Ðể đánh giá đúng đắn đóng góp của Ðào Duy Anh vào nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc dân tộc, phải xét cái thời điểm ông lập thuyết. Sách Lịch sử cổ đại Việt Nam in năm 1956, mấy năm sau đó Ðội Khảo cổ mới ra đời. Đào Duy Anh đã không có cái lợi thế được ngắm nghía vô số hiện vật vô cùng quý giá thu được từ những cuộc khai quật qui mô của ngành khảo cổ Việt Nam trong thập kỷ 1960 (tiến hành ngay cả sau khi Mỹ bắt đầu đánh phá Miền Bắc), nên nếu những nghĩ ngợi của ông có chỗ chưa ổn, thế là chuyện rất bình thường.

Khi đối tượng nghiên cứu quá phức tạp, phải sau nhiều thế hệ học giả, lớp sau đứng trên vai lớp trước, ta mới thấy được sự thực. Bao giờ thấy chắc chắn quá khứ rất xa xôi của dân tộc rồi, xin nhớ trông lại quá khứ gần mà biết ơn những đôi vai vững chãi đầu tiên trong đó có Đào Duy Anh!
(Thu Tứ)



Đào Duy Anh, “Cái nghiệp của tôi”




Lịch sử cổ đại Việt Nam (...) không có thể quan niệm nó trong khuôn khổ của lịch sử cổ đại Tây phương (Hy-lạp và La-mã) (...) Mỗi dân tộc có con đường phát triển cụ thể tùy theo hoàn cảnh địa lý và hoàn cảnh lịch sử của mình, cho nên không có thể lấy cách phát triển của dân tộc này (...) mà gán cho một dân tộc khác.

Vấn đề nguồn gốc (...) học giả Pháp (...) thường đứng trên lập trường của kẻ xâm lược mà tự nhiên hay cố ý thuyết minh xuyên tạc bôi nhọ tổ tiên ta.

Tôi nhận thấy (...) truyền thuyết Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân có quan hệ với địa bàn sinh tụ của tổ tiên xa của chúng ta là người Việt tộc phân bố trong cả miền đông nam của lục địa châu Á (…) truyền thuyết Lạc Long Quân (...) có quan hệ với tín ngưỡng vật tổ của xã hội thị tộc (...) Do (...) những người Việt tộc phải “lặn lội” trong miền sông lớn hồ rộng, đã xuất hiện cái tín ngưỡng xem giao long -- một giống cá sấu lớn ở miền đông nam lục địa châu Á -- là vật tổ, do đó mà thành cái tên Giao Chỉ, chỉ miền đất ở của những người mà truyền thuyết xem là tổ tiên xa của ta (…)

Tôi lại nhận thấy (...) từ Lạc tất có quan hệ với cái tên Lạc Việt của tổ tiên trực tiếp của chúng ta, mà tên ấy chính lại cũng có quan hệ với tín ngưỡng vật tổ xem con chim Lạc, con chim mà tôi cho là được khắc trên các trống đồng -- là vật tổ của mình (…)

Tôi nhận thấy (...) Văn hóa Ðông Sơn chính là nền văn hóa độc đáo của người Lạc Việt (...) người sáng tạo ra nền văn hóa đáng tự hào ấy chính là tổ tiên của chúng ta (...) Tổ tiên Lạc Việt của chúng ta (...) đã sáng tạo được một nền văn hóa đồ đồng tiến bộ nhất so với các nền văn hóa đồ đồng khác ở miền đông nam lục địa châu Á bấy giờ (…)

Tôi (...) chứng minh rằng Tượng quận là quận của nhà Tần đặt ở miền tây nam khoảng đất Bách Việt mà nhà Tần đã chinh phục, tức ở phía tây tỉnh Quảng Tây và phía nam tỉnh Quí Châu, chứ không dính dáng gì đến đất nước ta (…)


(Đào Duy Anh,
Nhớ nghĩ chiều hôm, nxb. Trẻ, 1989. Nhan đề phần trích tạm đặt.)