Cái hội nghị Diên Hồng nghĩ cũng lạ. Nó là mẹo của Trần Hưng Đạo nhằm giúp Trần Nhân Tông quyết tâm đánh giặc chăng? Vua mà giặc đến lại đi hỏi dân xem có nên đánh không! Rồi mới thua vài trận đã muốn hàng! Y như Trần Thái Tông mấy chục năm trước...

Ông cháu vua Trần như thế, không phải vì hèn nhát đâu. Vì từ bi đấy: không muốn cho dân phải khổ. Ngộ nghĩnh: giặc có lúc là “giặc Phật”, ta thì có đến hai “vua Phật”!

Từ bi, còn gì bằng. Nhưng làm vua khác làm sư. Sư hiền quá chẳng sao, chứ vua hiền quá thì nguy cho nước. May nước có Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo. Và may vua ông vua cháu chưa hiền đến mức chặt đầu Thái sư, Tiết chế, để xin hàng!
(Thu Tứ)



Đào Duy Anh, “Chống Mông Cổ” (3)




Sau khi bắt được bọn Trần Di Ái do quân Nguyên hộ tống, triều đình nhà Trần biết thế nào quân Nguyên cũng tiến công, cho nên một mặt vẫn tìm cách đối phó với những yêu sách của nhà Nguyên, một mặt ra sức chuẩn bị kháng chiến.

Tháng 11 năm 1282, Trần Nhân Tông triệu tập một cuộc hội nghị ở Bình Than (nay là làng Bàn Thau, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh, bấy giờ thuộc hương Ba Điểm) để cùng với các vương hầu và bách quan bàn cách kháng chiến. Ai nấy đều hăng hái quyết chiến (đi theo vua có Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, vì còn nhỏ tuổi nên không được tham dự hội nghị, lấy làm tức tối, tay cầm trái cam bất giác bóp nát ra, về nhà tụ tập gia nô và thân thuộc hơn nghìn người, xuất tiền sắm vũ khí và chiến thuyền, xin vua cho tham chiến). Trần Nhân Tông cử Chiêu Minh vương Trần Quang Khải làm Thượng tướng Thái sư để chủ trương quốc chính.

Nghe tin báo rằng quân Nguyên đã hội ở miền Hổ Quảng để năm sau tiến công, cuối năm 1083, Trần Nhân Tông triệu tập vương hầu đem quân thủy bộ đến để duyệt tập chiến trận, rồi cử Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh chư quân. Quang Khải và Quốc Tuấn vốn rất ghét nhau, bấy giờ đều quên tình riêng để chia lo việc nước. Muốn khích lệ tinh thần kháng chiến của toàn thể nhân dân, Trần Nhân Tông cho mời các bậc kỳ hào trong nước (những người tuổi tác trong dân gian), đặt yến ở điện Diên Hồng để hỏi ý kiến về việc kháng chiến. Sử cũ chép rằng: “Mọi người đều xin đánh, muôn miệng một lời”.

Tháng 9 năm 1284, Quốc Tuấn hiệu triệu các vương hầu đem quân bản bộ đến hội với quân đội nhà nước ở Đông Bộ Đầu để làm một cuộc đại duyệt, rồi chia quân đóng giữ những nơi hiểm yếu để phòng thủ, tự mình thì đóng đại quân ở Vạn Kiếp (tức Kiếp Bạc, xã Vạn Yên, huyện Phượng Nhãn, trên sông Thương) để tiếp ứng mọi nơi. Bấy giờ Quốc Tuấn soạn sách Binh gia diệu lý yếu lược, tóm tắt những binh pháp của Tôn Ngô đời xưa thành những câu gọn dễ hiểu, phát cho các tỳ tướng học tập, kèm theo một bài hịch (để động viên) (...) Bài hịch ấy làm cho tướng sĩ rất hăng hái. Nhiều người đã lấy mực thích vào cánh tay hai chữ “Sát Thát” (giết giặc Mông Cổ) để tỏ ý quyết chiến. Quốc Tuấn lại khuyên các tướng đối đãi tử tế và gần gũi quân lính. Vua quan nhà Trần đối với quân lính rất là “ân tình”.(1) Quân lính cũng nhiều người thích chữ “Sát Thát” vào cánh tay.

