Về những tác phẩm có nội dung xã hội của nhóm Tự Lực văn đoàn, trong hồi ký của một người con của Nhất Linh có cái đoạn này đặc biệt thú vị:

“Một lần. Buổi trưa. Lâu rồi. Mẹ tôi ngồi nhặt cau trên sập gụ. Tôi nằm ngửa bên cạnh bà, hai tay cầm giơ trước mặt cuốn truyện Ðoạn tuyệt (...) Ðọc đến đoạn cảnh mẹ chồng ác nghiệt với con dâu, tôi nhỏm dậy hỏi mẹ tôi: - Mợ này, mợ có phải chịu cảnh mẹ chồng nàng dâu như cậu tả trong truyện không? Mẹ tôi ngửng lên nhìn tôi nói: - Ðấy là cậu viết tiểu thuyết... Bà nội con có khó tính thật nhưng đâu đến nỗi khắc nghiệt thế...”.(1)

Tại sao những nhà văn trẻ ấy đi phóng đại khuyết điểm của văn hóa dân tộc mình? Không phải để tiểu thuyết bán chạy đâu, đó toàn là những người tốt. Chẳng qua nhiệt tình cải cách xã hội đã xui họ quá tay khi đánh tiêu cực. Và cùng lúc lại không có lấy được nửa lời ca ngợi những nét tích cực sờ sờ!

Nguyễn Hiến Lê bảo tinh thần gia đình gia tộc đặc biệt khắng khít có thể khiến người trẻ ỷ lại vào các bề trên hơn là tự mình cố gắng. Chúng tôi nghĩ thêm rằng đây cũng chính là cái gây ra hiện tượng quan chức Á Đông hay tham nhũng hơn quan chức Tây phương: được con cháu trông mong như thế, quan dễ bị cám dỗ lấy ít hay nhiều của công mang về cho nó!

(Thu Tứ)

(1) Nguyễn Tường Thiết,
Nhất Linh cha tôi. Chỗ in đậm do người trích.



Nguyễn Hiến Lê, “Gia đình Việt truyền thống”




Nhóm Tự Lực văn đoàn trong những năm 1932-1945 xuất bản một số tiểu thuyết (Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Thoát ly, Thừa tự v.v.) để chỉ trích chế độ đại gia đình, bênh vực phụ nữ, nhất là những người làm dâu, những người vợ trẻ ở góa, đề cao hạnh phúc cá nhân, chủ trương sự thoát ly gia đình. Họ có lý: chế độ gia đình có nhiều cái bất công, cổ hủ nữa, thân phận phụ nữ đáng thương; nó dễ tạo ra những con người ỷ lại, thiếu tinh thần phấn đấu, không hợp với một xã hội bắt đầu bước qua thời đại công nghiệp.

Nhưng chúng ta phải nhận rằng nó rất thích hợp với một xã hội nông nghiệp và có nhiều nét đẹp cao quý: con cháu tôn kính cha mẹ, ông bà, tình gia tộc đằm thắm hơn, đoàn kết hơn, người ta sống tương trợ nhau hơn, ít ích kỷ, có tình cảm, có tinh thần trách nhiệm v.v., còn thân phận đàn bà có khi đáng thương thật, nhưng những cụ nào như mẹ tôi, chịu hy sinh cho chồng con, gây được sự nghiệp cho gia đình chồng thì chẳng những con cháu, họ hàng, mà đến làng xóm, xã hội cũng đều kính nể.


(Trích
Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, nxb. Văn Học, 1992)