Nguyễn Thái Bình, “Bức điện tín không gửi”

(Truyện này nhan đề là Bức điện tín không gửi. Vì lý do kỹ thuật, trong mục lục và trên đây, chúng tôi không in được đầy đủ nhan đề. Xin tác giả và bạn đọc thứ lỗi.)


Một người lính bước vào cổng Quân Y Viện. Dáng hắn đi hơi nghiêng về phía trái. Ánh nắng buổi chiều chiếu từ sau lưng hắn tạo thành cái bóng nhấp nhô theo từng bước chân. Hắn đang định đến thăm một người bạn được đưa vào điều trị ở bệnh viện này.

Buổi sáng hôm nay hắn phân vân rất lâu ngoài phố: Không biết mua cho người bạn món quà gì? Hắn không nhớ rõ trong đời mình đã từng mua quà cho ai chưa? Nếu có, bây giờ hắn cũng không còn nhớ được bất cứ chi tiết nào liên quan đến công việc như vậy. Hắn đi qua cửa hàng bán hoa, nhìn những bông hoa rực màu tươi thắm, những chiếc lá xanh ngắt lóng lánh những hạt nước bên trên trông như những viên kim cương nhỏ tuyệt vời. Một cô gái bán hoa mặc áo đầm trắng, ngồi ngã lưng trên chiếc ghế nệm dài màu đỏ, đôi mắt mơ màng như đang lắng nghe một đoạn nhạc buồn của Beethoven đang phát ra từ chiếc radio đặt trên bàn bên cạnh. Trong một thoáng hắn thấy mình chẳng còn liên hệ gì đến chiến tranh. Hắn mỉm cười với ý nghĩ trong lòng: Cảm ơn những bông hoa tươi thắm, cảm ơn cô gái bán hoa mặc áo đầm trắng, và cả đoạn nhạc buồn của Beethoven đã thật sự cho hắn những xúc động ấm áp, mà hắn nghĩ đã chết trong lòng mình từ lâu, lâu lắm rồi... Có nên mua một bó hoa cho thằng Thanh chăng? Hắn chối bỏ ngay ý định đó. Chắc chắn thằng Thanh chẳng thích thú gì với một bó hoa được mang đến từ tay hắn. Hai thằng đã sống những ngày tàn khốc trên chiến trường. Khi thằng này sẵn sàng cởi đôi giày cho thằng kia mang, còn mình bằng lòng đi chân không trên giây kẽm gai. Khi thằng này sẵn sàng cho thằng kia những giọt nước cuối cùng trong bình bi-đong, và mình sẽ uống nước tiểu sau đó. Trong tình bạn như vậy sự hiện diện của một bó hoa chỉ là hình ảnh kỳ cục và vô lý.

Hắn đốt một điếu thuốc, kéo một hơi dài, giữ khói lâu trong lồng ngực, rồi ngước mặt lên trời thổi mạnh khói ra, và tiếp tục bước đi thơ thẩn trên hè phố. Ði ngang qua một bức tường gần nhà hát bóng. Tình cờ hắn thấy bức hình của cô đào đã một thời lừng danh trên thế giới: Brigitte Bardot ngồi trên chiếc xe đạp, một chân co lên cao, chân còn lại duỗi thẳng bám những đầu ngón chân trên thảm cỏ xanh. “Ðây rồi!” Hắn reo lên mừng rỡ như vừa khám phá ra điều gì thích thú. “Thanh!” - Hắn nói thầm – “Tao sẽ mang đến cho mày người đàn bà đã từng làm điên đảo lắm tên đàn ông trên thế giới!”.

Hắn bước đến gần đưa tay rờ nhẹ cặp chân thon dài của giai nhân. Rồi tìm cách gỡ bức hình ra khỏi tường. Bức hình ở trên cao hơi quá tầm tay, hắn phải rướn người lên đứng thẳng trên những đầu ngón chân - Ban đầu hắn tưởng chỉ cần giật nhẹ bức hình sẽ bị bóc ra. Nhưng không dễ như vậy. Khốn nạn - hắn chưởi thầm - Tên khốn nạn nào đã dán chặt phần trên bức hình vào tường bằng loại keo quá chắc. Hắn loay hoay mãi tìm cách gỡ cho kỳ được bức hình mà không rách bất cứ một vết nhỏ nào. Hắn đi tìm một cái que thật nhỏ và thẳng,lồng cái que sau bức hình, rồi đưa nhẹ lên thật chậm. Hắn để ý từng ly, từng tí vào mỗi cử động. Hắn cẩn thận đến độ hắn nghĩ rằng trong quá khứ chưa từng bao giờ làm một việc gì cẩn thận đến như vậy, kể cả những việc tìm cách bảo vệ sinh mạng cho chính hắn trên chiến trường.

