Đa cảm đến thế là cùng!

Ngắm hoa tím lá vàng mà “say sưa như ngắm người yêu dấu”! (Tuy yêu đó chỉ là “như khi gặp người đẹp qua đường (...) ta đứng lại trông theo”.)

Mới tí hoa tí lá đã ngẩn ngơ, thì khi dưới “trời xanh như ngọc, nắng vàng, mây trắng”, lại có “gió cứ lúc lúc lại thổi rạp những mảnh ruộng lúa ba trăng như sóng lượn... trong gió có mùi cốm thơm... và (...) giọng hát ví uốn éo bay bổng của mấy cô thợ làm cỏ lúa”, dĩ nhiên “còn gì nữa mà tôi chẳng say” tít, đến thấy “phải cởi trần ra mới được”, đến nỗi suýt buột miệng gọi cái “tà áo trắng phất phơ” bên cạnh là “em”!...

Nhưng “nhạc hồn tôi lên bất chừng” thì xuống cũng không có chừng. Mới sáng trưa vui như “điên” đấy, đến chiều “trong lòng (...) đã có một đám mây u ám”, chỉ vì “bản đàn du dương (...) nhà tài tử đã chơi sai vài âm điệu”.

Này, “chị” có thể không đơn giản lắm đâu, có thể đã hiểu hết cả những lời “bóng gió xa xôi” của “tôi”, nhưng chỉ vì không “điên” tí nào, nên không đáp.

Chia tay. “Lúc đến bên gốc hoàng lan, tôi đứng lại nhìn lên chậm rãi nói:

- Hoa hoàng lan...

- Phải, hoa hoàng lan.

Chị nhắc lại nhẹ như một hơi thở.”

Không, “chị” sẽ không “mỗi mùa lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương” đâu.(1) Nhưng có thể mùa thu sang năm, nếu chưa lấy chồng, “chị” sẽ có lúc chợt “mong
người điên trở về cùng gió lạnh, đem lại một chút vui xa...”.

(Thu Tứ)

(1) Câu chót trong Dưới Bóng Hoàng Lan của Thạch Lam.



Đỗ Tốn, “Điệu thu ca” (2)



Một lúc sau chị bước ra cùng tôi thủng thẳng đi về... đi được mấy bước thì chị giơ bó hoa ra trước mặt tôi hỏi:

- Đẹp không?

- Đẹp!... Đẹp lắm!...

Chị đẹp thật, lúc bấy giờ má chị ửng hồng. Không biết vì ánh hoa phản chiếu, hay vì gió thu, hay vì sung sướng, nhưng mắt chị sáng ngời như là tất cả ánh sáng trên vòm cây lay động trước gió kia đã phản chiếu vào đáy mắt chị. Tôi quay đi mỉm cười với ý nghĩ tôi đã mượn câu trả lời để khen chị đẹp mà chị không biết – mà biết đâu chị chả biết – nhưng thấy tôi cười chị cũng cười hỏi:

- Anh cười gì thế anh Huân?

- Tôi cười vì tôi vừa nghĩ đến những cái bóng gió xa xôi ở đời... đẹp lắm, đẹp lắm!

Chẳng biết chị có nghe những lời tôi nói và có hiểu gì không; tôi thấy chị thản nhiên đưa tay lên vuốt mấy sợi tóc mai mà ngọn gió cứ vô tình chòng ghẹo. Muốn đưa sang chuyện khác, tôi liền giữ chị đứng lại rồi vạch bó hoa đưa tay chọn một bông xinh thắm, mầu tím ngắt – tôi yêu cái mầu tím ấy quá, tôi giơ lên cao rồi giơ ra xa xa ngắm – Thấy thế chị cười trêu:

- Đẹp lắm rồi... mang về mà tặng cô bạn...

