“Truyện đầu tiên (...) viết xong trong đời” mà hay thế này!

“Điệu thu ca” đại khái là do một thanh niên “xấp xỉ đôi mươi” hát lên khi về thăm lại một nơi đã ở hồi tuổi mới mười ba.

Nơi ấy ngày ấy thật ấm áp, êm đềm, thơ mộng, vừa “đâu đâu bông nở rất nhiều, cây lá xanh tươi mát mẻ (...) những loài chim nhỏ từ xứ nào bay về tới tấp, đủ các màu (...) có cả con nhỏ đuôi dài, như con trĩ con màu trắng bạch, bay rất lẳng lơ! (...) tiếng hót vang trời!”, lại vừa có một người chị họ xa trẻ đẹp rất quý “tôi”, đặc biệt có một lần tôi ngồi bên chị đang khâu vá, tình cờ “trông rõ trên những đốt (ngón tay) cuối cùng có những sợi lông tơ mọc lưa thưa trên da trắng nuốt, từ thân thể chị tỏa ra một hương thơm nồng ấm mùi da thịt”...

“Tôi” về, dễ dàng trông thấy ngay chốn cũ đã qua một bể dâu nho nhỏ. Cảnh nhà vắng lạnh, điêu tàn. Nhưng thực ra đối với “tôi”, những cái quan trọng nhất vẫn còn nguyên đó. Buổi sớm thức dậy, bước ra cửa sổ, “có tiếng hót trong bay trên không làm tôi nhìn lên: một con chích chòe đậu trên mái ngói cũ đương cất tiếng. Tôi ngây người đứng nghe, nghe giọng hót và cả tiếng gì lao xao nổi dậy trong lòng (...) Tôi đứng lặng!... như đã một thời nào xa lắm, cũng một buổi sáng êm nhẹ như sáng nay tôi đã đứng nghe tiếng hót bay trên mái cũ”... Rồi “tôi” ra thăm vườn, thăm ao: “Ao vẫn nguyên như cũ, đây vài bực đá mòn vẫn thản nhiên ngâm chân trong nước mơ màng có lẽ chưa quên tôi (...) Tôi cúi mình trên nước rửa chân chậm chạp để hưởng cái mát êm đềm trong vẻ tĩnh mịch”... Rồi “bâng khuâng tôi lững thững đi về”, về đến vườn hoa thì gặp chị vừa ra cắt hoa, “tôi (...) yên lặng ngắm chị đi lại phơi phới giữa ngàn hoa như một con bướm lạ”... Rồi chị-bướm-lạ rủ “ta đi chơi chợ đi”...

“Điệu thu ca” quả nhiên rất “nhạc”. Êm tai thật. Thích thật. Thế mà cũng có đôi chỗ làm người nghe phải lấy làm nghĩ ngợi.

“Tôi chỉ hay về ấp đi săn, cưỡi ngựa, và khi nào tôi thích đi chơi một nơi nào chẳng hạn thì không gì cản được tôi đi (...) Đời thế là đẹp”. Chắc chắn! Nhưng “đời thế” thì khác lạ lắm so với đời của vô số đồng bào đang sống quanh “tôi”. Chỉ mấy năm sau khi Đỗ Tốn “hát thu” thì hàng triệu người Việt Nam chết đói, rất nhiều người đã chết đói ở ngay tỉnh Thái Bình có cái dinh cơ với khu vườn thần tiên ấy! “Tôi” vô tư nhỉ. Ờ, nhưng mà có phải chỉ mình “tôi” vô tư thế đâu. Đây kia những nhà văn nhà thơ say ả Phù Dung, say du lịch, mê gái... Đàn anh cũng vô tư mà vẫn nổi tiếng như cồn, có trách thì trách họ trước, chứ sao lại đi trách một “thanh niên” mới bước (không chập chững tí nào!) vào nghề...