Thời gian trôi qua chậm chạp. Hai cánh tay hắn mỏi nhừ, một ít mồ hôi đã bắt đầu rịn ra trên trán mà phần trên của bức hình chỉ được gỡ ra không quá vài phân. Cái kết quả gặt hái được quá khó khăn và lâu lắc như thế này. Có lẽ sau khi gỡ được bức hình ra khỏi tường hắn sẽ từ từ ngã xuống và thiếp đi vì kiệt sức. Hắn bỗng đổ quạu, văng tục om sòm, đưa tay giật mạnh bức hình. Hắn gỡ ra được nửa người giai nhân kể từ cái rún trở xuống. Hắn cẩn thận xếp bức hình, bọc vào túi, rồi tìm phương tiện đến bệnh viện.

Người hắn gặp đầu tiên ở bệnh viện là một nữ y tá đang bước những bước chân vội vã trên một hành lang dài được lót bằng những viên gạch màu đỏ sậm.

- Thưa bà...

Người nữ y tá bị chận lại bất ngờ, người hơi ngã ra phía sau. Cái ngã người cố ý để làm căng bộ ngực mình lên phía trước. Bà đưa những móng dài màu đỏ của bàn tay phải vuốt lại những sợi tóc xòa xuống trước trán:

- Xin lỗi ông hỏi gì?

Hắn dụi điếu huốc vào gạt tàn gắn trên tường, rồi chậm chạp tiến lại gần người nữ y tá:

- Xin bà vui lòng chỉ hộ tôi văn phòng đi theo hướng nào?

- À, ông đi dọc theo đây - Người nữ y tá quay đầu lại, đưa ngón tay chỉ: Hết hành lang này ông quẹo phải, rồi quẹo phải một lần nữa ở ngã rẽ kế. Ông sẽ thấy ngay văn phòng với cửa màu trắng.

- Vâng, cám ơn bà.

- Không có chi.

Người nữ y tá bước đi mấy bước, rồi quay lại nói tiếp:

- Ông nhớ là cửa màu trắng nhé.

- Vâng, cảm ơn bà.

Hắn nói nhã nhặn và liếc mắt nhìn thân hình của nàng rung lên nhẹ nhàng theo bước đi. Thượng đế thật là một nhà tâm lý kỳ diệu - hắn ngh ĩ - Ngài đã bắt đàn ông chịu không biết bao nhiêu điều khổ cực trong mọi lãnh vực. Rồi tạo ra người đàn bà chứa trọn vẹn mọi sự hấp dẫn, để người đàn ông tiếp tục lao đầu vào những khổ cực mà trên miệng vẫn nở nụ cười. Không trách gì ông Adam đã đớp ngay trái cấm... Hắn mỉm cười với ý nghĩ của mình và đi chậm chạp hướng về phía văn phòng...

Người thư ký già ở văn phòng đang ngồi trên chiếc ghế có lưng dựa bằng da màu đen, đầu cuối xuống, đang cặm cụi viết cái gì đó vào quyển sổ dày màu đỏ.

- Vui lòng đợi vài phút.