Tôi cười nhìn chị! – Lúc ấy bao loài chim cùng đàn sáo mun vẫn nhộn nhàng ríu rít trong những ngọn cây xa..., vạn vật như tưng bừng rộn rịp đón tôi về. Câu chuyện giữa chúng tôi đã dần dần trở nên thân mật. Trong khi chị cắm hoa vào bình, thì tôi rót nước lã vào chiếc cốc, cắm hoa vào đó, rồi đem về buồng đặt trên bàn. Bông hoa như có hồn, tôi say sưa ngắm như ngắm người yêu dấu... Mầu thắm làm tôi xúc động... Tôi thấy tôi yêu như khi gặp người đẹp qua đường mà ta đứng lại trông theo – nhạc hồn tôi lên bất chừng – Vừa lúc ấy có tiếng chị gọi ở ngoài sân làm tôi vội chạy ra; chị đứng tươi cười nói:

- Ta đi thôi chứ.

Đầu đội một chiếc nón nhẹ, chị bận quần áo toàn trắng mà ngọn gió lẳng lơ thổi bạt về một phía, in hẳn lên tấm thân đều đặn. Gió thổi mạnh, tóc tôi xõa cả xuống trán...

Lúc đi qua vườn, từ cây hoàng lan một chiếc lá vàng từ từ lượn rơi xuống nằm trên mặt đất trải đầy bóng nắng lay động, tôi cúi nhặt mân mê trong tay lơ đãng. Ra đến ngoài cổng, trên con đường quê nhiều người gồng gánh cùng đi về một phía như chúng tôi, tiếng họ cười nói huyên náo trong không; những tà áo nâu non lại non hơn vì ánh mặt trời, phất phơ trên nền lúa xanh – nhưng đẹp nhất là tà áo phin trắng của chị, sáng lên dưới ánh nắng thu, gió đánh bạt tung nhiều lúc quấn cả lấy chân tôi – và gió thổi... một tay chị phải giữ lấy quai nón trong khi cùng tôi vui cười giòn chuyện trên con đường quê. Có một lúc chúng tôi đi rẽ xuống, lối tắt theo bờ ruộng, chị cầm nón đập chơi vào những bông lúa nghe rào rào làm châu chấu từng đàn lũ lượt tản mác bay, có con đậu cả lên áo, lên mặt...

Gió cứ lúc lúc lại thổi rạp những mảnh ruộng lúa ba trăng như sóng lượn... trong gió có cả mùi cốm thơm... và gió không quên mang theo giọng hát ví uốn éo bay bổng của mấy cô thợ làm cỏ lúa ngoài xa...

Tôi nhìn chị:

- Chị có thấy tà áo trắng phất phơ bay trước gió thơm mùi lá lúa thế này là đẹp không?...

... Miệng hé tươi, chị mơ màng không trả lời; giữa lúc ấy có mấy người con gái cào cỏ ruộng bên đường nhìn chúng tôi rồi khúc khích cười làm trong một giây tôi thoáng tưởng đến những cặp vợ chồng son vui thú. Chợt tôi hỏi:

- Chị có thích giọng hát ru em không?

- Thích vừa thôi...

- Sao lại “vừa thôi”? Tôi thì tôi thích lắm, tôi mê nữa..., cũng như giọng hát ví kia, thật là bay bổng. Tôi thường gọi những giọng đó là hồn quê hương chị ạ, tôi nghe không chán, tôi thích hơn tất cả những điệu hát Tây phương..., nếu mang bất cứ bản nhạc nào trên hoàn cầu này đổi lấy giọng ru em của ta tôi cũng không đổi! Lắm lúc tôi đâm ghét những cô gái ở tỉnh thành quá: họ chỉ biết hát các bài nhạc cải cách thôi, khi hỏi đến những giọng hồn nước giang sơn gấm vóc của mình thì họ thản nhiên không biết, cũng như họ chưa bao giờ biết đến những cái đẹp cái hay của mình!... Có thể thế được không nhỉ!...