Cái câu “Chị lớn lên hồn nhiên ở nơi thôn dã như bông hoa trong nội cỏ thì hiểu sao được những tâm hồn phức tạp!” cũng đáng nghĩ. Nó nghe... kiêu kiêu. “Phức tạp” – hẳn do “cuộc đời (...) ồ ạt nơi tỉnh thành” – thì có gì hay?! Thiết tưởng sống trên đời điều quan trọng là cảm nhận tinh tế môi trường mình sống. Người dân quê Việt Nam cảm nhận quê cực kỳ tinh tế, mà sở dĩ “tôi” về quê rồi “cảm” rồi “hát” véo von mê ly, ấy chắc chắn bởi “tôi” chính có gốc quê! Thực ra thì trước kia vì ngay Thăng Long – Hà Nội cũng đầy chất nông thôn (1), “ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”.(2)

Nghĩ ngợi xong rồi, giờ ta hãy chuẩn bị thưởng thức tiếp nửa sau của bài ca thu...

(Thu Tứ)

(1) Xem bài Thôi Một Nước Quê.
(2) Lời Hoài Thanh trong
Thi nhân Việt Nam



Đỗ Tốn, “Điệu thu ca” (1)


Anh Địch yêu thích mùa thu. Xin tặng anh điệu ca này,
truyện đầu tiên mà em đã viết xong trong đời.


Gió thu về!

Phải, gió đã lạnh, trời về cuối tháng bảy rồi còn gì, sắp rét! Một cơn gió đầu mùa đôi khi cũng mang lại lòng tôi nhiều nỗi hoang mang, gợi lại những kỷ niệm không định. Chợt tôi nhớ đến một người chị họ xa, ở vùng Thái Bình, mà một bữa đầu xuân, nhân chị đến thăm, trong khi vui chuyện tôi đã hẹn;

- Bao giờ mùa thu tôi sẽ về chơi... nhưng có gì thết không?...

- Có, có bánh khúc nóng... với nhiều chuyện vui.

Chị đáp lại với một nụ cười.

Thế mà nay mùa thu đã tới, nhắc tôi nhớ đến chị, và mỗi lần nhớ đến chị là tôi còn như thấy lại cả một thời trọ học ở Thái Bình ngày nhỏ. Ngày ấy trong bốn tháng trời, cứ mỗi lần chủ nhật đến, tôi lại về nhà chị chơi đùa cùng mấy người em trai của chị. Những ngày đó rất ngắn ngủi đối với một người học trò nhỏ như tôi. Thường thường thì cứ chiều thứ bảy, cùng với người anh thứ hai của tôi, chúng tôi từ giã nhà trọ lên chiếc xe xích-lô trở về gia đình nhà chị. Dạo ấy mùa xuân, trên quãng đường ngoắt ngoéo mười một cây số, gió lộng nơi đồng rộng thường làm chúng tôi rét mướt, thu hình trong chiếc áo ma-ga sờn tay: có gì mà chả rét, hai đứa trẻ xa gia đình, không có lấy một bàn tay của mẹ, của chị chăm nom săn sóc. Xe nhiều lúc phải hạ mui xuống vì gió, và tiến rất chậm. Chúng tôi ngồi rất ít nói, chẳng nhớ thời ấy trí tôi hay bay bổng theo giấc mộng gì... Chỉ nhớ tiếng gió ào ào bên tai thỉnh thoảng lại bị chấm bằng vài câu ngắn ngủi nhạt nhẽo như: “Đã đến cầu Lô” hoặc “Còn ba cây nữa”... Càng mong thì hình như xe càng đi chậm lại, chúng tôi thường tới nhà chị vào lúc những ngọn đèn hoa kỳ bắt đầu le lói sau hàng giậu thưa hay tấm phên cửa liếp.

Mỗi ngày nghỉ là một ngày vui sướng mà tôi chẳng thể nhớ lại được hết. Nhưng tôi nhớ đã nhiều bữa lạnh trời, chúng tôi được gọi về ăn bánh trong lúc đương chơi ngoài bờ ao, hoặc leo trèo trong vườn.

