Nếu trong thập kỷ 1960 mà đất nước đô thị hóa ào ào như bây giờ thì việc khai quật di chỉ làm sao tiến hành cho kỹ càng được! Như thể lịch sử đã cố ý tạo điều kiện cho người Việt Nam gặp lại quá khứ mình.

Thật khó tưởng tượng không có máy móc gì cả, thậm chí chưa có công cụ kim loại, mà chế tác đá được đến như thế. Về đồ “Đá Mới”, trên thế giới đã có bao nhiêu văn hóa đạt tới trình độ Phùng Nguyên?

Nhiều đồ trang sức... Tức có hoàn cảnh để hướng về cái Đẹp, tức không phải quá lo lắng về cái ăn và không phải luôn luôn cầm vũ khí...

(Thu Tứ)



Nguyễn Duy Hinh, “Văn hóa Phùng Nguyên” (1)



Di chỉ Phùng Nguyên được phát hiện năm 1959 ở thôn Phùng Nguyên xã Kinh Kệ huyện Phong Châu tỉnh Phú Thọ. Cho đến nay đã phát hiện cả thảy 50 địa điểm, tập trung phần lớn ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội.

Văn hóa Phùng Nguyên bắt đầu khoảng 4000 năm trước ngày nay (BP). Niên đại C14 sớm nhất là 3800+-60 BP, muộn nhất là 3330+-100 BP (tr. 53)

(...) Người Việt thường nói nước mình có 4000 năm văn hiến (...) (điều này) ngẫu hợp với niên đại văn hóa Phùng Nguyên (...) không lý giải được nhưng lý thú.

Một đặc điểm cơ bản của văn hóa Phùng Nguyên là các di chỉ có diện tích nói chung khoảng 1 vạn mét vuông, cá biệt có những di chỉ hơn 2-3 vạn mét vuông (Văn Điển, Phùng Nguyên, Gò Bông, Đồng Đậu). Đó là những làng định cư tập trung dày đặc ở trung du và đồng bằng cao chạy dọc theo các dòng sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Hoàng, sông Tiêu Tương, sông Đáy... Riêng ở huyện Phong Châu và Tam Thanh tỉnh Phú Thọ đã phát hiện gần 30 địa điểm. Nếu lấy di chỉ Phùng Nguyên làm tâm điểm thì trong vòng bán kính 6km các di tích dày đặc đến mức đáng ngạc nhiên: Xóm Kiếu, Gò Mả Nguộn, Phùng Nguyên, Chùa Cao, Thành Dền, Gò Nghệ, Gò Dạ, Gò Mồng, An Đạo, Xóm Rền, Gò Miếu v.v.

Người Phùng Nguyên thường cư trú trên các gò đất nổi cao hơn mặt ruộng xung quanh từ 0,5 đến 2-3 mét. Tích tụ tầng văn hóa ở các di chỉ nhìn chung không dày lắm, trung bình khoảng 0,7m, dày nhất là 2m (di chỉ Xóm Rền) (...) Người Phùng Nguyên tất đã phải có nhà, song dấu vết nhà cửa vẫn là vấn đề chưa sáng tỏ. Tại Phùng Nguyên, Văn Điển có thấy một số hố đất đen hình tròn, kích thước giống nhau, ăn sâu xuống sinh thổ. Có ý kiến coi đây là những hố chôn cột nhà (...)

Ngoài các di chỉ cư trú, còn phát hiện được 3 di chỉ xưởng. Tính chuyên môn hóa khá cao: Gò Chè chế tác công cụ đá là chính, Bãi Tự chủ yếu chế tác mũi khoan, Tràng Kênh chế tác vòng trang sức. (tr. 23-26)

Làng Phùng Nguyên vừa lớn vừa tập trung và lại mật tập ở huyện Phong Châu (...) (có phải) ngẫu nhiên mà sử sách cổ ghi Phong Châu là đất tổ người Lạc Việt (...) (nên nhớ) Phong Châu thời xa xưa rộng hơn huyện Phong Châu hôm nay rất nhiều (...) (Để ý) trong vòng bán kính 6km mà có hơn 10 làng (...) (không phải) tình trạng các địa điểm cư trú cách nhau hàng ngày đường như trường hợp bản làng dân tộc miền núi (...)

Trong các di vật đá Phùng Nguyên, đồ trang sức là một loại di vật phong phú, có mặt ở tất cả các địa điểm (...) Tại di chỉ Phùng Nguyên trong số hơn 4.000 hiện vật đá thì gần 600 món là đồ trang sức. Ở Văn Điển riêng vòng đá có 535 chiếc trên tổng số 1085 hiện vật. Ở Gò Bông tỉ số là 60 / 500 (...)

