Cái ý nên đón đánh Toa Đô thiết tưởng không phải là ý Trần Nhân Tông, mà là ý Trần Hưng Đạo. Tại sao phải mượn... miệng vua? Bởi tuy là “Tiết chế thống lĩnh chư quân” nhưng Trần Hưng Đạo không tiện trực tiếp chỉ huy chẳng hạn, Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật. Cả hai đều là em Thượng hoàng, chú vua. Riêng Trần Quang Khải lại còn không ưa THĐ. Để ý “Quốc Tuấn xin sai Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật chia quân chặn các ngả đường...”.

Hình như sau khi vua tránh giặc chạy vào Thanh Hóa, Trần Hưng Đạo luôn ở bên vua. Rồi cứ hễ đi đánh đâu là Tiết chế lại rước vua đi theo. Tại sao phải “kè kè”? Thiết tưởng bởi: Thứ nhất, để kịp thời xin vua... chặt đầu mình, mỗi khi Trần Nhân Tông nổi Phật tính muốn hàng. Thứ hai, như nói trên, có vua thì mới chỉ huy được một số tướng lĩnh có vai cao trong hoàng tộc. Ngoài ra, có vua ra trận, quân sẽ hăng hái hơn.

Chỉ nửa năm mà tình thế xoay chuyển ngược hẳn lại. Nếu hồi đầu năm đã hàng giặc, thì tháng 6 đâu có chuyện giết được Toa Đô, bắt Thoát Hoan phải chui vào thùng đồng đào tẩu! Toa Đô từ Ô Rí kéo ra Bắc tưởng sẽ oanh liệt, nào ngờ... Mấy năm vất vả kết thúc bằng rơi đầu, tên đại tướng Mông Cổ này số thật đen!

Thua mà không sợ, mà quả quyết rồi sẽ thắng, là “Đức Thánh Trần”.

(Để ý quân ta phản công dữ dội chắc chắn là nhờ còn rất mạnh. Tức khi thua lúc đầu, đã không thua to. Tức đã không đánh to. Trần Hưng Đạo cố ý né, đợi giặc yếu mới đánh, theo đúng binh pháp và kinh nghiệm gần 30 năm trước.)

(Thu Tứ)



Đào Duy Anh, “Chống Mông Cổ” (4)




Bấy giờ tất cả Bắc bộ, miền Nghệ An và một phần miền Thanh Hóa đều bị quân Nguyên chiếm cứ. Nhưng giặc chỉ có thể đóng giữ những địa điểm trọng yếu. Chúng đặc biệt chú trọng các đường sông lớn. Ngoài Thăng Long và Vạn Kiếp, Thoát Hoan còn chia chiến thuyền đóng ở các bến lớn trên sông Hồng suốt từ Thăng Long đến Đại Hoàng. Để giữ liên lạc giữa các địa điểm đóng quân với chính quốc, Thoát Hoan lại giao cho bọn Lý Bang Hiến và Lưu Thế Anh cứ ba mươi dặm lập một trại, sáu mươi dặm lập một trạm, và đóng quân ở ba trăm trấn (?) để canh phòng.

Tuy nhiên, về phía ta trong khi triều đình phải lui quân chủ lực như vậy thì tại các địa phương ở miền núi cũng như ở đồng bằng, các tù trưởng và các thổ hào vẫn ở lại để đốc suất dân quân bảo vệ địa phương, khiến giặc không thể tự do hoành hành. Ví như khi du binh Mông Cổ tiến lên huyện Phù Ninh (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) thì phụ đạo huyện ấy là Ma Đặc đem dân quân đánh đuổi, giặc phải rút lui vội qua sông Thao để trở về xuôi. Lại như việc các thổ hào ở trại Ma Lục (Bắc Giang ngày nay) là Nguyễn Thế Lộc và Nguyễn Lĩnh theo lệnh của Hưng Đạo vương đem dân binh đón đánh quân Mông Cổ hộ tống Việt gian Trần Kiện về Trung Quốc, giết được Trần Kiện ở ải Chi Lăng. Xung quanh những nơi giặc chiếm, nhân dân lại thường làm chước vườn không nhà trống mà bỏ trốn đi nơi khác, cho nên chúng khó lòng cướp bóc lương thực. Lê Tắc (tác giả An Nam chí lược) là tên Việt gian bộ hạ của Trần Kiện cũng phải nhận rằng: “Cả nước chống giặc”. Hình thức chiến tranh nhân dân làm cho quân giặc rất khốn khổ.