Thường thường là bánh khúc vừa mang từ trong nồi hấp ra, hãy còn tỏa khói, nhân thịt mỡ béo ngậy, ăn nóng sốt trong gió hơi lạnh. Ngày ấy tôi thấy đó là một nỗi vui sướng tuyệt đích. Cho đến nay tôi vẫn thấy yêu thứ bánh đó, có phải vì nó ngon hay chỉ vì nó đã đánh dấu một thời thơ bé? Khi thấy chúng tôi ăn ngon lành những chiếc bánh chính tay chị làm ra chị ngồi nhìn sung sướng... Những lúc đó chị đẹp lắm tuy chỉ mới bắt đầu nẩy nở cùng cái tuổi chớm dậy thì. Ngày đó chị mười bốn, mười lăm hay mười sáu tôi chẳng biết, tôi chỉ thấy chị đẹp, thế là đủ rồi. Đôi khi tôi nhận thấy trong đáy mắt chị tia vui lấp lánh..., cho tới nay đã nhiều lần tôi tự hỏi: “Có phải đó là ánh sáng phát ra tự một tâm hồn tươi đẹp?”. Dẫu sao thì những ngày đó cũng đã mang lại lòng tôi ít nhiều cảm tưởng đầu tiên về cái đẹp của đời. Tôi còn nhớ có một hôm chị mua cho chúng tôi một cái lồng bẫy chim..., và chị vẫn chẳng ngờ nhờ nó mà lòng tôi đã rung động lần đầu trước vẻ đẹp của hình sắc với một cảm giác êm đềm. Có gì đâu, trong cái lồng đó chúng tôi nhốt một con chim khuyên ở tầng dưới, chỗ bẫy ở tầng trên tôi để rất nhiều hoa tử vi cùng một quả chuối tiêu vỏ bóc nửa để làm mồi dử. Xong rồi, chúng tôi ra xa nấp đợi. Ngày ấy vào cuối tháng hai, đâu đâu bông nở rất nhiều, cây lá xanh tươi mát mẻ, và những loài chim nhỏ từ xứ nào bay về tới tấp, đủ các màu! Tôi nhớ có cả con nhỏ đuôi dài, như con trĩ con màu trắng bạch, bay rất lẳng lơ!... Và ngày ấy tiếng hót vang trời! Có đàn chim khuyên bay qua đám cây, nghe tiếng gọi của con trong lồng, chúng bay sà đến cây tử vi đầy hoa. Chúng nhảy từ cành này sang cành khác, ríu rít hót... Chúng tôi nấp nhìn hồi hộp. Một con nhảy vào định ăn chuối. “Sập!”.

- Được rồi! Ha... a... a...

Chúng tôi hò hét hớn hở chạy tới. Tôi đến nơi trước nhất, nhưng lúc tôi đưa tay lên định nhấc chiếc lồng thì tự nhiên tôi dừng lại: giữa đám hoa tử vi phơn phớt tím, cạnh màu vàng của quả chuối, một con chim khuyên mơ màng đập cánh sợ hãi đòi bay ra làm vài cánh hoa mỏng tung bay là là rơi xuống đất, trong khi chiếc lồng khẽ rún rẩy trên cành đặc hoa. Ngay bây giờ tôi vẫn còn như trông thấy cái cảnh đó. Chả nhẽ lúc ấy tôi lại thả con chim ra, nhưng thực lòng tôi không thấy vui sướng như lúc sắp bắt được nữa!... Vẻ đẹp đã làm nẩy nở chút ít nhân đạo trong lòng trẻ hay chỉ làm yếu ớt một tâm hồn? Tôi thấy bớt vui. Tôi đem lồng chim về, lúc bước vào buồng định khoe chị thì tôi thấy chiếc va-li của tôi mở tung, chị đang ngồi khâu bên cạnh! Tôi thấy trong người thế nào ấy khi nhận ra chị đang khíu mấy chỗ áo rách cho tôi. Lòng tôi như se lại, như hơi buồn khi thấy ở nơi xa này còn có người săn sóc tới mình! Sao tôi lại không vui? – Có những nỗi vui nhẹ nhàng êm ái quá làm ta mủi lòng!... Bùi ngùi tôi ngồi xuống bên cạnh chị, yên lặng xem, những ngón tay chị cong cong nhanh nhẹn đưa kim: tôi trông rõ trên những đốt cuối cùng có những sợi lông tơ mọc lưa thưa trên da trắng nuốt, từ thân thể chị tỏa ra một hương thơm nồng ấm mùi da thịt. Tôi ngồi yên lặng không nói.

Từ đó đã bảy năm qua, bảy năm tôi không bước chân trở lại nhà chị: có lẽ vì xa xôi cách trở và cũng vì nhiều cớ khác. Vả lại tôi còn mải theo cuộc đời thanh niên ồ ạt nơi tỉnh thành thì còn nghĩ đâu đến việc tới thăm một người chị họ xa xôi!... Tuy thế tôi biết là ký ức những ngày đó vẫn còn nguyên trong đáy lòng vì có đôi khi bất ngờ tự nhiên tôi thấy mang máng nhớ lại. Cho đến năm ngoái...