Người thư ký già nói nhưng không ngẩng đầu lên. Hắn đứng yên lặng chắp hai tay sau lưng nhìn quanh văn phòng. Trên tường, sau lưng người thư ký già, treo môt bức hình bán thân của một giai nhân với bộ ngực trần. Trời! Lại một giai nhân! - Hắn than thầm - Giai nhân đã làm hắn mệt bở hơi tai từ sáng đến giờ. hắn không muốn mình có thêm bất cứ ý nghĩ nào liên quan tới giai nhân nữa. Hắn vội quay mặt nhìn ra cửa sổ. Hắn thấy một con chim nhỏ màu xanh đang chơi một trò chơi lạ: Con chim bay lên thật cao, rồi xếp cánh lại, cắm đẩu bổ nhào xuống. Khi đến gần những đọt cây con chim vội bung xoè cánh ra, bay ngược lên, rồi lại bổ nhào xuống. Con chim cứ chơi đi, chơi lại cái trò như vậy. Hắn đứng nhìn nó một cách thích thú. Nhưng không biết từ khi nào, hắn đã quay đầu lại nhìn sững vào bức hình của giai nhân. À, thì ra - hắn nghĩ - người đàn bà không mặc quần áo vẫn là hình ảnh nhiều lôi cuốn hơn là một con chim bay lên cao rồi lại cắm đầu xuống...

Người thư ký già bỏ cây viết vào giữa quyển sổ gấp lại, ngước lên nhìn người lính, rồi quay lại nhìn bức hình.

- Sao? Người thư ký già hỏi: Người đàn bà không mặc quần áo vẫn đúng là hình ảnh cho chúng ta nhiều xúc động dễ chịu chứ, ông nghĩ thế nào về điều đó?

- Chắc như vậy rồi, thưa ông. Ðó là vấn đề của sự thật.

Hắn mỉm cười trả lời người thư ký già, và nhìn sâu vào đôi mắt ông ta. Hắn thấy ở đó nhen nhúm lên một niềm vui lén lút. Nhưng hắn không có nhiều thì giờ để tìm hiểu rõ ràng nguyên nhân.

Người thư ký già đưa những ngón của bàn tay phải tháo chiếc kính cận ra khỏi khuôn mặt, rồi dụi mắt mình thật mạnh bằng những ngón của bàn tay trái. Ðôi mắt đảo qua đảo lại làm nổi rõ những sợi gân li ti màu đỏ trên tròng trắng.

- Bây giờ chúng ta hãy gác sự xúc động dễ chịu đó qua một bên. Tôi giúp gì cho ông đây?

- Vâng. Tôi muốn thăm một người bạn bị thương nhẹ ở đầu, được đưa vào điều trị ở bệnh viện này vào buổi sáng hôm nay.

“Ô!” Người thư ký già la nho nhỏ trong miệng như muốn chứng tỏ cùng người lính, và cả chính mình nữa: Ðó là công việc giản dị mà ông ta vẫn làm hàng ngày.

- Ông vui lòng cho biết tên họ, cấp bực, đơn vị của người bạn ông.

- Vâng. Người bạn tôi tên Ðoàn Thanh, binh nhất, đại đội 11, tiểu đoàn 3, trung đoàn 9, sư đoàn 5 bộ binh... ông cần số quân?

- Cần.

Hắn móc một mảnh giấy từ trong túi có ghi những con số.

- 70-147155.

Người thư ký già lật vài trang giấy, đưa đầu cây viết chì dọc theo những hàng chữ, mắt nheo lại, thỉnh thoảng khịt khịt ở mũi. Bỗng ông cúi sát đầu xuống như cố gắng xem rõ một cái gì, rồi bật ngã người ra thành ghế nhìn đăm đăm vào mặt hắn.

- Gì vậy ông?

- ...

- Gì vậy ông?

Người thư ký già không trả lởi ngay. Ông lắc lư cái đầu qua lại, hít một hơi dài thở mạnh ra trước khi nói:

- Bạn ông đã chết lúc 2 giờ 15 chiều hôm nay.

“Chết!” Hắn la lên một tiếng đứt quãng như có vật gì kẹt giữ cuống họng. Với thái độ hoảng hốt, kinh hãi, hắn chồm người tới, dằn tay lên quyển sổ:

- Ðiều này không thể là sự thật được. Bạn tôi bị thương rất nhẹ ở đầu. Tôi còn đưa cho hắn một điếu thuốc hút trước khi hắn bước lên xe cứu thương. Hắn không cần bất cứ một người nào nâng đỡ khi bước lên xe cả.

