Cái nạn giặc Mông Cổ sách nhiễu triều đình ta, trong Hịch tướng sĩ Trần Hưng Đạo có nhắc: “Ngụy sứ đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình (...) đòi ngọc lụa (...) vét bạc vàng (...) lòng tham không cùng”. Dĩ nhiên cái mà bọn “dê chó” ấy thèm nhất là “đất”! Đất nước của ta!

Trò dụ hàng của giặc không phải là hoàn toàn không thành công. Hễ giặc mạnh mà dụ thì khối đứa hèn nhát sẵn sàng theo ngay. Hai nghìn năm nay, biết bao nhiêu Việt đã biến thành Việt gian!

Chuyện Mông Cổ đòi ta nộp thương nhân Tây Vực và chuyện Chiêm Thành có hàng trăm cỗ đại bác nhập từ Tây Vực: lạ. Tây Vực (Tân Cương bây giờ) đâu có giao thương gì đáng kể với Đại Việt hay Chiêm Thành?... Hơn nữa, Tây Vực đã thuộc vào đế quốc Mông Cổ ngay từ đời Thành Cát Tư Hãn thì sao lại có chuyện Hốt Tất Liệt cần “hỏi tình hình Tây Vực”?

Cái tên tướng Toa Đô nghĩ cũng thảm hại: quân viễn chinh của hắn lo đói đến nỗi phải đi cày tự trồng lấy lúa.
(Thu Tứ)



Đào Duy Anh, “Chống Mông Cổ” (2)




Tháng 3 năm 1258, Trần Thái Tông nhường ngôi cho con là Trần Khoán (Thánh Tôn), lên làm Thái thượng hoàng. Cùng năm ấy, Trần Thánh Tông sai sứ sang hiến phương vật cho vua Mông Cổ. Mông Cổ lại sai sứ sang sách nhiễu, đòi nhà Trần qui phục.

Năm 1260, Hốt Tất Liệt lên ngôi, lại sai sứ sang bắt ta triều cống. Biết rằng Mông Cổ thế nào cũng diệt được nhà Tống, Trần Thánh Tông quyết định thần phục, tiến cống ba năm một lần và nhận vua Mông Cổ phong cho làm An Nam quốc vương. Nhưng mục đích của Hốt Tất Liệt là bắt nước ta làm thuộc quốc và đặt quan giám trị, cho nên lại vẫn tiếp tục sách nhiễu. Trước hết cùng với cống phẩm gồm các thứ sản vật quý là “dầu tô hợp, quang hương, vàng bạc, châu sa, trầm hương, đàn hương, tê giác (sừng?), đồi mồi, trân châu, ngà voi, bông (?), đồ sứ”, giặc lại đòi phải nộp nho sinh, thầy thuốc, thầy số, thầy bói cùng các thợ giỏi, mỗi hạng ba người.

Năm 1266, Trần Thánh Tông sai sứ sang hiến phương vật và xin miễn việc nộp tú tài và thợ. Hốt Tất Liệt bằng lòng, nhưng rồi lại sai sứ sang đòi sáu việc: (1) vua Trần phải thân vào chầu, (2) nộp con em làm con tin, (3) biên dân số, (4) chịu quân dịch, (5) nộp thuế phú, (6) nhận đặt chức Đạt lỗ hoa xích (quan giám trị) để thống trị; đồng thời lại đòi nộp thương nhân người Hồi Hoạt (Hồi Hồi) để hỏi tình hình Tây Vực. Bấy giờ Trần Thủ Độ đã chết rồi. Trần Thánh Tông cứ giữ thái độ nửa phục nửa cự để hoãn binh.

Năm 1269, vua ta gửi thư từ chối các việc nộp thương nhân và voi lớn. Rồi lại gửi thư biện bạch về việc nhận chiếu của vua Mông Cổ mà không chịu lạy.

Năm 1271, Hốt Tất Liệt diệt nhà Tống, đổi quốc hiệu là Đại Nguyên, sai sứ sang đòi Trần Thánh Tông qua chầu, vua ta cáo bệnh không đi.