... Tôi cau mày rồi chậm rãi tiếp:

- Tôi chỉ lo một ngày kia trên những chuyến đò người ta chỉ còn nghe thấy những bài nhạc cải cách thôi!... chắc lúc ấy tôi sẽ nhớ giọng xẩm như nhớ giọng người bạn tâm sự cũ – Nhưng không! Không, giọng xẩm không thể chết được, trong đó đã có một tiếng gọi, một linh hồn..., mỗi lần nghe có phải chị như thấy nhớ lại cả một thời nào ấy không, tuy chẳng là thời nào. Nếu thật giọng đó phải chết thì tôi xin Trời cho tôi chết trước, chết giữa thời đẹp đẽ như chiếc lá này!... Chị trông mà xem, mầu vàng của nó đẹp quá! Có thể được mầu vàng đẹp đến bực này cơ à... vô cùng...

Say sưa, tôi đứng lại đưa chiếc lá hoàng lan lên ánh mặt trời:

- Này chị trông, mầu vàng mà tươi sáng mát dịu đến thế này là cùng... như có một vẻ gì tình tứ lắm ở trong thì phải. Trời! tôi tả làm sao được! Có ngọc vàng không chị nhỉ, tôi dám chắc các họa sĩ có mê mải tìm đến chết mệt cũng chỉ thất vọng mà thôi, khi nào tìm được một mầu trong sáng như thế này!... Phải có trời, chỉ có...

Tôi đương định nói nữa, nhưng thấy chị mỉm cười nhìn vào tận đáy mắt tôi một cách ngạc nhiên làm tôi im bặt! Thấy tôi im tiếng, chị nhẹ cất tiếng hỏi:

- Anh Huân say rượu đấy à, ta đi đi thôi chứ...

Thủng thẳng đưa bước cạnh chị, nhíu mắt lại vì ánh sáng, tôi nhìn những đám mây bạc đương nhanh bay phớt qua trời xanh.

- Chị có thấy hôm nay trời đẹp không?

Tôi vừa nói vừa hít không khí đầy ngực như muốn thu hết cả thanh sắc của mùa thu vào trong đôi phổi... Như chưa đủ hả, tôi vừa cởi áo vừa nói tiếp:

- Tôi phải cởi trần ra mới được... Một ngày vàng ngọc! Ừ, trời xanh như ngọc, nắng vàng, mây trắng, gió thơm, giọng hát, lúa tươi, đồng rộng... Trời ơi, còn gì nữa mà tôi chẳng say!... mà cái phút ta đứng lại đó lại càng ít lắm... Ồ! giá tôi là một họa sĩ kiêm văn sĩ đại tài thì tôi sẽ ghi lấy cảnh này chị ạ... thích quá...

Rồi ngoảnh nhìn vào mắt chị, tôi chậm rãi tiếp:

- Thích nhỉ! nếu tôi nói là một mùi khói rơm hắc hắc đôi khi cũng khêu gợi tôi nhiều thì chị có tin không? Có lẽ tại chị quen sống ở thôn quê, chị quen sống giữa cảnh đẹp đơn giản ấy rồi nên chị không thấy nó đẹp đấy thôi – Cũng như những người dân quê nuôi tằm ấy mà, họ có nghĩ đâu đến cảnh phơi kén tơ ngoài nắng là đẹp; chắc họ chỉ thấy được nó đẹp qua giá tiền! Làm thế nào cho họ thấy được nó đẹp chỉ vì mầu vàng óng ánh của nó?...

Và thấy mấy sợi tóc mai của chị phất phơ trong ánh nắng, tôi đã suýt buột miệng:

- Tóc em như những sợi tơ...

May mà tôi hãm kịp. Thấy tôi ngừng nói, đôi lông mày chị hơi đưa lên, mắt vẫn nhìn về phía trước mặt xa xa, chị cất tiếng sẽ hỏi:

- Anh Huân chưa hết say à?

Nhưng trí óc tôi đương mải theo một ý nghĩ khác nên tôi nhìn chân trời đăm đăm không trả lời. Một lát sau chợt tôi quay sang bảo chị:

- Tôi phải lấy vợ chị ạ... tôi vừa có ý nghĩ ấy...

Chị bật cười khẽ kêu:

- Trời ơi! bây giờ thì không phải là say nữa mà là điên, Huân điên rồi mà chưa biết đấy thôi...

- Thế à, chị có thích điên không?