Người thư ký già lấy cái khăn ra bao quanh miệng, hắt hơi mấy cái, rồi cẩn thận xếp cái khăn làm tư, nghiêng người qua bên trái để đẩy sâu cái khăn vào túi quần bên phải. Quay qua người lính, ông nói:

- Ông biết bị thương ở đầu nguy hiểm lắm không? Trước đây vài hôm một quân nhân bị thương ở đầu được đưa vào đây điều trị. Anh ta nói đủ thứ chuyện với những người chung quanh: về thời tiết, chiến trường, về những câu chuyện tình đầy thơ mộng, kể cả những chuyện khôi hài liên quan đến tình dục. Anh ta bước tới bước lui trong phòng, cười hô hố. Làm như chưa bao giờ anh ta thấy mình khoẻ mạnh và yêu đời đến như vậy. Nhưng vài giờ sau bỗng ngã đùng ra chết. Có trời mà biết được!

Ông ta tiếp tục lẩm bẩm nhiều lần trong miệng. Rồi để chứng minh cho lời nói của mình, ông đưa tay rờ trước trán, sau gáy, vò quanh đầu, luồn những ngón tay vào trong tóc như tìm kiếm môt cái gì. Ông tiếp:

- Biết bao nhiêu bộ phận và những sợi dây thần kinh quan trọng trên đầu, chỉ cần trục trặc một chút xíu gì đó... à, à... chỉ cần trục trặc một cái gì đó là tiêu.

Người lính chẳng chú ý gì đến những nhận xét của người thư ký già. Hắn đứng chết lặng với tâm trí tê buốt, mồ hôi vã ra hai bên thái dương chảy ròng xuống má. Hắn nhích người qua bên một bước, và cảm thấy như toàn thân hắn sắp đổ nhào trên sàn nhà.

- Tôi có thể thăm xác người bạn của tôi ở đâu?

- Vâng. Ông có thể đến nhà xác. Chúng tôi giữ xác chết ở đó một thời gian, và sẽ cấp báo cho thân nhân của đương sự bằng công điện.

Ông kéo tay người lính ra khỏi văn phòng, chỉ tay về phía trước:

- Ông đi thẳng hướng nay, rồi quẹo phải, hết hành lang đó, xuống mấy bậc cấp, ông sẽ thấy ngay căn nhà nhỏ ở cuối vườn. Xác người bạn ông được giữ ở đó... à, mà này! ông có địa chỉ thân nhân của người bạn ông chứ?

- Vâng. Tôi có. Tôi là người quen rất thân của gia đình hắn. Cha hắn đã chết. Anh hắn cũng đã tử trận cách đây hai tháng. Hắn chỉ còn mỗi một bà mẹ. Không biết mẹ hắn sẽ sống như thế nào khi hai đứa con của mình lần lượt chết trong môt thời gian ngắn.

Người thư ký già như muốn chia xẻ nỗi buồn đó. Ông vỗ vai người lính.

- Thật là nỗi buồn lớn lao. Loài người vẫn là sinh vật nhận chịu nhiều nỗi đau buồn nhất trên trái đất này mà!

Rồi như bằng lòng với câu nói đầy triết lý của mình, ông thọc sâu hai tay vào túi quần, đầu gục gặc nhẹ, môi dưới hơi trề ra một chút.

- Theo tôi... ông nói tiếp. Ông nên đánh một bức điện tín dân sự báo tin cho mẹ người bạn của ông sớm vài ngày. Công điện của quân đội đi rất chậm.

- Vâng, cảm ơn lời khuyên của ông. Tôi sẽ làm điều đó.

Hắn chào người thư ký giả, rồi lảo đảo đi dọc theo hành lang. Buổi chiều đổ ánh nắng trên những tường vôi trắng, hàng cây đong đưa nhẹ nhàng trong gió. Tất cả im lặng, hoang vắng, và buồn bã...

Người bạn hắn đang nằm trên chiếc băng-ca cũ, đầu quấn băng trắng, loang lổ những vết máu đã sậm màu đen đặc. Những vết máu loang ra từng vết nhỏ đã khô cứng trên lớp vải băng-ca dưới nhiệt độ lạnh buốt của căn nhà xác.

