Bịn rịn lúc tiễn đưa, lo lắng khi về đến nhà, bây giờ mới bắt đầu than thở. Trời hỡi, “chàng phong lưu đương chừng niên thiếu”, “thiếp” cũng đang vào “lứa thiếu niên”, đôi bên đã “sánh nhau cùng dan díu chữ duyên”, thế mà “nỡ nào đôi lứa thiếu niên / quan sơn để cách hàn huyên cho đành”! Khi lấy chàng, “thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ”, chỉ “những mong cá nước vui vầy”, ai ngờ chưa được bao lâu thì đã “đôi ngả nước mây cách vời”… Cái hoàn cảnh “thiếp trong cánh cửa chàng ngoài chân mây” tuy đại khái rất dễ được tất cả xung quanh chia sẻ, nhưng đi sâu vào tình cảm hai người thì “nỗi lòng biết ngỏ cùng ai”, cho nên lẽ tất nhiên một “người thôi sớm thôi hôm những sầu”...(Thu Tứ)



Đ.T. Điểm / P.H. Ích, Chinh phụ (c. 109-124)




Áng công danh trăm đường rộn rã (109)
Những nhọc nhằn nào đã nghỉ ngơi
Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai
Thiếp trong cánh cửa chàng ngoài chân mây.

Trong cửa này đã đành phận thiếp (113)
Ngoài mây kia há kiếp chàng vay
Những mong cá nước vui vầy
Nào ngờ đôi ngả nước mây cách vời.

Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ (117)
Chàng há từng học lũ vương tôn
Cớ sao cách trở nước non
Khiến người thôi sớm thôi hôm những sầu.

Chàng phong lưu đương chừng niên thiếu (121)
Sánh nhau cùng dan díu chữ duyên
Nỡ nào đôi lứa thiếu niên
Quan sơn để cách hàn huyên cho đành.