Chị yên lặng mỉm cười! Nắng vừa ấm... Sau một lát im lìm tôi đưa tay rứt một lá lúa vơ vẩn nói:

- Tự nhiên tôi thấy tôi thương những kẻ không điên chị ạ, họ nghèo nàn quá.

Từ đó đến chợ tôi còn nói nhiều nhưng lúc về thì những quà bánh làm tôi ít nói. Chả mấy lúc đã về đến nhà. Vì nắng hanh quá gắt làm hơi mệt nên lúc về tới trong vườn, chúng tôi đứng nghỉ lại trong bóng mát dưới gốc cây; chị bỏ chiếc nón ra phe phẩy quạt mấy cái... Gió vẫn hiu hiu thổi, chúng tôi như thấm mệt nên không ai nói gì. Trong vườn vắng lặng, chỉ có tiếng gió khẽ rì rào quá lá cây... Nhưng rồi có một lúc mắt như mơ màng, tự nhiên chị nói sẽ:

- Hoa hoàng lan đã thơm...

... Một câu chẳng có gì, nhưng tôi thấy xôn xao như những dây đàn trong tôi đã bị gẩy lên tiếng... đôi khi lên tiếng bởi những cái không đâu! Tôi ngước mắt nhìn lên thì ra vô tình chúng tôi đã đứng lại dưới gốc hoàng lan cành mềm rủ - Tôi đứng lặng như thế một lúc lâu để cố hưởng một nỗi gì êm ái không nắm được, một sung sướng man mác không tên mà tôi chỉ biết qua trong giây lát...

Một lúc sau tôi cất tiếng khẽ hỏi:

- Sao bây giờ chị mới thấy nó thơm?

Chị nhìn tôi ngạc nhiên sau câu hỏi mà chị cho là vô lý, nhưng thâm tâm tôi đã cho rằng đó là ảnh hưởng đầu tiên của những lời nói của tôi: chị đã bắt đầu biết hưởng những vẻ đẹp giản dị của đời! Vui đùa tôi cười bảo:

- Say mà cũng truyền nhiễm nhỉ... Lạ lắm, lạ lắm...

rồi ngước mắt nhìn ánh nắng rung rinh trong lá cây tôi mỉm cười tiếp:

- Trời này ai mà không say?

Ngủ trưa một mạch đến gần bốn giờ chiều tôi mới trở dậy thì liền được chị cho ăn bánh khúc.

- Vì Huân thích...

Chị nói thế. Thì ra chị vẫn nhớ là tôi thích thứ bánh quý hóa đó. Lúc chị đưa chiếc bánh thơm tho trên có dính mấy hột xôi trắng cho tôi, thì tôi đùa nói nũng:

- Không! Cái này bé lắm, tôi ăn cái to kia cơ...

Chị bật cười: “Thì đây”. Lúc cắn chiếc bánh nóng hổi, tôi vừa nhai ngồm ngoàm một cách sung sướng vừa lại kêu:

- Hạnh phúc! Hạnh phúc béo ngậy mà lại ăn được, thế mà nhiều người không biết cứ đi tìm ở đâu đâu...

Tất cả khúc khích cùng tôi vui chuyện trong khi ăn. Có một lúc chị mỉm cười nhìn tôi thân mật hỏi:

- Ngon không?

Tôi mỉm cười đáp:

- Ngon lắm... ngon vì gió...

Chị mở to mắt nhìn tôi ngạc nhiên rồi nhìn mẹ. Chợt tôi nghĩ đến những chiếc kẹo nho nhỏ gói lá chuối khô thành từng thỏi mười miếng của tỉnh Hà Đông. Ngon quá, giòn tan! Nhiều người cứ thường gọi là kẹo vừng, nhưng có một hôm thấy một người ở tỉnh đó gọi là “kẹo hoa cỏ”, nên từ đấy tôi cứ gọi là kẹo hoa cỏ. Chẳng hiểu có phải làm bằng hoa cỏ thực không, nhưng nghe thế tôi thấy đẹp hơn và cũng vì thế ngon hơn...