Đầu năm 1285, Thoát Hoan đến châu Tư Minh, một mặt gởi thư cho ta nói rằng mục tiêu dụng binh của Nguyên là đánh Chiêm Thành chứ không phải là đánh An Nam, một mặt chia quân làm hai đạo để tiến: cánh phía tây thì Vạn Hộ Bột La Hợp Đáp Nhi và Chiêu Thảo A Thâm do huyện Khưu Ôn (tức đường Nam Quan, theo sông Thương) tiến vào, cánh phía đông thì Kiếp Tiết Tản Lược Nhi cùng Vạn Hộ Lý Bang Hiến do đèo Khưu Cấp (tức đường châu Lộc Bình) tiến vào. Thoát Hoan dẫn đại binh kế sau. Cánh quân phía đông phá được ải Khả Ly và ải Động Bản. Đến gần ải Nội Bàng (có lẽ ở thượng lưu sông Lục Nam) là nơi Hưng Đạo vương đóng quân, quân Nguyên chia làm nhiều đạo để phá. Hưng Đạo vương thua phải lui về giữ Lạng Giang châu (Bắc Giang ngày nay). Cánh quân Nguyên phía tây thì tiến thẳng đến phá được ải Chi Lăng. Hưng Đạo vương lại phải rút quân, nhờ chiến thuyền đóng ở Bãi Tân (có lẽ trên sông Lục Nam) mà rút về Vạn Kiếp.(2)

Nghe tin bại trận, Trần Nhân Tông đi thuyền nhỏ xuống Hải Đông (Quảng Yên), sai triệu Trần Quốc Tuấn đến ngỏ ý muốn đầu hàng, nhưng Quốc Tuấn khảng khái nói rằng: “Nếu bệ hạ muốn hàng thì trước hết hãy chém đầu tôi đi đã”.

Quốc Tuấn triệu tập các vương hầu hội quân ở Vạn Kiếp. Nhiều vương hầu đem quân dân các lộ xứ Đông xứ Bắc đến hội, cả thảy có được chừng hai mươi vạn người.(3)

Quân giặc tiến về Vạn Kiếp. Quốc Tuấn đem hơn nghìn chiến thuyền nhỏ lui cách Vạn Kiếp mười dặm để cự chiến, nhưng lại thua.

Quân ta phải rút về giữ Thăng Long. Quân giặc đuổi theo cướp phá các miền Gia Lâm, Võ Ninh và Đông Ngạn (thuộc Bắc Ninh ngày nay) rất ác liệt. Bắt được quân ta, thấy hai chữ “Sát Thát” thích ở cánh tay, chúng tức giận đem giết hết. Giặc đóng ở bãi Bồ Đề để tiến công Thăng Long. Quân ta đóng trại ở dọc sông phía nam, bắn súng sang để kháng cự, nhưng không ngăn nổi giặc qua sông.

Quốc Tuấn phải hộ vệ vua và thượng hoàng cùng triều đình xuống Thiên Trường (Hưng Yên, Nam Định ngày nay). Quân giặc vào thành Thăng Long, thấy cung thất kho tàng đều trống rỗng, chỉ còn sót lại một ít giấy má. Trong khi chuẩn bị bỏ Thăng Long, triều đình đã cho di tản tất cả của cải và lương thực, không để cho lọt vào tay quân giặc. Triều đình lại cho yết bảng ở khắp nơi kẻ chợ và thôn quê nói rằng: “Phàm các châu huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến nên liều chết mà đánh, hoặc sức chống không nổi thì phải trốn vào núi rừng, không được đầu hàng”. Những điều ấy tỏ rõ cái chí kiên quyết kháng chiến của triều đình nhà Trần. Quân giặc vào Thăng Long, cướp giết nhân dân còn ở lại (một phần đã theo lệnh triều đình bỏ đi nơi khác), rồi lại tiến đánh miền hạ lưu sông Hồng để đuổi theo triều đình nhà Trần. Đi đến đâu giặc cũng cướp giết rất là tàn ngược.

Toa Đô đương đóng binh ở miền Ô Rí thì được tin Thoát Hoan tiến công nước ta. Vì ở đây lương thực không đủ, không thể ở lâu, Toa Đô định đánh ra bắc để phối hợp chiến đấu với Thoát Hoan. Để chống giặc về mặt Nam, triều đình đã sai Thượng tướng Trần Quang Khải vào đóng quân ở Nghệ An. Toa Đô tiến quân đến Nghệ An. Chương Hiến hầu Trần Kiện (con thứ Tịnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang, vốn trấn thủ Nghệ An) đem cả gia thuộc - trong ấy có Lê Tắc – đầu hàng. Đầu tháng 3 năm 1285, quân Toa Đô do Trần Kiện giúp sức, đánh bại quân Trần Quang Khải ở Phúc Tân (?). Sau cuộc thắng lợi ấy, quân Nguyên chiếm được đất Nghệ An.

