Đời làm “Em Xi” của Hoàng Cầm hẳn đáng nhớ nhất là “Đêm liên hoan mừng chiến thắng Điện Biên Phủ” và “Đêm ra mắt nhà xuất bản Hội Nhà Văn” kể sau đây. Lần nào nửa chừng cũng, hết sức bất ngờ, bị “giật mình hoảng sợ”!

Nguyễn Tuân chắc từ Cách mạng mùa Thu mới lại có dịp hát một chầu to thế, có danh ca, danh cầm, quan viên lại toàn “sao”, thế mà rồi phải giận đến nỗi roi chầu “có lúc vụt nhầm cả vào mặt ghế”! Một người đánh trống hát ả đào mà như đánh vào đầu ai!
(TT)



“Một người cầm chầu phẫn nộ”




Cái đêm nhà xuất bản Hội Nhà Văn ra mắt các bạn văn nghệ sĩ ở số 65 Nguyễn Du là một đêm cuối xuân sang hè. Mưa phùn, có lúc man mát, có lúc oi ả. Không khí ẩm, lớp nhớp.

Trong ban giám đốc, tôi được phân công làm người giới thiệu và dẫn dắt chương trình buổi họp mặt, tuy gọi là long trọng nhưng rất có vẻ thân mật “người nhà”. Cũng có ca sĩ hát mới, hát dân ca, có ngâm thơ, đọc thơ rôm rả. Đặc biệt, tôi mời được bà Phúc, một danh ca trong nghệ thuật ca trù. Năm ấy (1957) bà đã ngoài năm mươi, dáng người vẫn thanh, đài các, tiếng phách vẫn ròn, giọng hát vẫn lanh lảnh. Có cả bác Ban, nghệ sĩ đàn đáy, từng lắm phen “bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay”. Tôi lại hẹn trước với anh Ngô Linh Ngọc: “Cậu sẽ cầm chầu thật phong lưu công tử đấy nhé”. Đủ mặt các nhà văn nhà thơ đàn anh: Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, cả Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư... Tôi thắp hương cắm phía dưới ảnh cụ Tản Đà, bác Ngô Tất Tố. Mọi người có một phút tưởng nhớ rưng rưng – nhớ nhất Nam Cao. Chắc hẳn đêm nay, anh ấy cũng ngồi ở một góc nào đấy, để xem “thế sự”.

Đêm đã có vẻ gần khuya. Thì nghe ca trù mới hợp (...) Bài hát nói Cánh bèo của Tản Đà (...) vào giờ ấy, thành ra thiêng. Roi chầu của Ngô Linh Ngọc cũng nhiều xao xuyến. Hết bài, không có vỗ tay, vì ai cũng đi vào cõi u tình trang nghiêm. Bác Nguyễn Tuân lặng lẽ, rón rén đến rỉ tai tôi:

- Tỳ bà hành đi!

Tôi bèn trịnh trọng giới thiệu bài Tỳ bà hành. Bà Phúc se sẽ hỏi tôi:

- Hát cả hay trích đoạn, anh Hoàng?

Tôi cũng đáp, nhỏ nhẹ, gần như nói thầm:

- Tùy sức khỏe của chị. Chứ ai chả thích nghe toàn bài.

Trước cái im ắng chờ đợi đầy rung động nghệ thuật, bà Phúc lựa đặt cỗ phách, bác Ban so lại dây đàn và tôi mời bác Nguyễn cầm roi chầu. Nguyễn từ tốn, ung dung, bảo nhỏ tôi rót cho bác một chén rượu quê, thứ rượu chính cống nếp cái hoa vàng tôi đã chuẩn bị từ mấy năm trước. Chỉ uống một ngụm rượu ấy cũng như uống cả một cánh đồng quê tháng Mười. Ba tiếng trống gọi của bác Nguyễn dóng lên, nghe thật đĩnh đạc khiến ruột gan mình cứ như đang nở ra.

“Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách...”

Tiếng hát bà Phúc cất lên, chim kêu vượn hót nào tày, quyện với nhịp phách như suối reo, thác đổ, với ngón đàn đáng bậc thầy, dẫn mọi người vào một cơn say lâng lâng văn hóa đồng bằng sông Hồng, mà tiếng trống sành sõi của bác Nguyễn cứ đều đều điểm những dấu chấm son (...)

