Nhã là nhẹ mà lại đậm.

Nói chung, muốn nhã phải tu.

Tu “đạo nhã” thành công, “thời đến đâu như cái hoa thơm đến đấy, ai là chẳng mến, ai là chẳng yêu”!

Thơm, mến, yêu đổi cả rồi. Ta nay đa số yêu mến thứ mùi khác, với cái mũi cũ như dường không phải thơm.

(Thu Tứ)



Phạm Quỳnh, “Gọi hồn phong nhã”




Nhã là đối với tục. Cái gì không tục tằn thô bỉ mà có vẻ êm ái thanh tao, gọi là nhã. Người nhã là người vừa không tục không tạp, mà lại vừa có cái duyên đặm đà khiến cho người ta phải yêu phải mến. Nhã chính là không tục mà lại có duyên. Trong các tính nết tốt của con người ta, tính nhã là cái tính rất quan hệ với xã hội.

Người nhã không những là người tự mình có cái tư cách thanh cao, lại còn là người biết phô bày cái tư cách thanh cao ấy trong khi tiếp nhân xử sự. Cho nên xét người nhã là xét ở thái độ, hình dung, ngôn ngữ, cử chỉ, và thứ nhất là ở cái thị hiếu của người ta.

Người nhã khi đứng khi ngồi, khi lui khi tới, có cái vẻ ung dung êm ái, không hấp tấp vội vàng, cũng không đù đờ chậm chạp, tiếp người thì tuy cũng tùy từng hạng người mà tình ý có khác nhau, nhưng mà đối với người trên không có dáng siểm nịnh, đối với người dưới không có bộ kiêu căng, đối với ai cũng có ý ân cần, tựa hồ như mình được tiếp người lấy làm vui vẻ; lại có ý lễ nhượng, tựa hồ như mình được tiếp người lấy làm trân trọng. Thái độ ấy rất quan hệ cho sự giao tế trong xã hội. Người nào có cái thái độ thung dung êm ái, lễ nhượng ân cần như thế, không những làm cho sự giao tế được vui vẻ và có hứng thú, lại dễ cảm phục được lòng người, không phải là không có ích lợi cho đường cư xử của mình. Một người thô bỉ hay là một kẻ kiêu ngạo ra giao tiếp với người, không khỏi khiến người ta khinh mà chán hay là ghét mà kỵ; đã thế thì cuộc giao tế rất một thú (1), mà kẻ kiêu ngạo hay thô lỗ kia khó lòng mà ăn ở với đời cho được thập phần thỏa mãn. Đến như những bậc hào hoa phong nhã thời đến đâu như cái hoa thơm đến đấy, ai là chẳng mến, ai là chẳng yêu, không những làm vui cho người trong khi giao tế, mà cũng dễ dàng cho mình trong lúc xử sự. Dẫu ở đời không phải ai ai cũng có cái tư cách hào hoa phong nhã như khách tài tình, nhưng mà ai ai cũng có thể có cái thái độ nhã nhặn, khiến cho người ta yêu mến được.

Ấy là phong thái bề ngoài. Nhưng mà người nhã lại phải xét ở cách ngôn ngữ và thứ nhất là ở cái thị hiếu. Ngôn ngữ là trọng lắm; nghe một lời nói, đoán được tính người. Người thanh nhã nói có duyên có nhị (2), dễ toại lòng người. Cái giọng nói cũng ung dung như vẻ người, khi vui vẻ không lả lơi, lúc giận dữ không to tiếng, một cái mỉm cười đủ biểu được lòng vui thú, một câu nói mát đủ rõ được bụng căm hờn. Nhưng mà giữ được cho giọng nói cũng như nét mặt bao giờ cũng điều hòa vui vẻ, ấy mới là tuyệt nhã, là rất mầu.

Thị hiếu là sự thích muốn của người ta, nhất là thích muốn trong cách ăn chơi. Người làm sao quả chiêm bao làm vậy, nghĩa là tính tình thanh thô thế nào thường lộ ra trong lúc mơ màng hành lạc. Người phong nhã thời ưa những cách chơi êm đềm thanh tú, mà không ưa những cách chơi nhả nhớt tục tằn. Đời xưa có bốn cách chơi phong nhã là cầm kỳ thi họa, ngày nay dễ cũng ít người kiêm được bốn nghề đó. Nhưng mà xem phong cảnh đẹp, đọc văn chương hay, thả chiếc thuyền con trên mặt nước, đập vào mái chèo mà ngâm nga, hay là chuyện trò cùng người tri kỷ, đàm tiếu với khách tài tình, gây trồng những cây cỏ lạ, tìm kiếm những bức tranh kỳ, đó cũng là những chơi của người phong nhã.


(“Gọi hồn phong nhã”,
Nam Phong 1924, như in trong Kim văn tân tuyển của Phạm Thế Ngũ.




__________
(1) “Một” nghĩa là không có.
(2) Nhị (hay nhụy) là phần mảnh nhỏ, giấu kín mà có hương thơm của cái hoa; nghĩa bóng chỉ cái gì cũng có những tính chất ấy (...)