Năm ngoái một hôm tôi trở lại nhà chị.

Bảy năm rồi còn gì. Tất cả đã thay đổi nhiều lắm. Trong quãng thời gian ấy thì ông thân sinh ra chị đã mất, trong họ kiện tụng lẫn nhau vì chuyện chia gia tài, mấy người em trai chị thì nay đã lên tỉnh Thái học... Còn chị thì đã lớn: một cô gái ngoài hai mươi, như bông hoa nở hết cánh, óng mượt dịu dàng... Tôi tới vào lúc nhá nhem tối, gặp lại nhau bao nỗi vui mừng, người nói câu này, người hỏi câu kia. Sau vài phút nhộn nhịp ban đầu, chị ngắm tôi một lúc rồi quay lại nói với mẹ:

- Mẹ ạ, anh Huân bây giờ lớn quá rồi.

Phải, tôi đã xấp xỉ đôi mươi rồi còn gì, tôi nhìn chị cười. Chuyện xa gần, lời thăm đón, chị nhớn nhác chạy xuống bếp coi cơm nước, bảo người ở trải đệm mới vào buồng khách. Thoáng cái đã thấy chị đứng cạnh mẹ góp chuyện. Tất cả như bận rộn một cách vui thích làm tôi thấy sung sướng thêm.

Chị sống với mẹ và người em gái ở nơi biệt thự hẻo lánh này. Sau một lúc hỏi thăm về những người xa gần thân thích, chị nói:

- À ra thế, anh Địch (anh ruột tôi) bây giờ đã là sinh viên trường thuốc rồi cơ đấy..., sắp sửa ông đốc nay mai. Còn anh, anh không đi học à? Sao lại về chơi được?

Tôi mỉm cười:

- Tôi thì nói làm gì!... Học gì tôi! Tôi chỉ hay về ấp đi săn, cưỡi ngựa, và khi nào tôi thích đi chơi một nơi nào chẳng hạn thì không gì cản được tôi đi... Chả thế mà thầy tôi đã phải bảo “mày chỉ sắm vai đi chơi là giỏi”... Đời thế là đẹp phải không chị?

Nhưng chị chỉ mỉm cười!... Chị lớn lên hồn nhiên ở nơi thôn dã như bông hoa trong nội cỏ thì hiểu sao được những tâm hồn phức tạp! Chị chỉ cười...

Sau bữa cơm tối thì chị và người em chị cùng tôi ra ngồi ngoài sân chơi. Chị nói chuyện vẫn có duyên, luôn luôn hoạt động tươi giòn. Dưới ánh sáng trắng nhạt của trăng thu chị có một vẻ đẹp thần tiên với làn tóc dài buông xõa. Tôi kể những chuyện về tỉnh thành cho chị nghe. Sau những lúc chúng tôi cười vang trong đêm vắng, chị nói:

- Chuyện anh lạ vui lắm mà..., thật đấy!

- Thế à, thích nhỉ.

Tôi đáp rồi tự vỗ vào ngực vui đùa to giọng nói: “Đời tôi là một trận cười giòn tan”.

Chúng tôi vui chuyện cho tới khi sương lạnh xuống đã nhiều, làm mờ mấy bông lài xa xa. Tôi đi ngủ vui sướng với ý nghĩ là mấy ngày sắp tới sẽ tươi đẹp. Còn gì thích hơn là những ngày nghỉ khi ta chẳng nghĩ gì sốt cả, thản nhiên đợi những chuyện mà ta biết là sẽ vui.

Sáng hôm sau tôi dậy sớm, trong lòng vui vẻ khoan khoái sau giấc ngủ một mạch thâu đêm. Tôi hát nghêu ngao mấy câu rồi hấp háy lệt sệt lê bước ra cửa sổ đứng ngáp cùng hô hấp không khí trong sạch buổi sáng mai; trời về sáng hơi lạnh, tôi phải xuýt xoa đưa hai tai xoa mạnh vào người để lấy chút ấm áp. Gió nhẹ thổi..., có hương thơm thoảng theo: mùi hoa mộc! mát nhẹ xa vắng như mùi thơm tự nhiên của làn tóc một cô gái. Tôi vội mở cửa bước ra: một cây mộc lá còn ướt sương đang rung rinh trong gió...

