Khi Ôn Đình Quân làm thơ thì nước Sở mất đã hơn một ngàn năm, thế mà vẫn còn “núi Sở” nào đó nơi người địa phương còn đánh “trống đồng cầu cúng thần”! Có phải trống đồng là văn vật phi Hoa hay gặp nhất trong văn chương Tàu? (Thu Tứ)



Trần Quốc Vượng, “Trống đồng trong thơ Tàu”




Dưới đây xin trích (mấy câu trong) thơ Đường có nói đến trống đồng (...)

Bồ Tát Man Từ của Tôn Quang Hiến:

Mộc miên hoa ánh tùng từ tiểu
Việt cầm thanh lý xuân quang hiểu
Đồng cổ dữ Man ca
Nam nhân kỳ trại đa


(Ngôi đền nhỏ trong bụi cây tỏa ánh hoa mộc miên
Trong tiếng hót chim Việt thấy ánh sáng ban mai mùa xuân
Trống đồng và bài hát Man
Người Nam cầu cúng nhiều)

Bài không biết tên của Đỗ Mục:

Đằng các trung xuân ý tịch khai
Thác chi Man cổ ân tình lôi


(Mùa xuân, trải chiếu gấm giữa gác Đằng
Qua lá cành tiếng trống Man hòa trong tiếng sấm)

Độc Thần Từ của Ôn Đình Quân:

Đồng cổ trại thần lai
Mãn đình phan cái bồi hồi
Thủy đối giang phố quá phong lôi
Sở sơn như họa yên khai


(Trống đồng cầu cúng thần
Đầy sân cờ lọng bồi hồi
Gió sấm lướt trên mặt nước bến sông
Khói mây mờ núi Sở như tranh vẽ)

Tống Khách Nam Quy Thi của Hứa Hồn:

Ngõa môn lưu hải khách
Đồng cổ tại giang thần


(Chén sành lưu khách biển
Trống đồng cúng thần sông)


(Trần Quốc Vượng,
Trong cõi, 1993)