Tôi cũng đắm mình nghe nên không chú ý đến một chỗ nào đấy trong căn phòng rộng, hình như có tiếng cười hô hố hơi ồn và lạc lõng. Bỗng chén rượu của bác Nguyễn đặt trên một chiếc ghế đẩu bên sườn, còn lưng lửng đến quá nửa, như có ai gạt, rơi xuống đất. Tôi giật mình hoảng sợ, sợ một sự tan vỡ nào chăng giữa cái đêm nghệ thuật đẹp thế này. Nhưng thấy mọi người vẫn chăm chú vào tiếng hát cung đàn, chắc ai cũng cho là một sự cố ngẫu nhiên không có gì đáng quan tâm, tôi cũng đỡ sợ. Nhưng khi nhìn bác Nguyễn, tôi bỗng thấy lo hơn, vì cả khuôn mặt bác bừng bừng đỏ gay (bác đâu đã uống gì nhiều), cái mũi quằm như muốn đâm toang xuống mặt trống và cái miệng có đôi môi mỏng chỉ còn là một nét vạch ngang trĩu xuống như một cơn giận đang cố ghìm lại. Đến tiếng trống, ôi chao! Tiếng trống bác Nguyễn lúc này sao nghe dữ dằn, như có điều gì phẫn nộ đang thúc xuống roi chầu mà quất mạnh vào mặt trống, tang trống, có lúc vụt nhầm cả vào mặt ghế. Đúng là tiếng trống rất ác, rất dữ dội mà xưa kia các cụ ta thường gọi là “tiếng trống sát phạt”. Người ca nữ nào mà gặp phải tiếng trống này thì chỉ còn việc buông phách, nâng vạt áo lên che mặt, mà cáo lui đi thôi. Nhưng không. Có lẽ danh ca Nguyễn Thị Phúc hiểu được lẽ gì đó, cảm thông được điều gì đó của bác Nguyễn nên bà vẫn chủ động thanh âm và cung bậc, nhịp điệu bản trường ca đang đi vào đoạn cuối (...)

“Từ xa kinh khuyết bấy lâu
Tầm Dương đất trích gối sầu hôm mai


Nét mặt bà Phúc như cũng đang đắm chìm trong một nông nỗi gì tan vỡ, như ly cách, như tang thương. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt người kỹ nữ tài danh ấy, thấy như có nhiều ngấn lệ trong đôi mắt long lanh đăm đắm vào một khoảng không nào... xa... xa lắm rồi.

Đến câu kết:

“Lệ ai chan chứa hơn người
Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh”
,

tiếng phách dồn xuống hết mức, tiếng đàn như hồi trống thu quân thì roi chầu bác Nguyễn xói lên năm tiếng, năm tiếng nữa rồi là cả một hồi ngũ liên rất nhanh, như hàng xóm có cướp, như đê sắp vỡ, như báo động khẩn cấp. Những tiếng trống nảy lửa. Rồi bác Nguyễn quăng roi chầu, lừ lừ đứng dậy, mặt càng đỏ lự, mắt không nhìn ai, bác nện cộp, cộp, cộp đế giày xuống sàn đá hoa và... đi thẳng, nghĩa là bác bỏ ra về... Về thẳng không cần chào hỏi, không cần bắt tay ai hết... Về thẳng!!!

Sáng hôm sau, tôi đến nhà bác Nguyễn ở phố Trần Hưng Đạo. Nhân tiện hỏi ý kiến bác về việc chúng tôi, nhà xuất bản Hội Nhà Văn, sắp tái bản Vang bóng một thời, tôi ngập ngừng hỏi bác về cái chuyện ca trù tối hôm qua. Bác nghiêm nét mặt như cảnh cáo tôi, cái cậu đàn em trong làng văn bó buộc phải làm anh quyền giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà Văn này:

- Từ nay, mày có định tổ chức cái gì mà có hát ca trù thì đừng có mời mấy cái thằng “nhóc” ấy nhé. Bà Phúc, ông Ban hát, phách, đàn như thế mà mấy thằng cứ ngả ngớn, cười đùa... như ở đầu chợ. Lần sau thế, mày có mời rã họng, tao cũng không đến. Tao sát phạt. Ừ thì hôm qua, cái roi của tao sát phạt chúng nó đấy.

Lúc đầu, tôi cũng cho rằng bác Nguyễn hơi khó tính, không thể tất cho một số anh em nhà văn trẻ không hề biết tí gì về nghệ thuật ca trù, nhưng sau nghĩ lại, tôi lại thấy đêm ấy bác Nguyễn gạt chén rượu, rồi mặt đỏ gay, nện những nhát roi chầu sát phạt rồi về thẳng là... rất có lý. Khi làm nghệ thuật, cũng như khi thưởng thức nghệ thuật, không thể đùa giỡn. Tiếng trống sát phạt của bác Nguyễn đêm ấy thật cũng xứng đáng cho những ai vô ý thức trước mọi biểu hiện tốt đẹp của đời sống văn hóa dân tộc.


(Trong
Nguyễn Tuân - người đi tìm cái đẹp, nxb. Văn Học, 1997)