Hắn bước lại gần quì xuống, nhìn sững vào khuôn mặt người bạn. “Thanh!... Thanh!” Hắn cất tiếng gọi qua hai hàm răng cắn chặt như những tiếng nấc thoát ra từ trong cuống họng. Chứa đựng trong tiếng gọi nhẹ nhàng đó là sự đau khổ tột cùng. Hắn thì thầm nói tiếp: “Mày nằm đây sao Thanh! Mày có biết tao đang quì bên cạnh mày không!” Khuôn mặt Thanh bất động, làn da xanh mét, hai mí mắt khép hờ để lộ tròng mắt đục ngầu như tròng mắt của một con cá chết. Qua kẻ hở cặp môi hắn nhìn thấy những cái răng cửa của Thanh trắng bóng. Hình ảnh quen thuộc đã có trong lòng hắn từ lâu... lâu lắm rồi. “Tao không thể nào tưởng tượng được... Tao không thể nào ngờ chiều hôm nay tao gặp mày trong căn nhà xác lạnh buốt này.” Cái gì mà mày chết dễ như một trò chơi. Ngay chiều hôm qua hai thằng còn ngồi trên những bao cát của căn hầm phòng thủ. Mày bảo: Có một vài bất đồng ý kiến với người bạn gái. Mày hy vọng hơn một tháng nữa có phép về mày sẽ gặp và nói chuyện với nàng, chắc chắn nàng sẽ hiểu mày hơn. Mày hoàn toàn tự tin: Khi cả hai yêu nhau tha thiết. Khi cả hai cùng biết rõ họ sẽ sống rất khó khăn khi chuyện tình tan vỡ. Khi mà người này khó lòng vui được trong bất cứ hoàn cảnh nào (thiếu chữ) người kia. À, thì những bất đồng ý kiến - Mày tiếp - những bất đồng ý kiến dù quan trọng đến đâu chăng nữa cũng không phải là một bức tường thép không thể vượt qua. Bằng ngược lại... Nói đến đây mày đã gọi tên tao và cười khoái chí như vừa tìm ra một triết lý vô cùng quan trọng trong tình yêu mà loài người chưa từng đề cập đến. Mày vẽ thêm những hình ảnh tuyệt vời khác: Mày sẽ đưa nàng đi dọc theo bờ hồ có nắng vàng, có gió lộng, có mặt nước long lanh với những con sóng nhỏ. Rồi mày phàn nàn đã quá lâu kể từ ngày ra chiến trường mày không có thì giờ nhìn ngắm và yêu một buổi chiều - Nhưng tao sẽ, tao sẽ trong lần về phép tới - Mày la lên với niềm vui trong mắt. Mày nối tiếp giấc mơ tuyệt vời với giọng trầm xuống - Tao sẽ ôm nàng đứng lại dưới tàng cây với những chiếc lá rũ ngang đầu. Một ít nắng vàng rớt trên tóc nàng. Cả hai hoàn toàn im lặng, lắng nghe tiếng gió lướt trên mặt hồ xanh màu nước. Tao sẽ cho nàng biết khi hòa bình trở lại cả hai sẽ làm đám cưới ở ngôi nhà thờ nhỏ sau nhà nàng, trên một ngọn đồi. Cả hai sẽ có một ngôi nhà xinh xắn bên kia ngọn đồi, gần một con suối êm đềm. Cả hai sẽ có những đứa con ngoan. Và những buổi chiều đi bộ đến trường đón con đi học về. Và tao sẽ cho nàng biết còn biết bao nhiêu hạnh phúc nữa chờ đón hai đứa mình khi đất nước hoà bình trở lại, và nàng sẽ không còn những đêm thao thức lắng nghe tiếng đại bác từ xa vọng về mà khắc khoải, lo âu cho người yêu của mình nơi chiến địa. Rồi tao sẽ ôm siết nàng vào lòng dể truyền đạt cho nàng cái niềm tin mãnh liệt đó. Nàng từ từ gục xuống vai tao và khóc trong hạnh phúc - Nói đến đó đôi mắt mày mơ màng tìm cách giải thích sự kiện: - Khi hạnh phúc ở một độ quá cao thì con người ta bắt đầu khóc. Khóc như chối bỏ tất cả những cái gì chung quanh mình, để tâm hồn mình chỉ còn lại mỗi một điều: tận hưởng tận cùng cái hạnh phúc đó.

“Trời!” Tao đã la lên khi mày nói đến đó. Tao không bao giờ ngờ có một người bạn có tâm hồn hay đẹp đến vậy mà mình chưa từng bao giờ khám phá ra. Ngay lúc đó tao nghĩ: Có lẽ chiến tranh đã nuôi dưỡng, tưới bón tâm hồn mày, đẩy tâm hồn mày vào những mơ mộng tuyệt vời, để mày còn đủ nghị lực sống những ngày dài trên chiến trường, và chống trả lại những hình ảnh đau buồn của chiến tranh.