Nhìn chung, vòng đá Phùng Nguyên nhỏ nhắn và tinh tế (...) được chế tác bằng loại đá ngọc nephrite với các màu trắng, hồng, vân nâu, xanh ngọc (...) dáng vòng thanh thoát (...) (dáng và màu sắc) gợi cảm xúc dịu dàng. Mặt cắt ngang đa dạng: chữ nhật dẹt và đứng, hình vuông, hình tròn, hình bán nguyệt, hình tam giác, hình thấu kính, và đặc biệt hơn cả là loại mặt cắt hình chữ nhật đứng có gờ ngoài, có khi có một gờ nhô ra ở giữa, có khi 3 gờ nhô ra hoặc 4 gờ to nhỏ không đều nhau. Đẹp và cầu kỳ nhất là loại hình vòng chữ T thấy ở rất nhiều địa điểm. Mặc dù số lượng không lớn, nhưng nó được coi là loại đồ trang sức rất đặc trưng cho văn hóa Phùng Nguyên.

Vòng đá Phùng Nguyên nhỏ nhắn (...) loại vòng mặt cắt ngang hình chữ nhật đứng, bản rộng trung bình 0,7cm, độ dày là 0,3cm, đường kính điển hình từ 6cm đến 7cm. Đáng lưu ý là ở nhiều chiếc vòng có các dấu khoan nối vòng hoặc các dấu cưa cho thông lỗ để buộc dây. Ở đây loại vòng có mặt cắt ngang chữ D hay tròn cũng vậy, đường kính của mặt cắt thân vòng thường khá nhỏ, chỉ 0,5-0,7cm. Đặc biệt có những vòng rất chuẩn về độ tròn thân vòng, nhìn độ trau chuốt, bóng bẩy của chiếc vòng chúng ta không khỏi ngạc nhiên (...) (tr. 32-33)

Số lượng khuyên tai và nhẫn các loại có mặt cắt khác nhau: hình vuông, hình tròn, hình bán nguyệt... trong các di chỉ Phùng Nguyên khá lớn. Có những chiếc nhẫn được chế tác bằng loại đá đen sẫm và bóng như sừng. Đáng chú ý là ở những địa điểm thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Phùng Nguyên, đã xuất hiện loại hình khuyên tai có mấu (Tràng Kênh, Nghĩa Lập, Lũng Hòa...). Loại hình này còn thấy trong nhiều văn hóa khảo cổ khác muộn hơn Phùng Nguyên.

Hạt chuỗi hình ống cũng là một món đồ trang sức bằng đá phổ biến. Ở nhiều hạt, đường ren nằm trên thân và lỗ khoan nhỏ chỉ 0,2cm cho thấy kỹ thuật khoan lỗ và kỹ thuật tiện đã đạt đến đỉnh cao. Ngoài ra, có những hạt chuỗi nhỏ bé, đường kính và bề dày chỉ chừng 0,6–0,7 cm, có dáng hình tang trống, được mài nhẵn bóng, rất đẹp (...) Tại di chỉ xưởng Tràng Kênh tìm thấy hàng loạt hạt chuỗi loại này (...) tìm được cả những hạt chuỗi hình tang trống nhưng lại có các gờ nhô ra ở bên ngoài trông rất đẹp mắt.

Tại nhiều di chỉ Phùng Nguyên còn có những món trang sức bằng đá độc đáo khác như các vật đeo hình thù khác nhau: hình đầu thú, hình đuôi cá v.v. (...) nhiều chiếc có lỗ đeo (...) (không rõ) chúng là đồ trang sức đơn thuần hay có liên quan gì đến tín ngưỡng (bùa hộ mệnh) (tr. 34-35)

Như vậy người Phùng Nguyên đeo vòng tay, đeo vòng tai, đeo vòng cổ, đeo nhẫn. Thế là đeo đồ trang sức ở đủ các chỗ mà ngày nay người ta đeo! Mà lại có nhiều kiểu (...) đa dạng đến mức hiện nay đồ trang sức đồng loại cũng không hơn (...)


(Trích Nguyễn Duy Hinh,
Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, VN, 2004. Những số trang trong ngoặc đơn là dẫn sách Khảo cổ học Việt Nam – Thời đại kim khí Việt Nam. Nhan đề phần trích tạm đặt.)