Tôi giơ tay ngắt một chùm hoa nhỏ đưa lên mũi: còn đâu! ngửi gần hương thơm đã mất cả vẻ nhẹ thoảng xa bay!... Tôi nghĩ đến bộ tóc con gái, “phải, có những vẻ đẹp ta không nắm được, có những hương thơm chỉ nhờ trận gió thổi lại!”... Tôi nghĩ miên man đến làn tóc những cô gái. Có tiếng hót trong bay trên không làm tôi nhìn lên: một con chích chòe đậu trên mái ngói cũ đương cất tiếng. Tôi ngây người đứng nghe, nghe giọng hót và cả tiếng gì lao xao nổi dậy trong lòng... Tôi biết không phải tôi mê tiếng hót: tiếng cu gáy đều đều còn kêu gọi tôi nhiều hơn, nhắc đến ngày nhỏ, những ngày hè oi ả nơi quê nhà. Tôi đứng lặng!... như đã một thời nào xa lắm, cũng một buổi sáng êm nhẹ như sáng nay tôi đã đứng nghe tiếng hót bay trên mái cũ...

- Phải, chỉ tại cái mái cũ, cái mái ngói rêu cũ...

Tôi đứng im chờ đợi. Chim hót chán bay đi, không một tiếng hót đáp lại, vạn vật như thản nhiên với tiếng đàn lòng.

Mặt trời đã lên, chiếu sáng mấy hạt sương long lanh trên những sợi cỏ tóc tiên xanh tươi. Tôi vội bước ra đi tắm để khỏi phí mất chút thì giờ của một ngày đẹp. Từ buồng tôi tới nhà tắm phải đi ngang qua giữa hai ngôi nhà rộng thăm thẳm lát gạch lục giác tráng men, cột lim to hàng ôm mà nay vắng tanh, cửa đóng im phắc; một bên là nhà thờ tổ, một bên là nơi tiếp khách. Ở giữa có những mái hiên chạy ngang nối liền; đây đó tôi thấy mấy chậu cảnh xơ xác cùng vài hòn non bộ trong hai cái bể con rêu bẩn, nước cạn vàng, lềnh bềnh nổi vài chiếc lá khô: chút di tích về những ngày oanh liệt của ông cha xưa kia. Những tấm cửa lim chạm nổi nay đã mốc meo loang lổ, vài chiếc khóa đồng cổ rỉ xanh. Ghé mắt nhòm qua khe cửa gian nhà thờ tôi chỉ thấy tối tăm và thoang thoảng mùi ẩm mốc lành lạnh bay ra. Gian tiếp khách dài rộng, gỗ chạm rồng phượng nay chẳng để làm gì hơn là để bụi bám; những đôi câu đối thiếp vàng đã chẳng còn ai đọc đến. Đâu rồi những giọng ngâm sang sảng vang ngân, những dịp cười hống hách khi hơi men đã bốc!... Nay chỉ có tiếng chân tôi vang lên trong yên lặng. Trông đây tôi cảm thấy tất cả vẻ hoang tàn đổ nát, tất cả nỗi tang thương của một gia đình giàu sang lúc hết thời.

Từ ngày ông cha mất đi thì họa hoằn mới có một người khách sơ lạ, còn họ hàng thân có ai tới thì chỉ tiếp ở căn phòng thường ngồi chơi hàng ngày; ở đấy có một cái sập, một cái bàn, năm sáu cái ghế và hai cái tủ đựng trăm thứ lặt vặt...

- Ở đây tiện cái gần bếp nước...

Họ ăn cơm ở đấy, nói chuyện ở đấy và đánh tổ tôm cũng ở đấy nốt! “Nhưng từ ngày trong họ kiện tụng lẫn nhau thì cũng chẳng mấy ai về chơi nữa!” – Bà mẹ nói thế một cách buồn tẻ - Có phải một chút hối hận một chút đẹp đẽ đã nổi dậy trong lòng những kẻ đã dám coi thường tình ruột thịt!

