Tiếng nói không phải chỉ là âm thanh. Tiếng Việt vô cùng gợi cảm chẳng những ở âm thanh mà còn ở cách đặt câu nữa. Gì chứ để diễn cảm thì cái “ao ta” nó chắc chắn “trong” hơn hẳn “ao người”, bất cứ người nào. (Thu Tứ)



Phạm Quỳnh, “Thời thương lấy cùng”




Tôi bình sinh chỉ có một chút nhiệt thành, là nhiệt thành với chữ quốc ngữ (...) nghe thiên hạ phẩm bình về văn quốc ngữ, người khen thời hởi dạ, người chê thời đau lòng (...)

Người Tàu cai trị ta trong hơn ngàn năm (...) tiếng ta ta nói, ta không nói tiếng Tàu... Đương khi (...) những hàng thượng lưu trong nước còn mài miệt về chữ Nho (...) thời trong dân gian (...) nói năng với nhau bằng gì (...) Há chẳng phải là cái tiếng quốc âm rất quý báu của ta rư? (...) Văn chương truyền khẩu (của nước ta) tôi dám quyết là một cái văn chương rất phong phú, tưởng không có nước nào có một cái văn chương truyền khẩu giàu như thế (...) giữa khi (...) những người trí thức trong nước không ai chịu luyện tập đến tiếng Nôm mà tiếng Nôm còn sinh hoạt được mạnh như thế (...)

Mục đích của tôi trong bài diễn thuyết này là muốn chứng rỏ rằng tiếng quốc âm ta phong phú là dường nào, và cái văn chương truyền khẩu của ta thanh thú biết bao nhiêu. Tiếng nước ta hay lắm, các ngài ạ. Người ngoại quốc cũng phải khen là một thứ tiếng êm như ru, vui như hát, mỗi vần đánh ra năm dấu, đọc thành sáu giọng khác nhau, như trong cung đàn vậy, tưởng không có mấy thứ tiếng hòa bình êm ái bằng (...) Vậy thời bọn ta phải nên trân trọng lấy cái quốc âm quý báu ấy, ra công tập luyện trau dồi cho mỗi ngày một hay một đẹp hơn lên. Dù ta học chữ Tây hay học chữ Tàu, ta cũng chớ nên quên bỏ tiếng Tổ quốc, là cái tiếng từ khi lọt lòng ra đã học nói, và đến khi hấp hối chết cũng còn nói. Ta nên nhớ lấy câu ca dao của nước nhà:

Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn!
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Tiếng của tổ quốc thời thương lấy cùng!


(Trích từ bài “Tục ngữ ca dao”, diễn thuyết ở hội Trí Tri ngày 21-4-1921, đăng trong
Nam Phong số 46, năm 1921, in lại trong Mười thế kỷ bàn luận về văn chương, nxb. Giáo Dục, 2007)