Quân Toa Đô gặp sự kháng cự kịch liệt của quân Trần Quang Khải ở Thanh Hóa, bèn kéo thẳng ra Bắc để hội với quân Thoát Hoan và đóng ở Tây Kết trên sông Hồng. Trần Nhân Tông bàn với bầy tôi rằng: “Quân giặc từ xa đến đánh (chỉ việc Toa Đô từ miền Ô Rí kéo ra đánh Nghệ Thanh), đánh không được nên phải bỏ đi. Nay nhân chúng mỏi mệt, ta dùng kế dĩ dật đãi lao, đoạt trước khí thế của chúng, chắc là phá được”. Bèn sai Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, Chiêu Thành vương (không rõ tên), Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản cùng tướng quân Nguyễn Khoái đem quân tinh nhuệ ra đón đánh Toa Đô. Quân ta đại thắng ở Hàm Tử quan (thuộc huyện Đông Yên, tỉnh Hưng Yên). Toa Đô phải lui quân về phía cửa Thiên Trường (cửa sông Hồng). Bấy giờ là tháng 5 năm 1285. Được tin thắng trận, triều đình lại bàn nên thừa thế quân Nguyên mới thua đang núng chí, phát đại quân tiến đánh quân Thoát Hoan để thu phục kinh thành. Trần Quang Khải được cử thống suất đại quân tiến về Thăng Long. Đồng thời Quốc Tuấn rước hai vua tiến quân từ thượng du Thanh Hóa ra Bắc, đánh bại quân Nguyên ở Trường An vào khoảng đầu tháng 6, rồi tiến xuống miền đồng bằng Bắc bộ. Dân quân các lộ mấy lâu tiếp tục kháng chiến ở địch hậu, bấy giờ phối hợp với quân chủ lực do các tướng Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp cùng em là Nguyễn Truyện suất lĩnh, tất cả đi theo Trần Quang Khải, có Trần Quốc Toản và Phạm Ngũ Lão trợ chiến, tiến đánh rất hăng vào thủy trại giặc ở bến Chương Dương (huyện Thường Tín). Quân giặc tan chạy. Quân ta đuổi theo đến chân thành Thăng Long mới hạ trại. Thoát Hoan dẫn đại binh ra, nhưng bị phục binh của ta đánh úp, phải bỏ thành chạy, lui giữ miền Bắc Giang (tức Bắc Ninh ngày nay).

Nguyên sử chép rằng: “Quan quân (tức quân Nguyên) họp chư tướng bàn rằng: người Giao Chỉ cự địch, tuy quan quân đánh tan nhiều lần, nhưng số binh của họ lại tăng nhiều thêm, quan quân khốn đốn túng thiếu cùng tử thương cũng nhiều. Binh mã Mông Cổ cũng không thi thố được sở trường, bèn bỏ kinh thành, qua sông sang bờ phía bắc”.

Thế là quân ta khôi phục được Thăng Long. Bấy giờ là tháng 6 năm 1285.

Quân Toa Đô đóng ở hạ lưu sông Hồng, quân Thoát Hoan đóng ở Bắc Giang, hai bên cách nhau hơn hai trăm dặm. Quốc Tuấn xin sai Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật chia quân chặn các ngả đường không cho hai cánh quân giặc liên lạc với nhau, rồi tự mình xuất đại binh định đánh Toa Đô trước rồi quay qua đánh Thoát Hoan. Quốc Tuấn rước vua cùng Thượng hoàng tiến binh đến gần trại giặc ở Tây Kết (thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên ngày nay), chia quân đánh trại và đặt phục binh để bắt Toa Đô. Quân giặc đại bại. Toa Đô bị phục binh ta giết chết, còn Ô Mã Nhi thì chạy ra biển, xuống một chiếc thuyền nhỏ trốn thoát về nước. Quân Nguyên bị bắt có đến mấy vạn người.

Quốc Tuấn lại kéo đại binh lên vùng Bắc Giang để đánh Thoát Hoan. Nghe tin Toa Đô tử trận, tướng sĩ Nguyên hết sức ngã lòng. Lại đương mùa hè, trời khi nắng khi mưa, quân giặc không quen thời tiết, sinh đau ốm rất nhiều. Thêm cái nạn thiếu lương đe dọa. Vì thế Thoát Hoan có ý lui binh. Dò biết tin tức, Quốc Tuấn sai Nguyễn Khoái và Phạm Ngũ Lão đem ba vạn quân lẻn đi đường núi, mai phục ở hai bên rừng sậy trên bờ sông phía trên Vạn Kiếp, lại sai hai con là Hưng Vũ vương Nghiễn và Hưng Hiếu vương Úy, đem ba vạn quân theo mặt Quảng Yên lên chặn ngả đường sang phủ Tư Minh, còn tự mình thì tiến công thẳng vào đại binh của giặc. Thoát Hoan phải lui binh.

Hưng Đạo vương cùng Hưng Minh vương (?) đem quân đuổi theo riết. Giặc đến sông Như Nguyệt (sông Cầu), lại gặp quân Hoài Văn hầu đón đánh. Đến sông Nam Sách (sông Thương, phía trên Vạn Kiếp), quân giặc làm cầu phao để qua sông. Quân của Đường Ngột Thai chưa kịp qua thì phục binh ở trong rừng đổ ra đánh, quân giặc chết đuối rất nhiều.

Tỳ tướng là Lý Hằng hộ vệ Thoát Hoan chạy về Tư Minh. Quân ta dùng tên thuốc độc bắn chết Lý Hằng. Tỳ tướng Lý Quán thu dư binh, giấu Thoát Hoan vào một cái thùng đồng để chạy, Hưng Vũ vương đuổi theo. Quân ta lại dùng tên độc để bắn chết Lý Quán. Thoát Hoan chạy thoát về Tư Minh. Thế là từ tháng 5 đến tháng 7, trong vòng ba tháng, quân ta đã đánh tan tành hai đạo quân lớn của Nguyên, gồm mấy chục vạn.

Sau cuộc đại thắng, triều đình trở về Thăng Long.


(Trích Đào Duy Anh,
Lịch sử Việt Nam, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 2002. Sách này viết lần đầu năm 1949, in dưới tên Việt Nam lịch sử giáo trình, viết lại năm 1952, lại viết lại năm 1954, xuất bản dưới tên LSVN năm 1955, đến năm 1957 tái bản sau khi sửa chữa bổ khuyết. Tức sách đã được viết đi viết lại tới bốn lần!)