Thiết tưởng như cái dáng liễu rủ thì trông buồn hay vui nó rất tùy ở thời tiết...

Liễu không “đeo sầu”, là liễu “vị cập thu”.

Chứ vẫn liễu ấy mà “thu tới”, nhất là đông tới, bầu trời xám xịt, thấp gần đụng... đất, thì lơ mơ coi chừng “trái sầu rụng rơi” cứ gọi là như mưa trong lòng!(1)

(Thu Tứ)

(1) Xuân Diệu có bài thơ nhan đề Mùa Thu Tới. Câu chót bài Ngậm Ngùi của Huy Cận: “Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi...”.



Hoài Thanh, “Liễu buồn hay vui?”



Thế Lữ ngày xưa, có lần viết:

Cao như thông vút, buồn như liễu.

Tưởng chừng như đó là một chân lý hiển nhiên (...) Hồi bấy giờ, ở ta, liễu không nhiều. Nhưng nhìn một hai cây lơ thơ bên hồ Gươm thì đúng là như thế (...)

Từ ngày đất nước ta đổi mới, ta đã trồng thêm rất nhiều liễu như ở đường Thanh Niên, ở vườn hoa Thống Nhất, và hình như cũng không còn ai thấy liễu buồn. Người ta chỉ thấy nó mềm mại, nó óng ả, nó mượt mà. Người ta thấy nó rất vui, lại còn muốn vui hơn nhiều cây khác. Màu xanh của nó tươi, cành lá nó luôn đung đưa trong gió. Thì ra cái chuyện “liễu buồn” chỉ là một chuyện hiểu lầm nhau, gán ghép cho nhau (...)

Thơ Xuân Diệu, hồi xưa, có câu:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng.


Tiếng Trung Quốc gọi là thùy liễu. Ta cũng thường nói liễu rủ. Rủ chứ không phải .

Dầu sao cây liễu trong Hoa Tiên không buồn:

Nhớ ngày nào liễu mới dâm
Le te bên vũng độ tầm ngang vai
Bỗng đâu bóng cả cành dài
Ðã sương, đã khói đã vài năm nay.


Những cây liễu “buông mành” chung quanh nhà Thúy Kiều cũng không buồn.

Trên đường đi sứ, lúc đi qua Thương Ngô (thuộc Hồ Nam), Nguyễn Du lại còn có những câu thơ rất hay về liễu:

Duyên thành dương liễu bất thăng nha
Diệp diệp ti ti vị cập thu
Hảo hướng phong tiền khán dao duệ
Tối điên cuồng xứ tuyệt phong lưu.

(Dương liễu bên thành mềm xiết bao
Thướt tha tơ lá lúc chưa thu
Lần đưa trước gió xem đường múa
Ðưa mạnh bao nhiêu đẹp bấy nhiêu.)


Gió càng thổi, rặng liễu bên thành càng múa như điên như dại, phong cảnh lại càng đẹp. Cả câu thơ và cả rặng liễu trong thơ tuyệt nhiên không một chút “đeo sầu”.


(Trích Hoài Thanh,
Chuyện thơ, nxb. Tác Phẩm Mới, VN, 1978, tr. 177–178. Nhan đề phần trích tạm đặt.)