- Người ta sống vì tưởng tượng cả mà, chị nghe tên lúa “ba trăng” chị có thích không, chứ tôi mỗi lần nghe, tôi thấy khoan khoái, mát rượi như trong đó có gió của đồng lúa một đêm trăng...

- Ăn nữa đi chứ!

Bà mẹ giục tôi, rồi bà nói chuyện này sang chuyện khác, hỏi thăm từ người này tới người kia. Khi câu chuyện đã đến lúc tàn, khi trời đã trở về chiều, khi những con sẻ đã “chép chép” bay về tổ quanh mái nhà, thì bà mẹ buồn rầu than phiền cùng tôi:

- Từ ngày họ hàng kiện tụng lẫn nhau, bây giờ ngày giỗ ngày tết cũng chẳng có ai về đây nữa!... Chẳng còn đâu những ngày anh chị em quây quần vui vẻ như xưa!

Quá xúc động, bà ngừng nói rồi đưa tay cời miếng trầu trong tráp; một lát sau với một giọng đã rè rè nước mắt bà tiếp:

- Có anh về chơi thế này là quý... Từ ngày ông nhà tôi mất đi ở đây buồn lắm... Sống thì sống chứ còn gì là vui nữa đâu.

Không cầm được nữa, bà đưa vạt áo lên chấm mấy giọt nước mắt; không khí im lặng nặng nề. Thế mà đàn sẻ vẫn hỗn xược ríu rít trên mái. Trong một thoáng tôi nhận thấy tất cả nỗi buồn nản của người đàn bà góa sống trong căn biệt thự rộng rãi nhưng vắng tanh, không có lấy một tiếng giầy của người đàn ông. Tôi đăm đăm nhìn ra vườn trong khi tất cả ngồi im không dám nhìn nhau. Một lúc sau tôi đứng dậy rủ chị ra vườn. Trời đã về chiều, một ít nắng vàng nhạt trải trên vườn hoang, trời rộng cao vút, nhưng trong lòng chúng tôi đã có một đám mây u ám. Gió nhẹ thổi ánh nắng tắt dần, dăm bảy con chào mào vội vã bay về tìm chỗ ngủ trong ngọn cây bàng. Tiếng gì vang động chiều tàn, tiếng côn trùng rên rỉ hay nhạc chiều thu vang dậy âm thầm!... Tôi cảm nghe biệt ly quanh quất. Chúng tôi đưa bước trên con đường nhỏ lát gạch chạy ngoắt ngoéo quanh những cây cổ thụ u uất. Thấy yên lặng mãi đã khó thở, tôi mới hỏi một câu:

- Sao để con đường rêu bẩn thế này? Lỡ ngã thì khốn!

Thẫn thờ chị đáp:

- Còn ai ra tới đây làm gì nữa mà ngã.

Lại không biết nói gì nữa. Tôi im lặng lững thững cùng chị đưa bước trong vườn vắng. Riêng tôi thấy lòng bối rối buồn, có lẽ vì thương ai mà cũng có lẽ vì tiếc một ngày đẹp đã không hoàn toàn. Đáng buồn cho tôi có một tâm hồn chỉ yêu những cái tuyệt mỹ. Một ngày dầu đẹp đến đâu mà không hoàn toàn cũng bằng vứt đi, cũng không khác gì bản đàn du dương mà nhà tài tử đã chơi sai vài âm điệu...

- Thượng Đế! phú làm chi cho tôi một tâm hồn dễ rung động, phú làm chi để tôi phải mang những nỗi buồn không đâu?

Sau bữa cơm tối tôi vội về buồng lặng nằm, tôi muốn được yên ổn bên bông hoa. Nhưng trời đã chẳng chiều tôi: trong cốc hoa đã héo tàn, chỉ tại tôi thôi, trong lúc vội cắm hoa vào cốc đã để cuống hoa chẳng tới được nước trong, - chỉ tại tôi đã mang cái vui hão đến để gợi nỗi buồn cho gia đình này, và cho cả tôi.

- Ta có nên ở đây nữa không?