Năm 1275, Trần Thánh Tông lại sai sứ đem biểu sang triều Nguyên, xin bãi chức Đạt lỗ hoa xích, trong biểu có đoạn: “Tuy vâng lệ ba năm một lần cống, nhưng đắp đổi sai phái sứ thần qua lại nhọc mệt, chưa được một ngày nghỉ ngơi. Đến như Đạt lỗ hoa xích thiên triều sang nước tôi, khi trở về há lại về không! Huống chi những kẻ được sai đụng việc gì là cậy thế lấn ép nước tôi. Thiên tử dẫu sáng suốt như mặt trời, mặt trăng, nhưng làm sao soi được thấu dưới chậu úp! Vả chăng Đạt lỗ hoa xích chỉ nên đặt với các rợ nhỏ hèn ở biên thùy, chứ tôi thì đã được phong vương, làm phên giậu một phương, mà lại còn lập Đạt lỗ hoa xích để giám sát, há chẳng bị các nước chư hầu cười sao? Vì sự giám sát mà phải tiến cống, sao bằng trong lòng vui phục mà tiến cống?”.(1)

Năm 1277, Trần Thánh Tôn nhường ngôi cho con là Trần Khâm (Nhân Tông). Trần Nhân Tông sai sứ sang cống nhà Nguyên.

Năm 1278, nhà Nguyên sai Lễ bộ Thượng thư Sài Thung, do đường Ung châu sang đòi vua ta sang chầu (trước kia sứ giả thường đến theo đường từ Vân Nam). Sài Thung rất hống hách trách rằng: “Nước ngài nội phụ đã hơn hai mươi năm mà sáu việc trước vẫn chưa thấy làm theo. Nếu không vào chầu thì nên sửa sang thành trì, chỉnh đốn quân đội mà chờ quân chúng tôi.” Trần Nhân Tông thác bệnh không sang chầu.

Cuối năm 1279, nhà Nguyên lại sai bọn Sài Thung trở lại cứ đòi Trần Khâm vào chầu, nếu không đi thì phải làm người bằng vàng thay mình, lấy hai hột trân châu làm mắt, và nộp hiền sĩ, phương kỹ, con trai con gái, thợ thuyền, mỗi hạng hai người để thay cho nhân dân, nếu “không chịu thì cứ sửa sang thành trì mà chờ xét”.

Năm 1281, Trần Nhân Tông cử chú họ là Trần Di Ái thay mình sang chầu. Nhà Nguyên bèn đặt An Nam tuyên úy ty để chuẩn bị thống trị nước ta và sau khi dụ hàng được Trần Di Ái phong cho làm An Nam quốc vương.

Năm 1282, Sài Thung được cử làm An Nam tuyên úy sứ đô nguyên súy, đem một ngàn quân tân phụ (người miền nam Trung Quốc) hộ tống Di Ái về nước. Nhà Nguyên tưởng chỉ hư trương uy thế như vậy cũng đủ uy hiếp được vua tôi nhà Trần. Nhưng Trần Nhân Tông cho quân đón đánh ở biên thùy. Sài Thung bỏ chạy, còn Di Ái cùng đồng đảng thì bị bắt về kinh trị tội. Sau cuộc thất bại ấy, hẳn là triều đình nhà Nguyên nghĩ rằng tất phải dùng đến vũ lực.

Nhưng bấy giờ nhà Nguyên lại đương bận đánh Chiêm Thành, nên chưa muốn dụng binh trực tiếp với nước ta, mà vẫn muốn dùng áp lực ngoại giao để thực hiện âm mưu, bèn đòi nước ta cấp lương và cho mượn đường để quân Nguyên đi đánh Chiêm Thành, nhân đó mà chiếm đất.

