộ binh rút gấp về Tư Minh. Đến ải Nội Bàng thì gặp phục binh của Phạm Ngũ Lão đón đánh. Quân giặc liều chết mở đường chạy qua khỏi ải. Lại nghe gián điệp báo tin có quân ta đóng giữ các cửa ải khác, quân giặc lại càng hoảng hốt. Tướng sĩ giặc bị quân ta từ trên núi bắn tên độc xuống tử thương rất nhiều, xác chết ngổn ngang. Trình Bằng Phi thì hết sức hộ vệ Thoát Hoan, do đường Đơn Kỷ qua Lộc Châu (nay là châu Lộc Bình), rồi theo đường tắt chạy về Tư Minh.

Sau khi đại thắng quân Nguyên lần thứ ba, Trần Quốc Tuấn lại rước vua và thượng hoàng về kinh đô. Về đến Thăng Long, nhà vua sai mở tiệc khao thưởng tướng sĩ và cho nhân dân mở hội vui mừng trong ba ngày, gọi là “Thái Bình diên yến”, để kỷ niệm cuộc kháng chiến thành công.


(Trích Đào Duy Anh,
Lịch sử Việt Nam, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 2002. Sách này viết lần đầu năm 1949, in dưới tên Việt Nam lịch sử giáo trình, viết lại năm 1952, lại viết lại năm 1954, xuất bản dưới tên LSVN năm 1955, đến năm 1957 tái bản sau khi sửa chữa bổ khuyết. Tức sách đã được viết đi viết lại tới bốn lần!)


















________________
(1)
Nguyên sử, An Nam truyện.
(2)
Nguyên sử, Thế tổ bản kỷ.
(3)
Nam sử tập biên, do ông Hoa Bằng dẫn ở sách Trần Hưng Đạo, nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1950.
(4) Xem trên.
(5)
An Nam chí lược, quyển 2.