Ăn điểm tâm xong, tuy trời nắng, tôi cũng để đầu trần đi ra vườn..., tôi thích đi như thế trong nắng gió mùa thu!... Tôi vui sướng thấy cạnh nhà còn có một khoảnh đất to trồng lẫn lộn nhiều thứ hoa, tỏ ra đã có một bàn tay mềm dẻo chăm nom. Những bông hoa lay động muôn ánh tươi đã bảo cho tôi hay là trong cảnh tiêu diệt của một cơ nghiệp cũng còn có một mầm sống: một cô gái đương thời măng trẻ. Lang thang trong ngôi vườn bát ngát những cây cao, tôi muốn nhìn lại nơi đã chứng kiến và chôn giấu bao ngày đẹp đẽ đối với tấm lòng bé dại xưa kia, tôi muốn tìm lại ít kỷ niệm, ít vẻ đẹp mà tôi đã yêu quý một thời... Khó quá! Khắp vườn cỏ mọc um tùm, cảnh vật cũng đã theo tình cảnh một gia đình mà đổi thay! Tận cuối vườn rộng, thấy tôi đến, một đàn ngỗng sợ hãi kêu “cà kếu” inh ỏi chạy nhảy xuống ao làm tung tóe nước. Ao vẫn nguyên như cũ, đây vài bực đá mòn vẫn thản nhiên ngâm chân trong nước mơ màng có lẽ chưa quên tôi. Bỏ guốc, tôi bước xuống như ngày nào còn nhỏ..., nhưng chân tôi đâu còn non nớt!... Tôi té nước chậm chạp lên đùi gối. Đàn ngỗng đã không kêu nữa, con thì rỉa lông, con thì vươn cổ thản nhiên lềnh bềnh nổi..., vài ba chiếc lông gió thổi trôi quanh co trên mặt nước thu trong khẽ gợn trước gió như những chiếc thuyền không lái. Tất cả êm nhẹ, và tôi cảm thấy lòng tôi cũng nhẹ như những chiếc lá tre khô lúc rơi trên mặt nước không tiếng. Tôi vẫn cúi mình trên nước rửa chân chậm chạp để hưởng cái mát êm đềm trong vẻ tĩnh mịch của bờ ao chốn cũ. Nắng rung trên nước trong... nắng dịu qua kẽ lá và nhịp hồn tôi như cũng lắng xuống tuy trời gió nhiều. Tôi đứng im hồi lâu nghe những quả sung chín đôi lúc lại lõm bõm rơi làm mặt nước rùng gợn vòng sóng. Tôi thích nghe tiếng gió kẽo kẹt trong khóm tre ngà!... Nước vẫn mát, gió qua vừa, và những cây cổ thụ in hình năm tháng vẫn rì rào than thầm trong cằn cỗi mặc đàn sáo bay về ríu rít. Tiếng vui ca bay bổng trên cảnh hoang tàn sao lại ăn nhịp? Có phải đây đã trở lại rừng xanh yêu quý của chim muông! Bâng khuâng tôi lững thững đi về. Tới vườn hoa tôi đứng lại; trong lúc tôi đang ngắm mấy con ong bay về tìm hút nhụy dưới trời trong sáng thì chị đi ra, tay cầm một con dao nhỏ để cắt hoa. Thấy tôi đang đứng thơ thẩn một mình, chị nhìn tôi mỉm cười dưới ánh mặt trời; tôi mỉm cười đáp lại. Cả hai đều không nói câu gì; chúng tôi như còn e thẹn tuy rằng tối hôm trước đã cùng nhau vui chuyện. Phải, tại bây giờ sáng quá, vả lại câu đầu bao giờ cũng khó, biết nói gì bây giờ!... bảy năm không gặp lại càng rụt rè lắm. Tôi lơ đãng đưa tay rứt mấy chiếc lá, yên lặng ngắm chị đi lại phơi phới giữa ngàn hoa như một con bướm lạ. Ý nghĩ không biết chị cắt hoa vì bữa nay có tôi hay là thường ngày chị vẫn cắt như thế đến lẩn quẩn trong óc tôi, nhưng tôi cũng thấy sung sướng! Muốn phá sự yên lặng, tôi ngỏ ý khen chị khéo trồng hoa thì chị ngừng tay nhìn tôi rủ:

- Cắt hoa xong ta đi chơi chợ đi...

Tôi gật đầu nhận lời.