“Thanh! Ðó là tất cả câu chuyện cuối cùng giữa tao và mày mà tao còn nhớ. Bây giờ thì mọi việc đã khác. Mày chẳng còn làm được gì ngoại trừ một điều: mang tâm hồn tuyệt vời qua bên kia thế giới... Thanh! Thượng đế sẽ săn sóc và an ủi mày, tao hy vọng vậy.” Hắn cất tiếng nói, âm thanh như tắc nghẽn giữa cuống họng. Một giọt nước mắt tràn ra khỏi mi lăn dài xuống má, nhưng khuôn mặt hắn lạnh ngắt. “Tao nghĩ không có điều gì cần nói với mày nữa. Bởi vì tao và mày nhiều lần hiểu nhau mà không cần nói một lời nào.”

Hắn lục túi, lôi ra cặp giò của Brigitte Bardot, cúi xuống đặt nhẹ giữa ngực người bạn: “Ðây là món quà đầu tiên, và cũng là món quà cuối cùng tao cho mày. Bình yên bên kia thế giới nghe Thanh!”> Hắn đưa tay rờ nhẹ tay người bạn, rồi siết chặt. Bàn tay người bạn lạnh ngắt. “Tao sẽ đánh điện tín cho má mày ngay vào chiều hôm nay...”



Ra khỏi bệnh viện, hắn đi đến nhà dây thép. Người nữ nhân viên nhà dây thép đang ngồi giũa móng tay với cái giũa nhỏ cán ngà. Hắn hỏi xin một mẫu giấy điện tín, vội vã viết: Tên, họ địa chỉ người nhận, người gởi. Phần nội dung: “Thanh đã chết.” Hắn lật qua lật lại mẫu giấy điện tín xem xét cẩn thận như một vật gì quái lạ mà hắn chưa từng bao giờ thấy trong đời.

“Thanh đã chết.” Ba chữ này có khác gì lưỡi dao sắc nhọn đâm suốt lòng ngực của người mẹ đang mong tin con của mình từ chiến trường. Tự nhiên trước mắt hắn một hình ảnh lờ mờ hiện ra: Mẹ Thanh từ từ ngã quị xuống trước thềm nhà với mẫu giấy điện tín trên tay, và người nhân viên đưa tin đang băng qua sân cỏ rộng trước nhà tiến ra đường. Qua hình ảnh đó hắn cảm thấy như chính mình là kẻ đã mang lại nỗi đau khổ cho mẹ người bạn. Hắn xé mẫu giấy điện tín đi, xin một tờ khác. Hắn phân vân mãi: Không biết dùng lời lẽ báo tin như thế nào, thêm vào những lời an ủi như thế nào!?...

Người nữ nhân viên nhà giây thép đưa mắt nhìn hắn dò hỏi, rồi để cái giũa xuống bàn, tiến lại gần hắn:

- Không có gì khó khăn. Ông viết tên họ, địa chỉ người nhận, người gởi. Phần nội dung ông viết bất cứ điều gì ông muốn.

- Ồ! Cảm ơn bà. Tôi biết cách sử dụng mẫu giấy điện tín này. Nhưng tôi không biết dùng lời lẽ báo tin an ủi như thế nào để giảm sự xúc động của người mẹ khi hay tin con mình đã chết.

- Á, à... vấn đề là như vậy!?

Người nữ nhân viên đưa hai tay lên trời trong dáng điệu bất lực.

Hắn đứng một lúc lâu, đốt điếu thuốc hút mấy hơi, chống viết vào giữa mẫu giấy điện tín, suy nghĩ: Tốt hơn nên để bà ta nhận công điện của quân đội trễ vài ngày. Sự đau khổ đến sớm vài ngày có lẽ là điều không cần thiết!

Với ý nghĩ đó, hắn xé nát mẫu giấy điện tín vứt vào sọt rác, mở cửa bước ra đường. Ánh nắng buổi chiều chiếu vào mắt hắn màu vàng kỳ lạ.


Allendale, Michigan 79