Triều đình nhà Trần rút lui xa hơn nữa về hạ lưu sông Hồng, giao cho Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng đóng giữ miền Thiên Trường. Tháng 2 năm 1285, quân Nguyên đánh bại quân ta ở bãi Đà Mạc (nơi khúc sông Thiên Mạc, tỉnh Hưng Yên, tức là bãi Màn Trò. Vì khảng khái không chịu khuất, Trần Bình Trọng bị Thoát Hoan giết chết. Quân giặc đuổi theo quân ta đến cửa Giao (tức cửa Ba Lạt). Bấy giờ bọn vương hầu thấy thế giặc mạnh, một số ra đầu hàng: “Chiêu Quốc vương, Văn Nghĩa hầu, Vũ Đạo hầu, Minh Trí hầu, Minh Thành hầu, Chương Hoài hầu, Chương Hiến hầu, Nghĩa Quốc hầu đều hàng”.(4) Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc là em ruột Trần Thánh Tôn, vốn có ý tranh ngôi với dòng đích, được nhà Nguyên phong cho làm An Nam quốc vương để lợi dụng.

Trước tình thế nguy cấp, Trần Nhân Tôn phải sai người đem em ruột là An Tư công chúa hiến cho Thoát Hoan để mong hoãn binh. Sau đó vua và Thượng hoàng thấy thế bức, bèn lên thuyền nhỏ chạy ra Hải Đông đến nguồn Tam Trĩ, rồi cho thuyền ngự chạy ra phía Ngọc Sơn để đánh lừa giặc, rồi ngầm lên bộ tránh về phía khác. Nguyên sử chép rằng quân Nguyên bắt được của ta hàng vạn thuyền. Vua tôi nhà Trần bị truy kích, đầu tháng 4 năm 1285, lại xuống thuyền do cửa Nam Triệu chạy vào Thanh Hóa.

Bấy giờ Toa Đô đã tiến ra Thanh Hóa. Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đem quân vào tiếp viện cho Toa Đô, giúp Toa Đô tập kích quân của Trần Quang Khải. Lại sai Đường Ngột Thai theo bờ biển đuổi bắt Trần Nhân Tông, nhưng không kịp.

Triều đình nhà Trần lánh vào Thanh Hóa. Hiện nay chúng ta cũng chưa rõ trong thời gian ở Thanh Hóa vua Trần lập hành tại ở chỗ nào.


(Trích Đào Duy Anh,
Lịch sử Việt Nam, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 2002. Sách này viết lần đầu năm 1949, in dưới tên Việt Nam lịch sử giáo trình, viết lại năm 1952, lại viết lại năm 1954, xuất bản dưới tên LSVN năm 1955, đến năm 1957 tái bản sau khi sửa chữa bổ khuyết. Tức sách đã được viết đi viết lại tới bốn lần!)

















________________
(1) Sử cũ chép rằng Phạm Ngũ Lão đãi tướng sĩ như người nhà, cùng cam cộng khổ với binh lính. Người ta gọi quân của Ngũ Lão là “Phụ tử chi binh”.
(2) Các địa điểm dụng binh trong đoạn này, hiện chưa có sự khảo cứu đặc biệt để chỉ định cho chính xác. Trong lần in đầu, chúng tôi đặt Bãi Tân trên sông Thương. Nay xin theo ý kiến của Sơn Bản Đạt Lang (
An Nam sử nghiên cứu) mà đặt ở hạ lưu sông Lục Nam, trên đường tiến của cánh phía đông của quân Nguyên.
(3) Phần đông là các con của Trần Quốc Tuấn như Hưng Vũ vương, Hưng Nhượng vương, Hưng Trí vương đem quân dân các xứ Bàng Hà (sau là huyện Chí Linh), Trà Hương (sau là huyện Kim Thành), An Sinh (sau là huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương), Na Ngạn (sau là huyện Lục Ngạn), Long Nhãn (sau là huyện Phượng Nhãn, tỉnh Bắc Giang) đến họp.
(4) Theo
Kinh thế đại điển tự lục, “An Nam điều”, do Sơn Bản Đạt Lang dẫn.
Nguyên sử, “An Nam truyện”, thì chép: “Văn Nghĩa hầu, Vũ Đạo hầu cùng con là Minh Trí hầu, rể là Chương Hoài hầu, cùng Chương Hiến hầu, quan nhà Tống là Tăng Tham chính, con Tô Thiếu bảo là Tô Bảo Chương, con Trần Thượng thư là Trần Đình Tôn, đều tiếp nhau ra hàng”.
Lại chép: “Em Trần Khâm (tức Trần Nhân Tông) là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc đem cả họ hàng, vợ con và quan lại đến hàng. Bèn sai bọn Minh Lý Tá Ban đưa Chương Hiến hầu, Văn Nghĩa hầu cùng con là Minh Thành hầu, và con Chiêu Quốc vương là Nghĩa Quốc hầu vào chầu. Văn Nghĩa hầu thì lên được bắc, Chương Hiến hầu và Nghĩa Quốc hầu đều bị Hưng Đạo vương bắt. Chương Hiến hầu chết, Nghĩa Quốc hầu thoát được.”
(Thực ra Trần Ích Tắc là em Trần Thánh Tông, tức là chú chứ không phải là em Trần Nhân Tông. – TT)