Sau khi diệt được nhà Tống, Hốt Tất Liệt nghĩ ngay đến việc chinh phục Nhật Bản và các nước miền Nam Hải: Chiêm Thành, Chân Lạp cùng các nước Mã Lai. Buổi đầu thì chỉ dùng chính sách chiêu dụ để bắt triều cống. Từ năm 1281, chính sách của Hốt Tất Liệt chuyển thành tích cực hơn, định năm sau thì thực hành việc chinh phục “chư phiên”, bắt đầu bằng Chiêm Thành. Nhà Nguyên bèn lập Hành Trung thư tỉnh Chiêm Thành, lấy Toa Đô làm Hữu thừa, Lưu Thân làm Tả thừa. Cuối năm, Toa Đô đem một trăm thuyền biển và hai trăm năm mươi thuyền chiến (2), xuất phát từ Quảng Châu, vào cửa Chiêm Thành cảng (cửa Qui Nhơn) để đánh Chiêm Thành. Quân Nguyên đóng đồn ở bờ biển. Chiêm Thành dựng thành gỗ, chu vi hơn 20 dặm, ở giữa dựng lâu bằng, và đặt hơn trăm cỗ đại bác (súng Hồi Hồi), để cự chiến. Cách thành gỗ 10 dặm là hành cung của vua Chiêm, vua Bột Do Bổ Thích Giả Ngô (Indravarman) thân cầm trọng binh ở đó để ứng viện. Đầu năm 1283, Toa Đô tiến công quân Chiêm, nhưng chiến thuyền đến bờ thì bị sóng gió đánh vỡ đến bảy, tám phần mười.(3) Quân Chiêm mở cửa thành gỗ ở phía nam, trương cờ gióng trống kéo ra, chừng một vạn người và mấy chục voi, chia làm ba đội để nghinh chiến. Nhưng kịch chiến trong nửa ngày thì quân Chiêm thua, vua Chiêm bỏ hành cung, cùng bầy tôi chạy lên núi. Hai ngày sau, Toa Đô đem toàn quân đánh chiếm miền Đại Châu là đất bản bộ của Chiêm Thành. Quân Nguyên đóng ở ngoài thành Chà Bàn dụ hàng. Nhưng vua Chiêm một mặt cho người đem hiến lễ vật để hoãn binh, một mặt chuẩn bị phản công. Quân Nguyên không thể tiến sâu vào nội địa vì rừng núi hiểm trở. Sau ít ngày, bị quân Chiêm chận đánh nhiều trận, quân Nguyên thiệt hại nặng. Tháng 2 năm 1284, nhà Nguyên sai bọn Hốt Đô Hổ và Ô Mã Nhi đem hai vạn quân các tỉnh miền Dương Châu tiếp viện cho quân Toa Đô. Viện binh bị đắm thuyền tan vỡ, bọn Hốt Đô Hổ đem tàn binh đến nơi thì mới biết rằng trước đó mười ngày Toa Đô đã lui quân rồi. Bọn Hốt Đô Hổ dụ hàng vua Chiêm. Vua Chiêm nhận triều cống, nhưng nói hiện nay thì đất nước bị Toa Đô tàn phá hết cả, không còn gì mà tiến cống ngay được.

Quân Toa Đô một số tán lạc, xiểng liểng trở về nước, nhà Nguyên phải sai người thu thập bọn tàn quân. Còn Toa Đô thì đem một phần quân còn giữ được tiến về phía bắc, chiếm giữ miền Ô Mã (tức là miền châu Ô của Chiêm Thành). Bấy giờ Toa Đô tạm đóng binh ở đó để chờ tiếp viện, cho quân lính ra khẩn ruộng để lấy lương.

Từ nửa năm 1283, nhà Nguyên đã sai sứ sang nước ta đòi giúp binh lương để cho quân Nguyên đi đánh Chiêm Thành. Trần Thánh Tôn trả lời rằng nước nghèo không thể cấp binh lương nhiều được, song cũng xin lượng sức mà nộp ở cương giới Khâm Châu. Năm sau nhà Nguyên lại vu cho nước ta thông mưu với Chiêm Thành, phái hai vạn quân và chiến thuyền đi ứng viện cho nước Chiêm. Trần Thánh Tông lại biện bạch. Nhưng cuối năm ấy thì Toa Đô ở châu Ô tâu về triều rằng (...) (đại ý khuyên vua Nguyên nên đánh chiếm nước ta ngay để công cuộc nam chinh tránh được việc đi đường biển có nhiều bất tiện).(4)

Đầu năm 1285, con Hốt Tất Liệt là Thoát Hoan được phong Trấn Nam vương, tiến quân đến Ung Châu, gửi giấy đòi Trần Thánh Tông phải một mặt vận lương vào Chiêm Thành để tiếp tế quân Nguyên, một mặt thân rước quân Thoát Hoan để cho mượn đường vào Chiêm Thành. Thế là nhà Nguyên đã nhất định mượn cớ đi đánh Chiêm Thành mà xâm lược nước ta.


(Trích Đào Duy Anh,
Lịch sử Việt Nam, nxb. Văn Hóa – Thông Tin. VN, 2002. Sách này viết lần đầu năm 1949, in dưới tên Việt Nam lịch sử giáo trình, viết lại năm 1952, lại viết lại năm 1954, xuất bản dưới tên LSVN năm 1955, đến năm 1957 tái bản sau khi sửa chữa bổ khuyết. Tức sách đã được viết đi viết lại tới bốn lần!)















_______________
(1)
Nguyên sử, An Nam truyện.
(2) Thuyền chiến thì cũng là thuyền đi biển, vậy “thuyền biển” khác thế nào? Chở quân nhu, quân dụng chăng? (TT)
(3) Tức “quân Nguyên đóng đồn ở bờ biển” là một bộ phận rất nhỏ, chứ từ hôm tới Qui Nhơn hầu hết quân vẫn tiếp tục ở trên thuyền? (TT)
(4)
Nguyên sử, Thế tổ bản kỷ, Chiêm Thành truyện. Tham khảo: Sơn Bản Đạt Lang, An Nam sử nghiên cứu 1.