Tôi tự hỏi rồi khẽ lắc đầu như xua đuổi một hình ảnh đen tối – và bực mình, tôi mang bông hoa héo ném ra ngoài cửa sổ rồi tắt đèn vào nằm trong bóng tối nghĩ ngợi liên miên rất khuya. Trời về đêm đã lạnh, tôi còn nằm đếm từng tiếng gà gáy xa xa, từng tiếng chó sủa quanh bên làng... Mệt quá tôi thiếp đi lúc nào không biết. Tôi tỉnh dậy vào lúc trời lạnh về sáng, bên ngoài cửa sổ một vừng trăng hơi méo vàng kệch lạnh lẽo sắp lặn sau bờ tre thấp. Chờ cho đến tờ mờ sáng, tôi trở dậy khẽ bảo người nhà đi gọi một chiếc xe. Và khi ăn điểm tâm xong tôi ngỏ ý xin về thì bà mẹ ngơ ngác hỏi:

- Về làm gì vội thế?... Ở chơi đã, mấy khi đã về chơi.

Tôi cúi đầu yên lặng mân mê chiếc mũ trong tay, một lát sau tôi ngửng lên:

- Xin phép bà cho về, cháu vừa nhớ ra là còn có chút việc cần; để khi khác rỗi rãi cháu sẽ xin xuống ở chơi lâu.

Biết giữ không được, bà cười bảo:

- Tại ở đây nhà quê không vui chứ gì...

Sau khi tôi chào bà mẹ thì chị nói:

- Để tôi tiễn anh Huân ra cổng.

Không ai nói một lời, chúng tôi lững thững đưa bước trên con đường nhỏ trong vườn... Lúc đến bên gốc hoàng lan, tôi đứng lại nhìn lên chậm rãi nói:

- Hoa hoàng lan...

- Phải, hoa hoàng lan..

Chị nhắc lại nhẹ như một hơi thở. Lúc ấy trời mát mẻ, hứa hẹn một ngày tươi sáng... Ánh nắng vàng chiếu qua kẽ lá, nhưng bớt đẹp với lòng tôi. Chia rẽ thì mấy khi đã vui, nhưng tôi tự nghĩ tôi không nên mang cái vui chốc lát đến làm huyên náo căn biệt thự này làm gì.

“Không nên, chỗ của ta không phải ở đây mà”. Tôi còn nhớ những tiếng giầy của tôi đã vang lên một cách trơ trẽn lạc lõng trong ngôi nhà âm thầm.

“Ta đã lạc đến đây một ngày, thế cũng đã quá lắm rồi...”.

Muốn phá cái yên lặng nặng nề nên khi đi ra tới cổng tôi vội hẹn cùng chị một ngày khác tôi sẽ về chơi.

- Tôi sẽ ở lâu hơn...

Lúc chiếc xe bắt đầu chuyển bánh thì chị buồn rầu cất tiếng trách móc nói vói theo:

- Thế mà bảo ở chơi những năm ngày, Huân điên thật rồi mà.

Tôi ái ngại nhìn chị với nụ cười gượng gạo rồi vội ngoảnh đi chớp mau...

Khi xe đã đi được vài chục bước, tôi ngoảnh lại còn thấy chị đứng trông theo. Tà áo trắng của chị phất bay trong nắng dịu buổi sáng như vẫy tôi trở lại... Tôi vội giơ tay lên vẫy mấy cái thì bóng chị đã khuất sau lũy tre xanh...

Mơ màng tôi nhìn ra đồng lúa xanh bát ngát...

Tôi ra đi bàng hoàng như vừa rời khỏi một chốn hoang vu đầy thơ mộng cùng nước mắt... chốn lâu đài bát ngát giữa rừng vắng trong các truyện cổ tích thần tiên xưa...

Lòng tôi tràn nặng tình thương nhớ...

Cho đến nay đã đến mùa thu, sáng nay gió thổi nhiều...! Biết đâu nơi chân trời chẳng có người đương mong tôi trở về cùng gió lạnh, đem lại một chút vui xa...