Quân Pháp dã man đâu phải chỉ đối với tù binh ta hay thường dân ta bị tình nghi ủng hộ kháng chiến. Cứ hễ đi càn, là nó giết bừa bãi không chừa người già trẻ con và nó cưỡng hiếp phụ nữ, nhiều khi hiếp xong rồi giết. Tại sao ta đối xử với người của nó ngược hẳn cách nó đối xử với người của ta? Bởi giặc tuy thua nhưng vẫn còn mạnh lắm. Ta không muốn làm giặc tức (!) mà cố gắng thêm. Thậm chí, ta cần tử tế với tù binh để binh vận và, quan trọng hơn, qua đó tranh thủ thiện cảm của nhân dân Pháp mà gây áp lực bỏ cuộc đối với nhà nước Pháp. Dân tộc Việt Nam có đạo đức cao, nhưng chắc chắn cái thế của một nước yếu cũng là lý do khiến ta chọn dĩ đức báo oán như thánh nhân! (Thu Tứ)



“Đối xử với tù binh”

Nam Cao




Qua Thất Khê san sát quốc kỳ, vẫn thấy có rất đông những người Pháp đi, đứng rất ung dung. Trong một thị trấn đã về ta, đã đầy những bộ đội chiến thắng của ta, vẫn còn những người Pháp cười nói, đi bách bộ trong vườn hay ngồi hút thuốc lá một cách yên hàn, bình tĩnh thế kia ư? Lại có cả cái tàu bay Pháp ở sân bay nữa! Thế là nghĩa làm sao? Một người đàn bà tức quá, không chịu được. Chị đặt cái gánh trẻ con xuống, hỏi một anh bộ đội đi qua:

- Đồng chí ơi, có phải ta với Pháp đình chiến rồi không?

Anh bộ đội ngạc nhiên, nhìn chị, nghiêm khắc hỏi:

- Ai bảo chị?

- Không. Nhưng sao em thấy Tây ngồi nhan nhản cả kia?

Anh bộ đội bật cười:

- Đó là những tù binh, những binh lính Pháp ta bắt được.

- Thế chiếc tàu bay kia?

- Ta cho chúng nó đem tàu bay đến để tải một số xác chết và một số người Pháp bị thương về Hà Nội. Cái này hỏng máy, không có người chữa, chưa bay được. Ta cho gửi...

Sao lại thế? Họ đã thấy mỗi lần Pháp bắt được ta, bất kể là bộ đội, du kích hay có khi chỉ là những thường dân bị tình nghi, chúng tra tấn dã man, rồi chúng cắt tiết hay chặt đầu đem bêu ra phố cho mọi người trông thấy. Họ không ngờ cách ta đối lại với chúng nó lại dễ dãi, khoan hồng đến thế...


1950


(Trích từ bài “Vài nét ghi qua vùng vừa giải phóng”, đăng trong tạp chí
Văn Nghệ số đặc biệt chiến thắng Cao – Lạng, in lại trong sách Nam Cao - tác phẩm, tập 2, nxb. Văn Học, 1977. Nhan đề tạm đặt.)